.

Người đàn bà thứ hai hay một giãi bày ân nghĩa

.

Phan Thị Vĩnh Hà, nhà thơ nữ quen thuộc với nhiều bạn đọc, có bài thơ được nhiều người yêu thích, đó là Người đàn bà thứ hai. Yêu thích, bởi vì, nó hướng thiện, vượt lên những suy nghĩ thường tình về cảnh cơm không lành, canh không ngọt giữa mẹ chồng và nàng dâu.

Bài thơ như sau:

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Mẹ đừng buồn khi anh ấy yêu con
Bởi trước con anh ấy là của mẹ
Anh ấy có thể yêu con một thời trai trẻ
Nhưng suốt đời anh yêu mẹ, mẹ ơi!
 
Mẹ đã sinh ra anh ấy trên đời
Hình bóng mẹ lồng vào tim anh ấy
Dẫu bây giờ con được yêu thế đấy
Con cũng chỉ là người đàn bà thứ hai…
 
Mẹ đừng buồn những chiều hôm, những
                                                                     ban mai
Anh ấy có thể nhớ con hơn nhớ mẹ
Nhưng con chỉ là cơn gió nhẹ
Mẹ luôn là bến bờ thương nhớ của đời anh.
 
Con chỉ là cơn gió mong manh
Những người đàn bà khác có thể thay thế
                                                      con trong tim anh ấy
Nhưng có một tình yêu âm ỉ cháy
Anh ấy chỉ dành cho mẹ, mẹ ơi!
 
Anh ấy có thể sống với con suốt cuộc đời
Cũng có thể chia tay trong ngày mai, có thể
Nhưng anh ấy suốt đời yêu mẹ
Dù thế nào, con chỉ là người thứ hai…

                
Trong văn chương dân gian và cả văn học viết không thiếu những tình cảnh trớ trêu nói về sự không thuận hòa giữa cô dâu, mẹ chồng và những người thân trong gia đình chồng. Tìm một tiếng nói chung, chân thành, hòa điệu giữa các thành viên này quả không dễ chút nào! Chính vì thế, ta vô cùng yêu quý những nghĩ suy và ứng xử của nhân vật thứ hai này.

Bài thơ là cuộc đối thoại, có ba nhân vật: mẹ chồng, nàng dâu và người con trai. Nhân vật “anh ấy” vừa là chồng vừa là con, luôn hiện diện giữa hai người và có xu hướng chệch về một phía - phía của người mẹ. Song, xét đến cùng, xuyên suốt hình tượng thơ, cũng vẫn chỉ là tiếng nói giãi bày duy nhất của một nhân vật, người tự xưng: “Người đàn bà thứ hai”, mà thôi.

Bài thơ được viết ra tự nhiên, như thốt lên đáy lòng, không màu mè, khách sáo. Ai cũng hiểu, trên đời này, mẹ sinh ra ta, nuôi dưỡng ta thành người, theo dõi mỗi bước ta đi, chia sẻ cùng ta mọi vui buồn, sướng khổ. Bao giờ, với mẹ, ta cũng là đứa trẻ bé bỏng của ngày xưa. Bé bỏng dẫu ta đã thành người khôn lớn, có cuộc sống riêng tư! Không ai thương ta, hướng về ta như mẹ, không ai đỡ ta đứng dậy sau những lần gục ngã trước sóng gió cuộc đời như mẹ. Người đàn bà thứ hai như thấu hiểu tất cả những điều này:

Mẹ đừng buồn khi anh ấy yêu con
Bởi trước con anh ấy là của mẹ
Anh ấy có thể yêu con một thời trai trẻ
Nhưng suốt đời anh yêu mẹ, mẹ ơi!

Bài thơ bắt đầu bằng lời lẽ chân thành như tâm tình “mẹ đừng buồn khi anh ấy yêu con”, đã chuẩn bị cho một trạng thái tâm lý bớt hẫng hụt khi nhận ra một sự thực: “anh ấy” không hoàn toàn thuộc về mẹ. Biết làm sao, cuộc sống vốn là vậy! Song, dù ở chân trời góc bể nào, anh ấy vẫn là con của mẹ, dẫu có chia sẻ tình thương với con ở mức độ nào chăng nữa, có thể yêu con cả một thời trai trẻ, nhưng trong tận cùng của trái tim, với anh, vẫn dành cho mẹ, vẫn suốt đời yêu mẹ. Hai chữ “mẹ ơi” đặt ở cuối dòng thơ như một tỏ bày thẳm sâu lòng yêu người, trong trắng và thanh cao.

Cách nói ở bốn câu thơ đầu là cách thể hiện lòng yêu kính và biết ơn của người dâu đối với mẹ chồng. Nói như Xuân Quỳnh trong bài thơ Mẹ của anh:

Phải đâu mẹ của riêng anh
Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi
Mẹ tuy không đẻ không nuôi
Mà em ơn mẹ suốt đời chưa xong…

Không chỉ dừng lại ở đấy, người đàn bà thứ hai, trong giây phút này, như hóa thân và nhập vào tâm trạng của người mẹ, thấu hiểu mọi nỗi niềm. Vẫn biết, khó có thể chia sớt tình mẫu tử thiêng liêng của mẹ và con, bởi lẽ, hình bóng mẹ đã khắc tạc trong trái tim người con. Trái tim đó, mẹ là chỗ đứng vĩnh hằng, không ai thay thế:

Mẹ đã sinh ra anh ấy trên đời
Hình bóng mẹ lồng vào tim anh ấy
Dẫu bây giờ con được yêu thế đấy
Con cũng chỉ là người đàn bà thứ hai…

Đến khổ thơ thứ hai này, ta nhận ra rõ hơn tâm hồn, nhân cách của “người đàn bà thứ hai”. Hai lần nhắc đến “anh ấy”, mẹ sinh “anh ấy”, “hình bóng mẹ lồng vào tim anh ấy” như nói đầy đủ hơn về phần được nhận và quyền sở hữu được nhận. Chao ôi, thương nhất, cảm động nhất là ở lời tự nhận rất mực nhân văn ấy!

Ở khổ thơ thứ ba, Phan Thị Vĩnh Hà viết:

Mẹ đừng buồn những chiều hôm, những
ban mai
Anh ấy có thể nhớ con hơn nhớ mẹ
Nhưng con chỉ là cơn gió nhẹ
Mẹ luôn là bến bờ thương nhớ của đời anh.

Lại một lần nữa, “mẹ đừng buồn…”. Trong tình yêu, tình chồng vợ, nhớ và nghĩ về nhau trong “những chiều hôm, những ban mai” là điều bình thường, hiển nhiên, không thể khác: “anh ấy có thể nhớ con hơn nhớ mẹ”. Điều đó có sao đâu! Nếu chỉ nhớ ngược lại, thì mới không thường tình. Đó là quy luật của tình cảm, của con tim. Nhưng sao ở đây, người đàn bà thứ hai vẫn che chắn bằng một lý lẽ: con chỉ là cơn gió nhẹ. Nói thế có thật lòng không? Hay đây chỉ là cách nói, nói để lòng mình nhẹ nhàng hơn, thanh thản hơn, nói để biết những “bến bờ thương nhớ” trong mỗi góc tâm hồn có những nẻo của nó. Đó là lý lẽ của trái tim.

Ở khổ thứ tư và năm này nói rõ hơn việc “mẹ đừng buồn”. Nàng dâu đã lấy cái có thể (mong manh/thay thế/chia tay/người thứ hai) để khẳng định cái không thể, cái muôn đời (một tình yêu âm ỉ cháy/suốt đời). Tạo ra một hệ hình đối lập, đối lập giữa cái tạm thời và cái vĩnh cửu để nhằm khẳng định một chân lý: Anh ấy suốt đời yêu mẹ và con chỉ là người thứ hai:

Con chỉ là cơn gió mong manh
Những người đàn bà khác có thể thay
                                 thế con trong tim anh ấy
Nhưng có một tình yêu âm ỉ cháy
Anh ấy chỉ dành cho mẹ, mẹ ơi!
 
Anh ấy có thể sống với con suốt cuộc đời
Cũng có thể chia tay trong ngày mai, có thể
Nhưng anh ấy suốt đời yêu mẹ
Dù thế nào, con chỉ là người thứ hai…

Người đàn bà thứ hai đã nói hết những điều cần nói, chắc chắn rằng, không người mẹ nào lại có thể hững hờ trước trái tim nhân hậu đó!

Tình chồng vợ và tình mẫu tử đều là những tình cảm đáng trân trọng. Hai lĩnh vực này không thể tách bạch rạch ròi song cũng không thể đánh đồng. Tuy nhiên, phải hiểu tính tương đối của nó để mỗi thành viên trong gia đình biết chỗ đến của mình, biết chia sẻ và thông cảm, biết làm cho mỗi khía cạnh hài hòa, thăng hoa và  làm cho cuộc sống có ý nghĩa hơn.

Cái hay của bài thơ là sự tinh tế và khéo léo của “người đàn bà thứ hai”, vừa giữ được tình yêu của mẹ đối với con, của con đối với mẹ - một thứ tình yêu vĩnh hằng, không có gì thay thế - vừa giữ được tình yêu của mình đối với “anh ấy”, mà lại không đối lập với ai cả. Nhà thơ đã bốn lần lặp lại từ “nhưng”, nhiều lần nói đến “hình bóng mẹ”,“bến bờ thương nhớ”,“một tình yêu âm ỉ cháy” và so sánh với tình huống có thể diễn ra khi “những người đàn bà khác có thể thay thế con trong tim anh ấy”, “cũng có thể chia tay trong ngày mai, có thể” để khẳng định một điều không thay đổi: “anh ấy suốt đời yêu mẹ, mẹ ơi”, vì thế, "Mẹ đừng buồn khi anh ấy yêu con”.

Hiếm thấy một giãi bày nào ân nghĩa hơn! Đơn giản là, bài thơ được viết từ một trái tim nhân hậu, quảng đại, bao dung. Giọng thơ tha thiết, chân thành, không màu mè, quanh co. Tất cả như đi ra từ một điểm nhìn nhân văn cao cả. Cuộc đối thoại, do vậy, trở thành tiếng nói trao gửi, đạo lý và thương yêu. Cả bài thơ như một hành trình kiếm tìm, lý giải, đi từ “ta là ai?” đến “ta vì ai”, như cách nói của Chế Lan Viên, bộc lộ khát vọng hiểu người, yêu người.

Chủ đề bài thơ không mới, câu chữ cũng rõ ràng, dễ hiểu. Điều người đọc đến với tác giả chủ yếu là ở lời kêu gọi thiết tha về cách ứng xử của nàng dâu với mẹ chồng và mẹ chồng đối với nàng dâu. Cảm nhận bài thơ, dù đứng ở góc độ nào, vẫn thấy ánh lên lòng khoan dung, sự hòa hợp, tự nhận ra vị trí của mình, có sự độ lượng và sẻ chia cần thiết. Vì thế, đọc bài thơ, ta dễ nhận ra bức tranh về một gia đình ấm êm và hạnh phúc. Đây là thông điệp, là gửi gắm của tác giả cho đời, cho bao lứa đôi sắp bước vào ngưỡng cửa hạnh phúc.

HUỲNH VĂN HOA

;
.
.
.
.
.