.

Đặng Hoành Loan, đam mê và trách nhiệm với ca trù

.

Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan năm nay đã có dư bảy mươi xuân, nhưng niềm đam mê nghiên cứu âm nhạc dân gian vẫn thanh xuân như thời trai trẻ. Ông là nhạc sĩ sáng tác, chỉ huy dàn nhạc, nghiên cứu và cả công tác quản lý nữa.

Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan trong một lần trả lời phỏng vấn với báo chí. Ảnh: D.U.M
Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan trong một lần trả lời phỏng vấn với báo chí. Ảnh: D.U.M

Trong hơn 40 năm hoạt động nghệ thuật, ông để lại nhiều công trình nghiên cứu có giá trị, đặc biệt là mảng đề tài lớn âm nhạc dân gian như “Cấu trúc âm nhạc trong lớp tuồng Võ Tam Tư, “Cồng chiêng Tây Nguyên - Không mà có”... Với sáng tác, nhạc sĩ cũng để lại nhiều tác phẩm tiêu biểu như “Huyền sử chiêng đồng”, “Nghe kể Hri”, “Suối đàn Trưng hát”, “Trầu cau”...

Riêng với ca trù, ông đặc biệt tâm huyết, trong cuốn sách đặc khảo về ca trù ấn hành năm 2006, ông công bố một nghiên cứu  giá trị: “Ca trù - Những điều trông thấy”. Trên nhiều phương diện hoạt động, xuyên suốt sợi chỉ đỏ trong cảm hứng của ông là âm nhạc dân gian. Với ca trù, nếu nói nhạc sĩ Đặng Hoành Loan đam mê, có lẽ chỉ đúng một phần. Niềm đam mê đó hướng vào trách nhiệm nghiêm túc đối với di sản âm nhạc dân tộc mà ca trù là một nét đặc biệt độc đáo.

Ca trù là sản phẩm đặc sắc trong số di sản âm nhạc dân gian của Việt Nam. Một thời ca trù hiện diện trong đời sống văn hóa với vẻ sang trọng, đòi hỏi phải thật am hiểu lời ca nhịp phách, may chi mới cảm thụ được vẻ tinh tế trong giọng hát, nét tình tứ duyên dáng trong ca từ, một môn nghệ thuật kén người thưởng ngoạn. Nhưng có lẽ quá nhiều biến thiên của thời cuộc, ca trù cũng dần trôi dạt và mờ phai. Có nhiều làng  vốn là chiếc nôi của ca trù, sản sinh ra những ca nương lừng danh, vậy mà lớp trẻ lớn lên cũng khá mù mờ với truyền thống phường xã mình. Trong cao trào chấn hưng truyền thống văn hóa dân tộc, nhiều năm trở lại đây ca trù dần dần tìm lại địa vị xứng đáng của mình. Đây cũng là thời điểm ca trù lan tỏa sức sống  tinh túy, bền lâu của mình.

Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan dành nhiều thời gian điền giả ở một số địa phương, sưu tầm, khôi phục, hệ thống ca trù hiện còn rải rác đâu đó trong các làng cổ quanh Thăng Long xưa. Đặng Hoành Loan được giao trọng trách lập Hồ sơ khoa học về “Nghệ thuật ca trù của người Việt” với những cứ liệu lịch sử thuyết phục, đặc trưng trình UNESCO, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc công nhận di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại.

Tháng 10-2009,  UNESCO đã công nhận ca trù là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan được Nhà nước đánh giá là người có đóng góp quan trọng cho thành công này.

Nhạc sĩ tâm đắc nhất lời đánh giá của UNESCO: “Ca trù độc đáo ở không gian nghệ thuật riêng. Trên thế giới ít có bộ môn nghệ thuật nào chỉ có 3 người cùng với chiếc đàn đáy, thanh tre làm phách và một chiếc trống chầu kết hợp lại mà thành cả thơ, nhạc, tiết tấu, thể điệu… làm mê hoặc lòng người như ca trù”. Phục dựng đầy đủ, phong phú, tìm không gian thích hợp để ca trù đồng hành cùng thời đại mới với niềm tự hào sâu sắc về giá trị văn hóa cổ dân tộc là những vấn đề đang được Nhạc sĩ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các đề án mang tầm cỡ quốc gia.

Không ít người nghĩ rằng, giá trị của ca trù là không thể phủ nhận, nhưng không còn thích hợp với lớp trẻ. Ngày nay có đủ thứ âm nhạc để giải trí, để thưởng thức. Nhưng nhạc sĩ Đặng Hoành Loan không nghĩ vậy. Ông nói.

- Tôi đã nhiều lần tọa đàm ngoại khóa với sinh viên ở nhiều trường đại học về giá trị âm nhạc dân gian, nét độc đáo trong ca trù. Anh chị em lắng nghe và ngạc nhiên về khả năng biểu cảm tinh tế đến lạ lùng của ca trù hay quan họ, nét cách điệu kỳ diệu, bất ngờ trong bộ dạng tuồng. Nếu đến nay các bạn trẻ chưa thật sự say mê âm nhạc dân gian là lỗi ở người lớn. Ta không tạo môi trường để họ sớm tiếp cận, tìm hiểu, được thưởng thức ngay từ nhỏ, thì lớn lên làm sao họ tiếp nhận được đầy đủ tinh tế, nét độc đáo mà cha ông ta để lại. Đã đến lúc cần đưa các làn điệu dân ca, quan họ, tuồng chèo, ca trù vào trường học, được đến nhà hát miễn phí cho các em từ tiểu học đến trung học, đại học. Khi “chất” văn hóa dân gian đã thấm vào hồn  con người, nhu cầu thưởng thức là điều hiển nhiên, không thể thiếu được.

 Cho đến nay đã có trên 60 CLB ca trù được thành lập trong cả nước. Đi tiên phong là  Hà Nội, nơi cội nguồn của ca trù, rồi đến các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Đến nay môn nghệ thuật đặc trưng xứ Bắc đã hiện diện tại miền Trung, TP. Hồ Chí Minh. Nhiều khách nước ngoài, trong đó có nhiều nhà nghiên cứu văn hóa Phương Đông tìm hiểu và tham gia các buổi sinh hoạt ở các CLB Thăng Long, CLB Ca trù Hà Nội, CLB Thái Hà,… Nhiều điệu ca trù cổ được phát hiện. Những hội thảo khoa học  do nhạc sĩ Đặng Hoành Loan và đồng nghiệp chủ trì, đã khẳng định giá trị bất hủ của nghệ thuật ca trù.

ĐOÀN UYÊN MINH

;
.
.
.
.
.