.

Quà tặng từ sỏi đá

.

Tình cờ được một người bạn tặng bức tranh làm từ những viên đá cuội, chị Thái Thị Kim Oanh (sinh năm 1993, trú phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) mang về nhà treo và nhận được nhiều lời khen ngợi từ bạn bè. Ai cũng thắc mắc hỏi về nguồn gốc bức tranh lạ.

Kim Oanh đang giới thiệu với khách bức tranh bọ cánh cam, một trong hai mẫu tranh được nhiều người mua lựa chọn. Ảnh: T.H
Kim Oanh đang giới thiệu với khách bức tranh bọ cánh cam, một trong hai mẫu tranh được nhiều người mua lựa chọn. Ảnh: T.H

Tác giả của bức tranh là Hoàng Đức Nam (sinh năm 1990), sinh viên chuyên ngành hội họa, ĐH Nghệ thuật Huế. Nam kể, trong một lần tham dự triển lãm của một họa sĩ người Nhật, Nam thấy những bức tranh được làm bằng đá cuội của họa sĩ này rất đẹp và gây ấn tượng cho người xem. Từ đó, trong những lần đi chơi suối với bạn bè, Nam lựa những viên cuội lớn và vẽ những hình ảnh mang tính nghệ thuật, sau đó mới bắt đầu điều chỉnh tranh của mình mang những nét tươi vui, trẻ trung cho phù hợp với thị hiếu của các bạn trẻ.

Khi thấy nhiều người hỏi về bức tranh độc đáo, Kim Oanh liên hệ với Nam rồi cùng lên ý tưởng để làm ra những bức tranh ngộ nghĩnh, đáng yêu với các chủ đề như đôi lứa, gia đình, tranh động vật. Hiện 2 mẫu tranh về động vật và gia đình của hai bạn được đông đảo khách hỏi mua; một số cửa hàng bán đồ lưu niệm ở Hội An, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh đặt mua tranh với số lượng lớn.

Tranh làm từ đá cuội được thể hiện qua rất nhiều công đoạn như phải lựa được những viên đá cuội có bề mặt nhẵn, có độ cong, lượn theo ý muốn, sau đó dùng màu acrylic trắng phủ lên một lượt, chờ cho màu khô rồi mới vẽ chi tiết và dán vào bìa phom (một loại bìa cứng nhẹ thường được sử dụng làm mô hình). Một bức tranh hoàn chỉnh không chỉ là vẽ trên viên đá cuội, mà phải trang trí trên bìa phom sao cho bắt mắt, cân đối. Kim Oanh cho biết, để có một bức tranh thành phẩm tốn rất nhiều thời gian, đòi hỏi sự tỉ mỉ cao, các nét vẽ phải cẩn thận, chỉ cần hư một nét là phải bỏ đi, không sử dụng được nữa.

Thấy con gái suốt ngày mày mò với những viên đá, hộp màu, rồi cặm cụi vẽ đến nửa đêm, ban đầu bố mẹ Kim Oanh cũng phản đối ghê lắm và muốn con sớm đi làm đúng chuyên ngành (Kim Oanh tốt nghiệp hệ trung cấp Dược của Trường Đại học Kỹ thuật Y dược Đà Nẵng), nhưng thấy con quá đam mê, sản phẩm làm ra được đón nhận nên bố mẹ chị tạm thời đồng ý để con gái theo đuổi sở thích của mình.

Cùng với những bức tranh có ý tưởng ngộ nghĩnh, hiện Oanh và Nam còn làm tranh theo yêu cầu của khách, bình quân từ 50.000 -100.000 đồng/tranh, tùy theo kích cỡ khung. Bên cạnh đó, hai bạn trẻ còn có ý tưởng làm tranh đá cuội bằng gỗ mức (loại gỗ nhẹ, được cắt thành từng miếng, có thể vẽ màu trực tiếp và dán sỏi lên đó). Theo Nam, hiện các bạn đang có phong trào chơi tranh đá cuội, mà đã là phong trào thì sẽ sớm thoái trào. Do đó để tiếp nối và duy trì được dòng tranh độc đáo, phải có những ý tưởng mới lạ để không gây nhàm chán cho người mua.

Sắp tới, Nam sẽ chuyển từ Huế vào Đà Nẵng và hai bạn sẽ mở cửa hàng chuyên làm tranh bằng đá cuội. Không chỉ hướng tới các khách hàng là học sinh, sinh viên, các bạn sẽ tiếp cận để giới thiệu với khách du lịch trong và ngoài nước.

THU HÀ

;
.
.
.
.
.