.

Hồn phố Hà Nội

.

Mùa thu là mùa đẹp nhất trong năm của Hà Nội khi nắng nhuộm vàng trên mái phố lô nhô của những nếp nhà cổ mà có thi sĩ đã ví đó là “sóng nhà”.

Mùa thu Hà Nội không những gợi cảm xúc bâng khuâng: “Cây cơm nguội vàng - Cây bàng lá đỏ - Nằm kề bên nhau - Phố xưa nhà cổ - Mái ngói thẫm nâu” trong giai điệu da diết của nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn mà còn gợi lại cho ta những âm hưởng bi tráng hào hùng của chiều sâu quá khứ lịch sử: “Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây. Đây lắng hồn núi sông ngàn năm. Đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội” trong tráng ca “người Hà Nội” của một con người Hà Nội gốc – nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi.

Cũng như con người, mỗi đường phố, ngõ phố Hà Nội đều có một linh hồn. Hồn phố thấm đẫm quấn quýt với hồn người trong những câu ca dao cổ: “Phồn hoa thứ nhất Long Thành - Phố dăng mắc cửi đường quanh bàn cờ”. Có một “phố Phái” (tranh phố độc đáo của họa sĩ Bùi Xuân Phái). Cảnh sắc “phố Phái” hiện lên có sức ám ảnh lạ kỳ.

Từ một góc nhìn của họa sĩ những căn nhà phố vẽ vào tranh rất đẹp. Nhịp điệu của nó không phải đều đều mà có cái cao cái thấp với những gam màu sáng tối đan xen như những vết thời gian phả vào nét cọ và lưu giữ ký ức. Người Hà Nội cởi mở và kín đáo, tế nhị và sâu sắc, không ồn ào hời hợt cũng như hồn phố trang nghiêm cổ kính mà uyển chuyển thâm trầm tạo ra nét hào hoa thanh lịch một tư thế phong cách sống của người thủ đô.

Hồn phố Hà Nội được phủ bằng một màu xanh của thiên nhiên của những mặt hồ thoáng rộng. Mỗi phố đều gắn với một loài cây nào đó. Quanh Hồ Gươm có hai loài cây đặc trưng: Đó là cây liễu gợi nhớ dáng hình thướt tha của thiếu nữ áo dài và cây lộc vừng rủ bóng những chuỗi hoa như tràng pháo tí hon đỏ xuống mặt nước hồ xanh ngắt trời thu. Và hương hoa sữa đường Nguyễn Du, hương hoa sấu trên phố Lý Nam Đế, hương Ngọc Lan thấp thoáng đường Thanh niên viền một sức sống trẻ trung quanh Hồ Tây.

Hương và hoa tạo nên một chiều sâu khác của hồn phố nhất là trong những đêm hôm khuya khoắt trên những phố nhỏ ngõ nhỏ yên tĩnh đánh thức lại trong ta bao kỷ niệm mến thương và lăng Bác như một đài hoa lung linh sáng điện với những rặng tre rì rào bát ngát ngỡ như cả hương đồng gió nội hồn non nước quy tụ về đây. Có một phố mang tên món ăn đặc sản: Phố Chả Cá. Có một ngõ mang tên một ứng xử sống khiêm nhường: Ngõ Tạm Thương. Có một hồ mang tên một dấu triện ấn xuống: Hồ Thiền Quang. Có một mùa đẹp nhất trong năm là mùa thu Hà Nội tạo ra phong cách sống chủ động hài hòa với thiên nhiên “Tự nhiên như người Hà Nội”.

Một giọng nói trong trẻo tròn âm rõ chữ chuẩn xác của phát thanh viên trên đài đó là “Tiếng Hà Nội”. Có một trung đoàn đã chiến đấu kiên cường trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp mang tên “Trung đoàn Thủ đô” khi mà “Hà Nội cháy khói lửa ngút trời - Hà Nội vùng đứng lên” trong ca khúc hào hùng của Nguyễn Đình Thi đã tạo dựng chân dung “người Hà Nội” với truyền thống văn hóa lịch lãm ngàn năm “Thứ nhất Kinh Kì” của đất Thăng Long rồng bay.

Mùa thu này ta bồi hồi nhớ lại cách đây 60 năm những đoàn quân chiến thắng trở về giải phóng thủ đô như nhạc sĩ Văn Cao đã vẽ nên trong giai điệu hào hùng: “Năm cửa ô đón chào đoàn quân trở về, Hà Nội bùng tiến quân ca” với ánh mắt vui tươi, nụ cười hồ hởi, thổi hồng ngọn gió của màu cờ đỏ sao vàng trong rập bước ca vang. Trong những ngày vui này gương mặt thủ đô sáng hơn xanh tươi hơn, sạch và đẹp hơn với giá trị thanh lịch của người Tràng An xưa lấy đó làm cốt cách xây nền “văn minh” nay của Thủ đô văn hiến “Thành phố vì hòa bình”. Vẫn còn đó lô nhô mái ngói thẫm màu bên những tòa nhà cao tầng cửa kính chớp lóe ánh nắng mặt trời đã tạo ra một không gian chiều sâu hồn phố trong sâu thẳm hồn người sống mãi với thời gian.

NGUYỄN NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.