.

Thiên di – trái tim không bình yên (*)

.

Phải đến có dư mười hai năm, kể từ sau thi phẩm đầu tay mang tên “Chân trời” được trình làng, đến nay, Nguyễn Minh Hùng mới tiếp tục cho ra đời tập thơ  “Thiên di” - tác phẩm thứ hai của anh. Sách do NXB Hội Nhà văn cấp phép xuất bản vào những ngày đầu tháng bảy vừa qua.

Với  ba mươi bài thơ được dàn trải trong ngót gần một trăm trang in, mười hai năm để làm nên một “Thiên di”  như thế đối với Nguyễn Minh Hùng, liệu thời gian ấy có dông dài lắm không? Tôi chợt nhớ mông lung đến mấy câu thơ của Giả Đảo tự thuở Đường thi xa lơ xa lắc: Nhị cú tam niên đắc/ Nhất ngâm song lệ ưu (Đôi câu làm mất ba năm/ Ngâm cô độc giữa hai hàng lệ rơi. NNT dịch). Vậy thì mười hai hay là hai mươi năm có là gì, nhất là với Nguyễn Minh Hùng - một nhà thơ theo tôi được biết, lúc nào cũng nghiêm cẩn với thơ, có trách nhiệm và tận tụy với thơ tưởng chừng đến là khó tính.

Trước khi đọc “Thiên di” của Nguyễn Minh Hùng, tôi đã từng đọc những bài thơ “Trái tim chim yến”“Ánh trăng” của anh đã đạt giải cao trong cuộc thi văn học nghệ thuật do UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức vào các năm 1998-1999 (những bài thơ này đều được in  trong tập “Thiên di”). Cố nhiên không phải hoàn toàn tôi vin vào các giải thưởng để xác lập thẩm giá của một tác phẩm nào đó. Song, công bằng mà nói, ở một cuộc thi hiếm hoi được tổ chức ở Đà Nẵng như thế, người ta không thể trao giải xếp vào hàng vị thứ cao cho một tác phẩm mà không đạt được những giá trị gì. Huống là Nguyễn Minh Hùng còn có cả một tập thơ “Chân trời” xuất bản sau đó vài ba năm: Đó là nơi có thật trong tưởng tượng/ Những cơn mơ thường đến đó để dừng chân. Thế nên viết về thơ Nguyễn Minh Hùng cũng tức là phiêu lưu cùng với những giấc mơ của thi sĩ. Và, một trong những giấc mơ ấy là “Hạt nắng” đã ám ảnh tôi từ bấy đến giờ: Tia nắng đầu tiên đâu phải từ đảo nhỏ/ cũng không từ củi lửa nhà ta/ khi bóng tối và nỗi buồn hóa đất/ thảng thốt quê nhà gieo hạt nắng xuyên qua.

Nếu quan niệm rằng: một tác phẩm nghệ thuật được đánh giá là hay, hoặc chí ít có được chỗ đứng trong lòng người thưởng ngoạn, thì nó phải là tác phẩm có khả năng tạo được sự rung cảm làm dấy lên niềm xao xuyến trong lòng người. Nếu là vậy, thì quả thơ Nguyễn Minh Hùng đã chuyền cho tôi được sự hoan lạc thích thú đó. Đọc thơ anh từ “Chân trời” cho đến “Thiên di”, cái cảm giác phiêu lưu cùng tác phẩm của anh trong tôi là điều có thực.

Không phải vì ngôn từ thơ Nguyễn Minh Hùng hàm chứa ẩn tàng một thư thần ngôn (logos) nào đó để kích hoạt cái khả năng trực giác, mà vì thực thể ngôn ngữ ấy, dường như lúc nào cũng được nhào nặn từ hiện thực tâm hồn với một niềm khao khát của một giấc mơ không hồi kết thúc: Chúng ta băng qua thu vàng và tầng mây trắng/ Hãy bay sát vào nhau chống đỡ những trận gió/ phương Nam phương Nam vẫy gọi/ phía mù mịt cơn mưa giận dỗi thuở giao mùa/…/ Em ơi/ đã bay là rét mướt/ là có thể/ rớt/ hãy xếp thành một mũi tên/ Mũi Tên nở hoa nếu Mùa Xuân vừa kịp tới/  mũi tên nhỡ không may/ rụng xuống quê nhà/ hóa cỏ biếc Thanh minh (Bay).

Đấy là điểm khởi hành trong “Thiên di” của Nguyễn Minh Hùng. Thơ ấy mà cắt nghĩa nó ra thì khác gì lấy thước tấc hữu hạn mà đo đường bay của cánh chim phiêu bạt. Dường như trong phê bình văn học, “Thi nhân Việt Nam” hay là “Kiều”, Hoài Thanh từng nói, với ông cắt nghĩa một tác phẩm tức là tiêu diệt cái cốt yếu: vẻ hồn nhiên, say sưa, dịu dàng của tác phẩm. Vâng, tự thân ngôn từ đều chất chứa trong lòng nó những tự nghĩa. Tiếp nhận thơ của một người cũng tức là đi tìm chính mình trong tác phẩm đó. Cái đẹp của nghệ thuật hay mọi giá trị khác được khám phá trong tác phẩm chính là nơi gặp gỡ giữa tác phẩm và chủ quan của người tiếp nhận nó. Ví như thấm tháp từng lời “Trái tim chim yến” của nhà thơ để ta nghe ra-nhận ra-ngộ ra: Trái tim không bình yên treo trên đầu ngọn sóng, có ai ngờ đấy là nơi vĩnh hằng một tình yêu, để từ đó mà sinh nở, mà đơm hoa kết trái:

Không nằm yên ở yên/ trái tim treo trên sóng/ buổi sinh nở gọi về xây tổ trùng dương/ …/ Ai thắp lên ngọn lửa cuối đông này/ Hải đăng mọc từ tim chim yến/ khi chiếc trứng tròn vo quặn lòng cất tiếng/ Trái xuân chào đời chỉ nghe lời ca hát trái tim thôi.

Vậy đấy, sau “Chân trời” là “Thiên di”, đố ai biết rồi sau nữa sẽ là gì? Câu hỏi cũng là niềm khao khát của một trái tim không bình yên treo trên đầu ngọn sóng. Có điều, chừng như Nguyễn Minh Hùng nào phải không bình yên với thơ không đâu, anh còn “đa đoan” với cái nhãn quan đăm đăm của một nhà phê bình văn học. Hai tập sách “Văn chương nhìn từ góc sân trường”“Cảm nhận văn chương-ngôi thứ tư số ít” của anh đã xuất bản, cũng là liều lượng tiếp sức để nhà thơ “thiên di” bay đi tìm những chân trời mới.

Đà Nẵng, đầu thu 2014

NGUYỄN NHÃ TIÊN


(*) Nhân đọc tập thơ “Thiên di” của Nguyễn Minh Hùng, NXB Hội Nhà Văn 2014.

;
.
.
.
.
.