.

Sức sống tranh cổ động

.

Khi còn nhỏ, mấy ai được biết đến những họa phẩm trứ danh của những danh họa lớn. May chi chỉ được xem mấy tranh in trên bản tin in đá, các tờ báo địa phương khổ nhỏ, mấy ký họa kháng chiến của Tô Ngọc Vân. Nhưng tranh cổ động thì chúng tôi được ngắm thỏa thích mỗi khi bộ đội về làng, mấy anh cán bộ tuyên truyền.

Một số bức tranh cổ động nổi tiếng của họa sĩ Trường Sinh.
Một số bức tranh cổ động nổi tiếng của họa sĩ Trường Sinh.

Chúng tôi còn được sờ tay lên tranh, trầm trồ bình luận. Hình ảnh anh hùng Phan Đình Giót sống động, lấy thân mình lấp lỗ châu mai, Bế Văn Đàn lấy thân làm giá súng, ngọn cờ kiêu hãnh bay trên nóc hầm tướng Đờ Cát ngày cứ điểm Điện Biên Phủ thất thủ… được căng trên những bức tường lớn cơ quan, gia đình. Trong số tranh để lại ấn tượng cho tôi ngày đó là  một tác phẩm nhỏ vẽ bằng mực xanh bình thường, không tô màu. Không hẳn nổi bật về nghệ thuật, hay mang chứa một sự kiện đặc biệt nào. Đơn giản là ba anh bộ đội mặc áo trấn thủ, mũ nan có sao vàng. Tôi nhớ, bởi nó đơn giản, tôi cũng có thể vẽ được. Tốn khá nhiều giấy mực để bắt chước, nhưng không sao “đồ” lại được điệu bộ, đường nét trẻ trung phơi phới như trong bức tranh. Đó là hình ảnh những chiến sĩ trên mặt trận Điện Biên Phủ năm xưa. Là nghệ thuật, không thể bắt chước. Điều đơn giản đó, khi lớn lên tôi mới dần dần ngộ ra.

Mãi đến gần đây, trong một triển lãm tranh cổ động của họa sĩ Trường Sinh, tôi gặp lại bức tranh xưa, như cảm xúc gặp lại người bạn thuở nhỏ. Tôi mải mê ngắm nghía dáng điệu những người lính và bật cười một mình. Nhìn thấy tôi mải mê ngắm bức tranh có lẽ là nhỏ nhất và cũng đơn giản nhất về màu sắc, bút pháp, một ông già lặng lẽ đến bên tôi có ý ngạc nhiên. Ông già ấy chính là tác giả, họa sĩ Trường Sinh, lần đầu tiên tôi được gặp. Tôi kể cho ông nghe về một kỷ niệm  nhỏ dễ tới 50 năm về trước, liên quan đến bức tranh nhỏ. Nghe chuyện, ông già bật cười hồn hậu.

Họa sĩ Trường Sinh nay đã vào độ 80 xuân. Ông mê vẽ từ nhỏ, tại trường làng Nga Sơn, Thanh Hóa. Nhưng thực sự đi vào con đường hội họa, phải chờ sau Cách mạng tháng Tám ít năm, khi ông được theo học các khóa hội họa ngắn hạn trong kháng chiến. Bức tranh đầu tiên họa sĩ vẽ là chân dung Bác Hồ. Năm đó ông mới 14 tuổi. Và có lẽ tác phẩm cổ động đầu tay này đã mở ra con đường rộng lớn cho ông mạnh dạn bước vào nghề vẽ đến trọn đời. Hòa bình lập lại ông được cử đi học mỹ thuật tại CHDC Đức. Về nước ông làm việc tại Sở Văn hóa-Thông tin Hà Nội. Đời vẽ của ông bắt đầu từ cuối cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Lúc đó ông đã là người lính thuộc Ban Tuyên huấn Quân khu 4, sau đó tham gia thanh niên xung phong phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhưng bùng nổ tài năng nhất phải kể tới những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cổ vũ cuộc chiến đấu của quân và dân hai miền Nam - Bắc.

Sức lao động và niềm say mê phục vụ của họa sĩ Trường Sinh khiến nhiều người kinh ngạc. Trong suốt 12 ngày đêm khói lửa đạn bom dữ dội năm 1972 ở Hà Nội, ông đã vẽ 28 bức tranh cổ động. Nhiều tranh ông sáng tác ngay trên trận địa, nơi khói lửa đang ngun ngút cháy. Sau mỗi ngày bom dội, người Hà Nội lại có thêm vài tranh khổ lớn hiện diện tại trung tâm thành phố. Người qua lại ngước nhìn tranh, lặng đi vì xúc động, vì nỗi niềm đau đáu yêu thương thành phố của mình. Khi hỏi về lượng tranh ông “sản xuất” cập nhật như vậy, người “Họa sĩ - Báo chí” bày tỏ.

- Thời kỳ vẽ tranh “Điện Biên Phủ trên không”, nhiều đêm tôi dường như không ngủ. Trái tim như bốc lửa, như sôi lên. Ánh sáng bừng lên trong đầu thôi thúc tôi vẽ. Phải vẽ, phải ghi nhận kịp thời những cảm hứng, những ý tưởng chợt bừng sáng trong khoảnh khắc. Để chậm, có nguy cơ biến mất.

 Nếu hàng ngàn tranh ông vẽ trong suốt cuộc đời người họa sĩ đầy tinh thần  cổ động, đặt liền kề bên nhau theo năm tháng, chúng ta sẽ có một bức tranh toàn cảnh của đất nước xuyên suốt nhiều thập niên với những sự kiện lớn, hôi hổi sức sống của dân tộc. “Quyết phá tan cuộc tấn công mùa đông của Pháp”, “Chiến dịch Điên Biên Phủ vĩ đại đã toàn thắng”, “Hà Nội sẵn sàng”, “Địch phá, ta cứ đi”, “Nixon phải trả nợ máu”, “Giữ lấy nương rẫy bản làng”, “Trực chiến đêm”, “Nâng cao năng suất lao động”, “Chiến thắng đường 9 Nam Lào”… Luận về tranh cổ động mà giờ đây như vắng lặng, cây cổ thụ dòng tranh này suy nghĩ:

 - Thời nào cũng cần cổ vũ, cần tôn vinh, cần ghi nhận. Tranh cổ động đúng nghĩa, phải làm được việc đó như một sứ mệnh tự thân. Không chỉ ghi lại sự kiện mà xuyên suốt các sự kiện là hồn của sự kiện. Chính cái hồn chan chứa, nóng bỏng sự sống đó tạo nên cuốn hút, làm nên giá trị nghệ thuật đích thực, trường tồn dòng tranh cổ động. Có khác chăng, là ngày nay giấy, màu, thời gian không eo hẹp như trước đây. Người họa sĩ có điều kiện để sáng tạo thêm. Điều không thể thiếu ở người sáng tác là trái tim giàu nhiệt huyết, gắn bó máu thịt với con người, với các sự kiện nóng bỏng của đất nước mới hy vọng tạo nên giá trị đích thực cho tác phẩm.

Mấy năm lại đây, tuổi cao, chân tay không còn linh hoạt như thời trẻ trung nhưng trái tim của người họa sĩ già vẫn luôn ấm nóng, sôi nổi như thuở thanh xuân. Ông tham gia trong Liên hiệp Khoa học hỗ trợ phát triển văn hóa du lịch (thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) với vai trò là người hoạch định những dự án chuyên ngành du lịch. Nhưng khi đất nước hướng vào những sự kiện sôi động, cây cổ thụ trong làng tranh cổ động lại bị cuốn hút. Ông cầm bút cọ quen thuộc của mình để bày tỏ cảm xúc hôi hổi sức sống mới của thời đại.

ĐOÀN UYÊN MINH

;
.
.
.
.
.