.

Má tôi tuổi Tỵ, ba tôi tuổi Dần…

.

Ai đó đã nói rằng, con người ta sống trên đời chỉ có hai điều không thể lựa chọn: cha mẹ - người sinh ra mình và quê hương - nơi mình được sinh ra. Chúng tôi không lựa chọn ba má tôi nhưng ba má tôi ngày ấy đã chọn chúng tôi...

Minh họa: Hoàng Đặng
Minh họa: Hoàng Đặng

Bà ngoại tôi kể, ngày bà về nhà chồng tuổi mới “thập tam”, ngồi trước nhà chỉ biết cầm sào đuổi mấy con gà, ra sau vườn chỉ biết hái dúm rau sống... nhưng thấm thoắt sau đó đã sinh hạ được đến đứa con thứ chín. Chiến tranh tang thương qua đi mang theo ông ngoại tôi cùng năm dì cậu; chỉ còn má tôi cùng bà ngoại với bốn cậu tần tảo nuôi nhau. Ngày tháng trôi, má tôi vào độ tuổi cập kê, chẳng biết đến cái cảm giác sướng rân khi mân mê đôi giày mới hay điểm chút phấn son gọi là thời con gái. Song, dù chẳng phải sắc nước hương trời cũng khiến ong bướm gần xa một thời ve vãn. Nhưng con gái tuổi Quý Tỵ, hình như vì lẽ ấy, duyên đầu của má tôi cũng rất đỗi truân chuyên... Là má tôi chủ động mang trầu cau trả lễ, hỏi lý do má chỉ kể rằng: “ghét người ta kênh kiệu...”. Con gái thời ấy, vậy là đã có một đời chồng...

Ba tôi đến với má tôi sau thời khắc ấy phải hơn ba năm. Chiến tranh tang thương cũng khiến ba tôi mới được hơn một tháng tuổi đã mất mẹ. Ông nội tôi bước thêm bước nữa để ba tôi được dưỡng nuôi. Họ cũng có được với nhau hai người con trai nhưng... chỉ sau một trận bom, ba tôi mất dì, mất cả các em, trở thành con trai độc đinh của một chi tộc. Vậy nên, trước khi cưới vợ ba tôi đã phải khổ công tìm vợ. Xuất ngũ về là ba tôi đi tìm vợ. Thời ấy cũng như bây giờ, cưới xin cứ phải nhờ cậy đến “thầy” đoán định lương duyên cũng như mai mối đưa đường dẫn lối. Ba tôi trước mặt thầy bói trình ra tên tuổi, giờ ngày tháng năm sinh của bốn người con gái được bạn bè gần xa dặm giúp.

Lời thầy bói phán trở thành duyên định đối với ba má tôi: trong số những người này chỉ có bà X là được đường con cái tức có nếp có tẻ và con cái hiền ngoan, thành đạt nhưng vợ chồng cả đời chẳng đạt được phú quý mà công danh lợi lộc cũng không. Bởi một lẽ dễ hiểu: ba tôi tuổi Dần, má tôi tuổi Tỵ. Ba tôi đã có ngay quyết định cuối cùng của mình. Và vào khoảnh khắc ấy, ba tôi đã chọn má tôi cho những đứa con sau này chứ chẳng vì cái gọi là tình yêu... Nhưng rồi như người thời ấy vẫn hay nhắc lại, không quen biết, tìm hiểu gì cả, cưới rồi sống với nhau, rứa mà vẫn cứ hạnh phúc bền chặt, chẳng có gì có thể phân rẽ.

Con gái đầu lòng rồi đứa con trai mong đợi chào đời. Không hiểu lẽ gì đứa con trai bảo bối đó tìm theo ông bà chứ chẳng ở lại cùng ba má tôi. Và vì chạy đua cùng số mệnh, mỗi ba năm hai đứa, hơn mười năm sau má tôi mới lại sinh hạ được cậu con trai quý tử và còn gắng thêm một cô “út mót”.

Đi dọc những năm tháng khốn khó cùng cảnh ngộ bao cấp của đất nước một thời, ba má tôi cũng trải qua đoạn đời hơn ba mươi năm thấm những nỗi niềm của cõi thế. Duy Hải ngày xưa ấy cát lún đến nửa giò. Mảnh đất cát pha cằn cội nằm ở cuối sông ven biển chỉ thương được củ sắn, củ khoai cho những con người đôn hậu. Vì vậy, bằng cái nghề đánh cá để lại từ đời ông cố, ông nội, ba má tôi lặn lội mưu sinh cho lũ con thơ dại và người cha già bị bệnh phong thấp dày vò. Khi trái gió trở trời, lúc nước lớn triều dâng, ba tôi không quản những mảnh đạn còn găm trong xương tê buốt, má tôi mặc con cái hãy trong tháng tuổi, chẳng ngại thân mềm dầm dãi nắng mưa.

Từ con thuyền to đi biển khơi xa đến cái thúng đi rùng gần bờ, từ gánh lưới mon men ở bãi sông cho đến những ngày đi bàu, đi đìa, đi hói nhọc nhằn, xa lắc... Mỗi lần như thế, ông nội tôi ngâm thơ, hát ru cháu, chị lớn mớm lời của nội hát ru em nhỏ. Miếng sữa, miếng cơm mẹ tôi mớm, khúc hát của nội tôi, chị tôi khi võng đưa là những ký ức đẹp đẽ, ngọt ngào nhất trong góc tuổi thơ của mỗi chúng tôi. Cá biển, cá đồng, cá sông cùng với củ khoai, củ sắn đã nuôi lớn và vun vén những ước mơ nho nhỏ của chúng tôi ngày ấy. Dù sông biển, ruộng đồng chẳng in hằn những bước chân nặng nhọc của ba má tôi nhưng nó đã khắc sâu trong tâm khảm mỗi đứa con của ba má...

Chúng tôi lớn lên, không phụ giúp được gì nhiều cho ba má vì đứa lớn đứa nhỏ hãy còn ham chơi: làm nhà, đám cưới, u mọi, ông làng,... - những trò chơi hồn nhiên  của chốn thôn quê dân dã ngày ấy. Dẫu vậy, lúc đói lòng, bị ba má rầy la, đứa nào cũng biết làm qua những công việc cào rác, đan lưới, hái rau, nhổ xà hồ, hôi cá, mót khoai, giữ vịt... phụ thêm cho cả nhà bữa cơm bữa cháo. Tôi vẫn nhớ như in những bữa sáng mỗi ngày chỉ với bánh bột sắn nhồi luộc hay nồi khoai lang lát khô khốc khiến con chữ trắng trên bảng đen, hình dáng của thầy cô ở lớp cứ mờ mờ ảo ảo cho đến khi tiếng trống trường tùng... tùng... tùng báo giờ tan học. Ngày tháng cứ khổ dài vì biển động triều dâng, lúc nắng hạn trời hanh, đầm đìa cạn rọt; không đành để con cái chịu đói khổ, ba má tôi đã phải dứt lòng mà gửi mấy đứa con lớn cho các cậu nuôi dưỡng.

Thời gian ấy, chúng tôi sống trong ơn cưu mang sâu nặng của bà ngoại, các cậu mợ cùng nỗi lòng nhớ con quay quắt của ba má tôi. Gánh nặng cơm ăn áo mặc cho các con chưa bao giờ chịu rời bỏ đôi vai gầy của ba má tôi từ lúc chúng tôi chào đời, dầu vậy, ba má tôi cũng chưa một lần than thở với trời cao biển sâu hay trách cứ đất mẹ. Chỉ có một sự hối hận khôn nguôi khi năm tháng ấy, lúc chưa sinh được “cậu con trai nối dõi”, mang mặc cảm cơm không đủ ăn, con gái “đái không qua đầu ngọn cỏ”, ba má tôi đã không cho chúng tôi đến trường.

Về sau, phải gặp một người bạn của ba tôi đến thăm chơi, lời ra lời vô nặng nhẹ khuyên răn, chúng tôi mới được trải qua cái thời cắp sách nhưng đã không được trọn vẹn. Chị cả lớn ngồng nên xấu hổ, chẳng chịu đến lớp, đi xa tìm việc nuôi thân, mỗi tháng gửi tiền về cho ba má nuôi các em ăn học; chị kế vào lớp 1 đã trễ hai năm... Còn những đứa sau, ba má tôi đều cho đi học cái chữ, học làm người; chắp cho mỗi đứa đôi cánh để chúng tự bay... Bởi “học khổ cha, không học khổ con”...

Chân bây giờ đã mỏi, tóc đã điểm sợi sương, ba má tôi không khỏi chạnh lòng khi hoài niệm cuộc lương duyên định mệnh ngày ấy. Đám cây con cả một đời tự tay mình trồng nay đã lớn, khai hoa kết quả nhưng nhìn lại vợ Tỵ chồng Dần tay vẫn trắng đôi tay. Vẫn vườn cạn ruộng sâu buổi sáng mai, cửa biển mom sông lúc chiều tối; vẫn ngày đám ngày giỗ, lễ lạt, phải không. Ngày tháng trôi, ba má tôi đã đi trọn rồi bước qua một giáp đời. Ngày xuân tháng hè được hội ngộ, con cái đứa gần đứa xa đều về đông đủ, tiếng khóc của trẻ thơ ấm áp cả ngôi nhà nhỏ, tiếng cười nói hàn huyên làm vọng lại nỗi nhớ khơi xa. Ngày gặp gỡ ngắn ngủi qua nhanh, rồi đằng đẳng tháng năm ly biệt, con cái của ba má tôi lại đi xa như những cánh chim nhỏ vội về nhặt nhạnh mấy chiếc lá nơi nguồn cội rồi bay đi muôn phương xây tổ ấm nhỏ cho mình.

HY GIANG

;
.
.
.
.
.