.
69 NĂM NGÀY THÀNH LẬP LIÊN HỢP QUỐC (24 -10 -1945)

Liên Hợp Quốc như tôi hằng nghĩ

.

Chỉ còn một năm nữa là Liên Hợp Quốc tròn 70 tuổi, tính từ ngày thành lập 24 tháng 10 năm 1945, hy vọng tổ chức này vượt lên khỏi tình trạng mà Giáo sư Edward C. Luck gọi là tồi hơn nhiều so với những gì mà những người kiến tạo ra Liên Hợp Quốc từng mong đợi.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc  Maha Thray Sithu U Thant người Myanmar (giai đoạn 1961- 1971) người đã tích cực thúc đẩy một giải pháp thông qua thương lượng đối với cuộc chiến tranh Việt Nam.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Maha Thray Sithu U Thant người Myanmar (giai đoạn 1961- 1971) người đã tích cực thúc đẩy một giải pháp thông qua thương lượng đối với cuộc chiến tranh Việt Nam.

Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Liên Hợp Quốc từ năm 1977 và từng được bầu là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (Tiếng Anh: United Nations Security Council, viết tắt là UNSC) nhiệm kỳ 2008-2009. Trong suy nghĩ của người Việt thì Liên Hợp Quốc trước hết là các cơ quan chuyên môn như Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (tiếng Anh: United Nations Educational Scientific and Cultural Organization, viết tắt là UNESCO) trụ sở đặt tại
Paris - Pháp, hay như Liên minh Bưu chính Quốc tế (tiếng Anh: Universal Postal Union, viết tắt là  UPU) tổng hành dinh đặt tại Berne - Thụy Sĩ…

Người Việt biết nhiều về Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc là vì hơn hai mươi năm qua, UNESCO đã công nhận nhiều Di sản thế giới của nước ta, trong đó Di sản thiên nhiên thế giới có Vịnh Hạ Long (công nhận lần thứ nhất năm 1994, lần thứ hai năm 2000) và Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (2003); Di sản văn hóa thế giới có Quần thể di tích Cố đô Huế  (1993), Đô thị cổ Hội An (1999), Thánh địa Mỹ Sơn (1999), Hoàng thành Thăng Long (2010) và Thành Nhà Hồ ( 2011); Di sản hỗn hợp thiên nhiên và văn hóa thế giới có Quần thể danh thắng Tràng An (2014).

Về Di sản văn hóa phi vật thể của thế giới, có thể kể Nhã nhạc cung đình Huế (2003), Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên (2005), Quan họ Bắc Ninh (2009), Ca trù (2009), Hội Gióng (2010), Hát xoan ( 2011), Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương (2012) và Đờn ca tài tử Nam Bộ (2013); về Di sản tư liệu thế giới, có thể kể Mộc bản triều Nguyễn (2009) và Bia tiến sĩ Văn Miếu-Quốc Tử Giám (2010); về Di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, có thể kể Mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm (2012) và Châu bản triều Nguyễn (2014).

Ngoài ra UNESCO còn thông qua các nghị quyết tổ chức kỷ niệm ngày sinh hoặc ngày mất của những nhân vật kiệt xuất có đóng góp quan trọng cho văn hóa và giáo dục của nhân loại, trong đó có Nguyễn Trãi nhân kỷ niệm 600 năm sinh, Nguyễn Du nhân kỷ niệm 250 năm sinh và Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 100 năm sinh.

Còn Liên minh Bưu chính Quốc tế được người Việt biết tới là nhờ Cuộc thi viết thư quốc tế do UPU tổ chức hằng năm nhằm phát triển khả năng viết văn và tư duy sáng tạo của học sinh trung học cơ sở. Cuộc thi này đã bước sang lần thứ 44, trong đó học sinh nước ta tham dự 25 lần - kể cả lần thứ 44 sẽ được công bố kết quả vào năm 2015 sắp đến. Riêng với người Đà Nẵng, Liên minh Bưu chính Quốc tế ngày càng được nhắc đến nhiều bởi kết quả đầy ấn tượng của học sinh Đà Nẵng trong các cuộc thi gần đây.

Chẳng hạn tại cuộc thi lần thứ 38 công bố kết quả vào năm 2009, với chủ đề “Hãy viết thư cho một người nào đó để nói vì sao điều kiện lao động thuận lợi có thể mang lại một cuộc sống tốt đẹp hơn”, qua bức thư gửi Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, một học sinh lớp 7 trường Trung học cơ sở Nguyễn Huệ là Nguyễn Đắc Xuân Thảo đã đoạt giải Nhất quốc gia và giải Nhất quốc tế; tại cuộc thi lần thứ 39 công bố kết quả vào năm 2010, với chủ đề “Hãy viết thư cho một người nào đó, để nói vì sao việc hiểu biết về AIDS và tự bảo vệ mình trước căn bệnh này là rất quan trọng”, qua bức thư gửi đạo diễn người Trung Quốc Trương Nghệ Mưu, một học sinh lớp 6 trường Trung học cơ sở Tây Sơn là Hồ Thị Hiếu Hiền đã đoạt giải Nhất quốc gia và giải Nhất quốc tế; và tại cuộc thi lần thứ 42 công bố kết quả vào năm 2013, với chủ đề “Em hãy viết một bức thư để nói tại sao nước là quý”, lại thêm một học sinh lớp 6 của trường Trung học cơ sở Tây Sơn là Đào Thụy Thùy Dương hóa thân thành thần nước Thủy Tinh để viết thư gửi thần núi Sơn Tinh và đã giành giải Nhất quốc gia và giải Khuyến khích quốc tế.

Lời tựa của bản Hiến chương Liên Hợp Quốc năm 1945 nêu rõ mục đích của tổ chức này: “Chúng tôi, những dân tộc của Liên Hợp Quốc, quyết tâm cứu những thế hệ mai sau khỏi thảm họa chiến tranh...”. Ngay sau khi bản Hiến chương này được công bố, là một trong những dân tộc yêu chuộng hòa bình trên thế giới, Việt Nam đã làm mọi cách để tránh thêm một cuộc chiến tranh, nhưng đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam ngày 20 tháng 12 năm 1946: “Hỡi đồng bào toàn quốc! Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa”.

Rõ ràng quyết tâm cứu những thế hệ mai sau khỏi thảm hoạ chiến tranh nêu trong Hiến chương Liên Hợp Quốc chỉ mới là đề bài chứ chưa phải là đáp số, và để tìm ra đáp số này, nhân loại còn phải đi qua một chặng đường rất trầm luân, chẳng hạn như dân tộc ta đã phải trải qua cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ dài hơn hai mươi năm, rồi lại phải trải qua hai cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc để bảo vệ Tổ quốc trước thế lực bành trướng Bắc Kinh... Cần nhớ rằng cả Pháp, Mỹ và Trung Quốc đều là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Edward C. Luck, Giáo sư về Quan hệ quốc tế và các vấn đề công cộng kiêm giám đốc Trung tâm Nghiên cứu các Tổ chức Quốc tế tại trường Đại học Columbia, đã đánh giá kết quả 60 năm hoạt động của Liên Hợp Quốc như sau: “Chắc chắn là Liên Hợp Quốc đã hoạt động tốt hơn nhiều so với Hội Quốc Liên, nhưng lại tồi hơn nhiều so với những gì mà những người kiến tạo ra nó từng mong đợi”.

Thế nhưng trong những ngày Biển Đông dậy sóng, người Việt vẫn luôn hướng về Liên Hợp Quốc với tư cách là một tổ chức quốc tế ủng hộ hòa bình và công lý có uy tín trên thế giới hiện nay. Người Việt luôn kỳ vọng những thành viên Hội đồng Thẩm phán của Tòa án Công lý Quốc tế (tiếng Anh: International Court of Justice, gọi tắt là ICJ) - là một phân ban trực thuộc Liên Hợp Quốc có nhiệm vụ nhận hồ sơ, thụ lý và giải quyết tranh chấp các vấn đề giữa các quốc gia thành viên có liên quan - bao giờ cũng đứng về phía công lý, bao giờ cũng bảo vệ sự thật và lẽ phải.

Hồi tháng 6 năm nay, nhiều đại biểu dự Hội thảo quốc tế “Hoàng Sa - Trường Sa: Sự thật lịch sử” tổ chức tại Đà Nẵng cũng cho rằng các nước đang tranh chấp ở Biển Đông cần coi trọng hơn các công cụ pháp lý và cơ chế trọng tài quốc tế theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.  Phát biểu tại Hội thảo này, Giáo sư Jerome Cohen, Chủ tịch Viện Luật pháp Hoa Kỳ - Châu Á, khuyến nghị Việt Nam cần cân nhắc tính toán khả năng và thời điểm tham gia vụ kiện với Philippines hoặc tự khởi kiện Trung Quốc. Giáo sư Jerome Cohen còn nhấn mạnh việc Việt Nam sử dụng cơ chế tài phán quốc tế chứng tỏ cố gắng của Việt Nam tận dụng mọi biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, và mặc dầu sử dụng công cụ pháp lý là phức tạp và đi kèm với những rủi ro nhưng đối với các nước nhỏ thì việc sử dụng pháp lý là cơ hội để bảo vệ các lợi ích của mình phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc.

Tất nhiên ngoài tính phức tạp và nguy cơ rủi ro mà Giáo sư Jerome Cohen cảnh báo, người Việt cũng ý thức sâu sắc rằng các phán quyết của Tòa án Công lý Quốc tế chỉ mang ý nghĩa chính trị hơn là có hiệu lực thi hành, bởi theo lý thuyết thì nếu một bên từ chối thi hành phán quyết của Tòa, vấn đề có thể được chuyển lên  Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc xử lý, nhưng việc này thường lâm vào bế tắc vì các thành viên thường trực là Nga, Anh, Pháp, Mỹ và Trung Quốc thường xuyên sử dụng quyền phủ quyết. 

 Tuy chưa sử dụng công cụ pháp lý là Tòa án Công lý Quốc tế nhưng vào đầu tháng 7 năm 2014, Đại sứ Lê Hoài Trung, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, cũng đã gửi thư lên Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon đề nghị lưu hành như những tài liệu chính thức của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 68 hai văn bản nêu rõ lập trường của Việt Nam về việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.    

Năm 2012, người viết bài này đã có dịp đến thăm trụ sở chính của Liên Hợp Quốc tại khu phố Turtle Bay thuộc quận Manhattan thành phố New York. Trong số chín tấm ảnh chân dung các Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc treo trang trọng trên tường, từ Tổng Thư ký lâm thời Gladwyn Jebb người Anh, đến Tổng Thư ký chính thức đầu tiên Trygve Lie người Na Uy, đến Tổng Thư ký đương nhiệm Ban Ki-moon người Hàn Quốc, tôi đã chọn đứng cạnh tấm ảnh của Tổng Thư ký giai đoạn từ năm 1961 đến năm 1971 - Maha Thray Sithu U Thant người Myanmar - để chụp hình lưu niệm.

Sở dĩ chọn lựa như vậy là bởi trong thời gian hơn mười năm giữ chức Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, ngài Thant/U Thant đã tích cực thúc đẩy một giải pháp thông qua thương lượng đối với cuộc chiến tranh Việt Nam và đôi khi đóng vai trò môi giới cho giải pháp này; đồng thời từng bày tỏ thái độ phê phán Washington: “Cuộc chiến chênh lệch giữa kỹ thuật Hoa Kỳ và một nước nhỏ kém mở mang như Việt Nam là một trong những cuộc chiến “man rợ nhất” của lịch sử”. Chỉ còn một năm nữa là Liên Hợp Quốc tròn 70 tuổi, tính từ ngày thành lập 24 tháng 10 năm 1945, hy vọng tổ chức này vượt lên khỏi tình trạng mà Giáo sư Edward C. Luck gọi là tồi hơn nhiều so với những gì mà những người kiến tạo ra Liên Hợp Quốc từng mong đợi.

BÙI VĂN TIẾNG

;
.
.
.
.
.