.
Giới thiệu sách

Cảm nhận Phù sa rưng rưng

.

Tập thơ Phù sa rưng rưng của Nguyễn Hoàng Thọ là tiếng lòng thiết tha của một người con sinh ra và lớn lên bên dòng sông Thu Bồn thơ mộng, là những khát vọng, trăn trở của thân phận một người trí thức trước vận mệnh thăng trầm, buồn vui thời cuộc… Tuy nhiên, có lẽ nhằm để bạn đọc dễ tiếp cận chia sẻ, tác giả đã chọn lọc và chia tập thơ thành hai phần rõ rệt: trước 1975 và sau 1975.

Bìa tập thơ Phù sa rưng rưng của Nguyễn Hoàng Thọ.
Bìa tập thơ Phù sa rưng rưng của Nguyễn Hoàng Thọ.

Ở phần trước 1975, ngay từ những vần thơ đầu tiên, Nguyễn Hoàng Thọ đã làm gợi nhớ cái không khí hừng hực của một thời kỳ thơ văn yêu nước ở những đô thị miền Nam. Có thể nói, vào giai đoạn đó, bên cạnh những tên tuổi Trần Duy Phiên, Đông Trình, Tần Hoài Dạ Vũ, Lê Văn Ngăn, Thái Ngọc San, Võ Quê, Trần Phá Nhạc, Lê Nhược Thủy, Trần Đình Sơn Cước…, Nguyễn Hoàng Thọ đã góp phần một cách ấn tượng bằng những lời thơ ước vọng: “Thế nào rồi ngày mai/ Anh cũng lên đường/ Tay phấn tay khăn/ Dạy bài lịch sử/ Dạy hát dạy nói/ Dạy cấy lúa trồng bông/ Dạy biết Trường Sơn trùng trùng khí thế/ Dạy con đường Hà Nội - Cà Mau/ Rợp bóng cờ bay đất trời độc lập…”, và rồi: “Dạy con/ Thấy máu chảy lòng đau/ Thấy bạo quyền/ Không phải thu mình ngồi ngó” (Để thấy trong tim hồng lên dòng lịch sử).

Với những người cầm bút trong phong trào đô thị lúc ấy, đó là cuộc đấu tranh công khai trong bóng tối lịch sử vô cùng nghiệt ngã, phải lách qua nghìn cửa ải để tìm ra một cách nói, vừa kín đáo mà vẫn có thể tạo ra hấp lực mạnh mẽ hướng tình cảm, nhận thức người đọc đi vào quỹ đạo cách mạng. Đôi khi đó chỉ là một ẩn dụ bóng gió xa xôi, gợi lên hình ảnh một thanh niên bỏ rời phố thị, lặng lẽ tìm vào bưng biền tham gia chiến đấu; có khi lại là tiếng hét phẫn nộ, đòi quyền đứng lên trước chính sách bạo tàn của chế độ lệ thuộc ngoại bang. Nhưng cũng có khi, là khúc hoan ca, rực sáng niềm hy vọng thiêng liêng về một tương lai hòa bình, thống nhất. Nguyễn Hoàng Thọ đã viết: “Hãy ước mơ/ Ngày mai không có hầm trú ẩn/ Cho anh em Việt Nam mở hội phất cờ/ Rủ nhau đi thăm từ Nam ra Bắc/ Chuyến tàu suốt đầu tiên/ Chạy qua cầu Hiền Lương/ Ta nghe đôi bờ âm vang hồn dân tộc…” (Niềm mơ ước), hoặc: “Sáng hôm nay trường ta mở cửa/ Chào các em như mừng nắng hòa bình/ Những chồi khô mai này tươi lộc mới/ Cây trong vườn sẽ trổ trái ca dao…” (Niềm tin)

Thơ Nguyễn Hoàng Thọ có tiết tấu mạnh mẽ, nội dung hàm súc, gần gũi. Nhiều bài khiến người đọc cảm nhận như được ra đời bởi một yêu cầu bức xúc bản thân và của một giai đoạn lịch sử. Nhà báo Lê Văn Thuyên (nguyên Tổng biên tập tạp chí Xưa và Nay) nêu nhận xét về thơ Nguyễn Hoàng Thọ: “Đối với anh, làm thơ trước hết là để đối thoại với chính mình. Không hời hợt, dễ dãi về ngôn từ, cẩn trọng và sâu sắc trong cấu tứ, nặng tình thế sự, cứ thế anh lặng lẽ gởi lòng mình vào thơ…”.

Ở phần sau 1975, Phù sa rưng rưng vẫn chứa đựng nội dung về tình yêu đằm thắm, nồng nàn bên dòng sông quê hương: “Thu Bồn ơi!... sao tha thiết nhớ/ sông Mẹ quê hương xứ sở ân tình/ dữ dội đó nhưng hiền hòa ngay đó/ mới Thác Cả nước xô sóng dậy/ mà thuyền êm Trung Phước, Đại Bình (Soi bóng Thu Bồn). Thế nhưng giờ đây, trên hành trình đi tới, nhà giáo, nhà thơ Nguyễn Hoàng Thọ thể hiện dấu hiệu những gập gềnh, bất trắc của mảnh đời riêng: “Ba vào nghề từ trước/ Con lần bước theo sau/ Cha con mình gặp nhau/ Tóc xanh cùng đầu bạc/ Mùa xuân đi gieo hạt/ Bão nổi giữa vô minh/ Thôi rồi chiếc lá xanh/ Rưng rưng dòng lệ trắng…” (Nhánh sông riêng). Hoặc có khi: “Rồi những tách cà phê/ cũng thành xưa cũ/ chỉ/ còn vị đắng thời gian/ em tích góp sắc hương đợi mùa trái ngọt/ ta cúi chào giọt nắng phía thu xa…” (Phía chiêm bao)

Thơ Nguyễn Hoàng Thọ càng về sau càng chiêm nghiệm, sâu thẳm, nhiều hoài niệm, nhớ nhung. Có lẽ vì vậy, thơ anh lúc này buồn nhiều hơn vui. Thậm chí, những dấu vết ấy còn thể hiện ở hàng loạt  tựa đề: Sương khói Nghi Xuân, Bên kia dốc, Hạt bụi, Sân trường bỏ ngỏ, Mùa xuân ly biệt…

Khép lại tập thơ Phù sa rưng rưng, chợt nhận ra những thông điệp của tác giả Nguyễn Hoàng Thọ gửi gắm thật sự khiến người đọc phải rưng rưng xao lòng. Bởi, một cách âm thầm mà vô cùng mạnh mẽ, tác giả bộc lộ mình đã sống, đã viết, đã chiến đấu, trên mảnh đất quê hương và đời người trước sau như một, bằng tất cả trái tim nồng cháy yêu thương.

Nguyễn Hoàng Thọ quê quán Câu Lâu, Duy Xuyên, Quảng Nam là nhà giáo thâm niên tại Đà Nẵng. Trước 1975, khi còn là sinh viên Huế, anh tham gia phong trào đấu tranh yêu nước của SVHS Huế - Đà Nẵng (1968-1972) và có thơ in trên các báo, tạp chí Đối diện, Sinh viên Huế, Mặt trận văn hóa dân tộc… Sau ngày đất nước thống nhất, thơ Nguyễn Hoàng Thọ góp mặt trên hầu hết các mặt báo cả nước và các tuyển tập thơ Quảng Nam, Đà Nẵng… Tập thơ Phù sa rưng rưng do Nxb Hội nhà văn ấn hành tháng 10-2014. Sách dày 100 trang, khổ14 x 20,5cm. Bìa: Nguyễn Trọng Dũng. Phụ bản: Bửu Chỉ, Nguyễn Hữu Ngô.

TRẦN TRUNG SÁNG

;
.
.
.
.
.