.

Chờ đợi đằng sau bảng tỷ số

.

Thực hiện các buổi tập “kín cổng cao tường”, cấm cửa cơ quan truyền thông nước ngoài, nhất là các phóng viên đến từ Việt Nam, quyết giữ bí mật đội hình đến phút cuối, ban lãnh đạo đội U-19 Hàn Quốc có vẻ nghiêm khắc với chính mình và xem trọng cuộc ra quân với đối thủ Việt Nam chiều 9-10.

Vòng chung kết giải bóng đá U-19 châu Á- theo tường thuật của nhiều phóng viên đang tác nghiệp tại Myanmar- nóng lên từ ngay chính sân tập với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và quyết tâm đi đến đích của các đội. Trước giờ bóng lăn, đương kim vô địch Hàn Quốc thể hiện thái độ không coi thường đối thủ, dù đối thủ đó đến từ một nền bóng đá đứng sau họ nhiều bậc trong bảng xếp hạng của FIFA.

Công Phượng (10) và các đồng đội U19 Việt Nam làm nên kỳ tích tại VCK U19 châu Á 2014. Ảnh: VSI
Công Phượng (10) và các đồng đội U19 Việt Nam làm nên kỳ tích tại VCK U19 châu Á 2014. Ảnh: VSI

Ngoài phẩm chất khiêm tốn, tự trọng, có thể tìm thấy một lý do nữa để U-19 Hàn Quốc tỏ ra dè chừng trước đại biểu của Việt Nam: đây là đội bóng tập trung nhiều tài hoa ưu tú được chuẩn bị kỹ sau nhiều năm cho giải đấu được công chúng mong đợi nhiều nhất. Chắc chắn các quan sát viên của đội Hàn Quốc nắm rõ đối thủ của mình vừa trải qua 3 tháng tập huấn kỳ công tại châu Âu và Nhật Bản, từng thi đấu khá thành công ở Cúp Nhà vua Brunei và giải bóng đá U-19 Đông Nam Á (cúp Nutifood). Họ cũng không thể bỏ qua chi tiết các tuyển thủ trẻ của đối phương vốn sinh hoạt, tập luyện cùng nhau từ tuổi thiếu niên trong môi trường khá hiện đại dưới sự dẫn dắt của chuyên gia nước ngoài và đang là niềm cảm hứng của hàng triệu người dân trong nước.

Khác với sự chênh lệch rõ ràng ở cấp đội tuyển quốc gia, khoảng cách về trình độ, thực lực giữa các đại biểu ở sân chơi bóng đá trẻ còn khá mong manh. Cái mong manh ấy nằm trên thực tế chứ không phải trong ước muốn thiếu cơ sở của bất cứ ai: U-19 Việt Nam từng hai lần bất phân thắng bại với U-19 Hàn Quốc vào năm 2010. Và khi U-19 Indonesia đánh bại U-19 Hàn Quốc 2-3 (năm 2013), U-19 Úc thua U-19 Việt Nam 0-1 (năm 2014), những ai dựa vào đẳng cấp vượt trội của đội tuyển quốc gia để trông đợi sự lấn lướt ở cấp độ U-19 có thể phải tỉnh ngộ. Chính người Hàn, dù vừa giành ngôi quán quân Asiad cũng xem bảng C của vòng chung kết đang diễn ra ở Myanmar là bảng đấu “tử thần” với sự góp mặt của Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam.

Với khán giả Việt Nam vốn chung tình nặng nợ với nền bóng đá từng khiến họ nhiều phen thất vọng, cục diện ngang ngửa của cuộc tranh tài dành cho lứa tuổi U-19 châu lục gợi thêm nhiều cảm hứng thưởng ngoạn. Gửi tin yêu vào một tập thể sáng trong, lành mạnh, chơi bóng tận lực, công chúng dõi theo cuộc trình diễn của U-19 Việt Nam với mắt nhìn xa về những 5-10 năm tới, khi lứa tuyển thủ này có thể nắm giữ vai trò then chốt trong các đội tuyển quốc gia. Thành công hay thất bại của đội Việt Nam ở giải đấu này có thể sẽ giải mã nhiều thử nghiệm về hiệu quả công tác đào tạo bóng đá trẻ với sự tham gia trực tiếp của các cơ sở, tập đoàn kinh tế, về đường hướng và cách thức tiếp cận các giá trị bóng đá đương đại để đưa nền bóng đá này thoát khỏi cảnh ì ạch, quẩn quanh trong chiếc ao làng tù đọng.

Chính vì điều này, công chúng Việt Nam có thể sẽ không quá  chú tâm vào bảng tỷ số dù rằng chiến thắng luôn là điều họ mong đợi từng giờ…

ĐÌNH XÊ

;
.
.
.
.
.