.

Đưa sách gần hơn với học sinh

.

Xây dựng thư viện đạt chuẩn là tiêu chuẩn mà các trường học đang hướng đến, giúp cho học sinh (HS) tìm đến sách, ngoài việc giúp trau dồi kiến thức khoa học, xã hội cho các em rèn luyện kỹ năng, nâng cao khả năng sử dụng ngôn ngữ - một kỹ năng quan trọng cho mỗi con người. Bên cạnh giáo viên, những cán bộ thư viện đóng vai trò rất lớn trong việc góp phần hình thành văn hóa đọc trong mỗi HS.

Học sinh Trường tiểu học Lý Công Uẩn đọc sách tại tủ sách lưu động được đặt trong Vườn tuổi thơ của nhà trường. Ảnh: H.H
Học sinh Trường tiểu học Lý Công Uẩn đọc sách tại tủ sách lưu động được đặt trong Vườn tuổi thơ của nhà trường. Ảnh: H.H

Từ khoảng 5 năm trở lại đây, bên cạnh Ngày hội đọc sách, Ngày hội tặng sách trở thành một hoạt động định kỳ trong các trường học ở Đà Nẵng, được xem như là một phương cách góp phần hình thành văn hóa đọc cho HS trong khi đã có một “thế hệ ngón cái” chỉ quen với điện thoại di động, với máy tính và dùng máy tính để tra cứu thông tin, tải tài liệu cũng như có nhiều loại hình giải trí để lựa chọn.

Nhiều trường học, như Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Liên Chiểu) còn tổ chức những cuộc thi đố vui nhỏ trong tiết chào cờ theo Tủ sách của tôi trong chương trình Rung chuông vàng. HS phải đọc kỹ cuốn sách mới có thể trả lời được câu hỏi. Hoặc việc nhà trường, giáo viên đưa đề tài rồi giới thiệu sách, tài liệu cho HS tìm hiểu để viết những bài luận ngắn.

Trường tiểu học Trần Văn Ơn (quận Hải Châu) lại chọn cách mở cửa thư viện kéo dài thêm một tiếng đồng hồ sau giờ tan học để… đưa sách đến gần hơn với học sinh. Thầy Đặng Nhứt - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Do đặc thù của HS tiểu học thường giờ tan trường sớm hơn giờ tan sở của phụ huynh khoảng từ 30 - 45 phút, chúng tôi tận dụng khoảng thời gian trong khi các em chờ đợi cha mẹ đến đón để phục vụ cho nhu cầu đọc của HS”. Giờ làm việc của cán bộ thư viện nhà trường bao giờ cũng kết thúc vào lúc 5 giờ 30 chiều, khi hầu hết HS đã được đón về.

Để giới thiệu quyển Kỷ yếu Hoàng Sa đến với HS, cô Nguyễn Thị Thu Trang, người có 8 năm làm cán bộ thư viện Trường tiểu học Lý Công Uẩn (quận Hải Châu) phải mất hai tuần “nghiền ngẫm”. “Đây là một quyển sách có quá nhiều tư liệu và hình ảnh, mà tư liệu nào cũng hay, cũng quý. Trong khi đối tượng hướng đến của mình lại vừa phục vụ cho cả giáo viên và HS tiểu học, nên để giới thiệu sao cho hấp dẫn, cuốn hút, khơi gợi được sự tò mò của bạn đọc quả là không dễ dàng gì” - cô Trang cho biết. Và sau khi nghe cô Thu Trang giới thiệu, nhiều giáo viên tìm mượn quyển Kỷ yếu Hoàng Sa, HS khối lớp 4 - 5 của trường cứ tranh thủ giờ ra chơi là chạy lên phòng thư viện để tìm đọc.

Giới thiệu sách, theo Thu Trang, cũng phải có nghệ thuật, chẳng hạn, với truyện Cô Tiên giữa đời thường, viết về tấm gương nhà giáo, cô bỏ lửng đoạn kết; HS vì vậy càng háo hức tìm đọc cho bằng được. “Mình thường chọn những quyển sách có giá trị giáo dục như hạt giống tâm hồn, rèn luyện kỹ năng, sách văn học và có hứng thú đặc biệt với sách lịch sử. Mình dự định trong năm học này, ngoài điểm sách theo chủ điểm hằng tháng, sẽ giới thiệu đến bạn đọc chùm sách về Đại tướng Võ Nguyên Giáp”.

Đều đặn hằng tuần, Trường TH Lý Công Uẩn tổ chức 3 lần sách đưa sách từ thư viện xuống sân trường để phục vụ HS trong giờ ra chơi. Ngoài ra, tại Vườn lịch sử và Vườn tuổi thơ của trường đặt tủ sách lưu động để HS có thể đọc bất cứ lúc nào. Từ kinh nghiệm của mình, cô Thu Trang cho rằng: “Muốn phát huy được hiệu quả của thư viện, ngoài sự nhiệt tình của cán bộ thư viện, còn phải phát huy vai trò của đội ngũ cộng tác viên thư viện trong việc cho mượn sách, quản lý tủ sách lưu động…”. Chính vì vậy, đầu năm học nào, Trang cũng đều tập huấn cho HS các kỹ năng để phục vụ bạn đọc như chống thất thoát sách, cách giữ gìn sách, một số điều nên tránh khi đọc sách…

Thầm lặng những công việc không tên

Thầy Nguyễn Hữu Chính - Hiệu trưởng Trường TH Lý Công Uẩn cho biết: “Ngoài việc điểm sách ở bảng tin, trường còn tổ chức giới thiệu sách vào các buổi chào cờ. Cùng với Ngày đọc sách được tổ chức định kỳ hằng năm với sự tham gia của cả phụ huynh và tổ dân phố, chúng tôi còn triển khai mô hình Thư viện Xanh, đưa sách xuống sân trường phục vụ cho HS trong giờ ra chơi...”.

Để sách đến gần hơn với học sinh, ngoài cơ sở vật chất, bổ sung các đầu sách mới thường xuyên, thì năng lực cũng như sự nhiệt tình của cán bộ thư viện mới tạo được sức hút với bạn đọc. Với cô Lê Thị Tình, cán bộ thư viện trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, ngoài thời gian phục vụ sách cho bạn đọc, cô còn xây dựng các thư mục chuyên đề thông qua việc sưu tập lại những bài báo có liên quan. Đến nay, thư viện của trường Nguyễn Bỉnh Khiêm đã có gần 30 chuyên đề phục vụ cho công tác giảng dạy của giáo viên thông qua việc sưu tầm tài liệu của cán bộ thư viện.

Trong thực tế, nhiều người không hiểu hết tính chất công việc của cán bộ thư viện, bởi đây không phải là một công việc nhàn hạ. Để một quyển sách từ nhà sách về đến thư viện, đưa sách lên giá, cũng có ít nhất từ 15 - 17 công đoạn xử lý, từ vào sổ tổng quát, đóng dấu, dán nhãn, bao bọc… Thầy Đặng Nhứt, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Văn Ơn day dứt bởi không thể tăng thêm phụ cấp ngoài giờ cho hai cán bộ thư viện của trường. “Dù luân phiên nhau làm thêm 1 tiếng đồng hồ/ngày, nhưng hiện nhà trường chỉ đủ khả năng chi trả phụ cấp cho cán bộ thư viện ở mức 400.000đồng/tháng/người. Không thể trả thêm phụ cấp dù hiệu quả của việc kéo dài thời gian phục vụ của thư viện là không hề nhỏ” - thầy Nhứt cho biết.

HƯNG HÀ

;
.
.
.
.
.