.

Những cây bút trẻ ở Đà Nẵng

.

Cây bút trẻ là cách gọi những người sáng tác văn chương tuổi đời đang còn trẻ. Thiên hạ thường nghĩ nhiều đến họ mỗi khi nhìn thấy những người sáng tác văn chương lớn tuổi ngồi lại bên nhau - chẳng hạn trong dịp Đại hội đại biểu lần thứ VIII Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng cách đây mấy hôm.

Phạm Nguyễn Ca Dao, một cây bút trẻ đã khẳng định bút lực của mình từ rất sớm với những trang văn đầy ấn tượngẢnh: dantri.com.vn
Phạm Nguyễn Ca Dao, một cây bút trẻ đã khẳng định bút lực của mình từ rất sớm với những trang văn đầy ấn tượngẢnh: dantri.com.vn

Nghĩ nhiều và ưu tư không ít, bởi dường như trên con đường sáng tạo bằng chữ nghĩa đầy nhọc nhằn hiện nay, cây bút trẻ ngày càng trở nên thưa vắng. Thật ra trong lao động nghệ thuật nói chung và trong sáng tạo văn chương nói riêng, số lượng nhiều/ít cũng quan trọng nhưng không phải là tất cả, vì quý hồ tinh bất quý hồ đa, có khi chỉ cần vài cây bút trẻ thực sự tài năng tinh hoa phát tiết là đã đủ khả năng làm rạng rỡ thanh danh một vùng văn học. Tuy nhiên dường như nỗi ưu tư ở đây không chỉ thiên về mặt số lượng…

Vậy nguyên nhân nào dẫn đến nỗi ưu tư này của thiên hạ? Nhà văn Thái Bá Lợi có lần giải thích hiện tượng thưa vắng cây bút trẻ trên văn đàn Đà Nẵng rằng do lao động nhà văn đòi hỏi người cầm bút phải trăn trở, đau đáu thậm chí khắc khoải về những điều trông thấy (mượn chữ của Nguyễn Du) trong cõi nhân gian, đồng thời phải đam mê chữ nghĩa, mà theo tác giả tiểu thuyết Minh Sư thì số đông bạn trẻ ngày nay có quá nhiều mối bận tâm khác, cho nên điều dễ hiểu là ít người đến được với văn chương, càng ít người chịu đồng hành với nghề cầm bút(1).

Cách lý giải của Thái Bá Lợi có thể khiến thiên hạ đỡ sốt ruột hơn, bớt ưu tư hơn khi nghĩ về những cây bút trẻ, bởi hai tố chất hàng đầu của người cầm bút - trẻ cũng như già - là nỗi đau đời cùng niềm say đắm văn chương thì đâu dễ ai cũng có. Giáo dục công dân trong trường phổ thông hiệu quả đến mấy cũng chỉ giúp những người trẻ tuổi biết quan tâm đến người khác, không thờ ơ với nỗi bất hạnh của đồng bào/đồng loại, chứ chưa đủ để tạo nên trong họ nỗi đau đời…

Chưa đủ để tạo nên nỗi đau đời bởi “nỗi đau đời là nét đặc trưng cơ bản nhất của tâm hồn nghệ sĩ” (Lê Ngọc Trà: Lý luận và văn học, 1990), đòi hỏi người cầm bút một trái tim nhạy cảm và quan trọng hơn là đòi hỏi người cầm bút sự chuyên chú ở con người chứ không chỉ sự chuyên chú ở văn chương, hay nói cách khác, đòi hỏi người cầm bút không chỉ tạo ra cho được chất văn trong bản thân văn chương mà còn là và chủ yếu là khám phá cho được chất người trong bản thân con người.

Tuy nhiên có được nỗi đau đời cũng chưa đủ để trở thành thi sĩ hay văn sĩ, bởi muốn làm thơ hoặc viết văn cần có thêm một phẩm tính nghệ sĩ quan trọng nữa: niềm say đắm văn chương. Các giờ học văn chương trong trường phổ thông chất lượng đến mấy, văn hóa đọc trong cộng đồng phát triển đến đâu cũng chỉ có thể tạo nên lòng yêu thích văn chương ở những người trẻ tuổi chứ chưa đủ để tạo nên trong họ niềm say đắm văn chương.

 Tuyển tập truyện ngắn/thơ Giao hưởng & Đốm lửa của 15 gương mặt trẻ Đà Nẵng - Nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành tháng 11-2010 là tuyển tập đầu tiên của những cây viết trẻ Đà Nẵng. Ảnh: vanchuongviet.org
Tuyển tập truyện ngắn/thơ Giao hưởng & Đốm lửa của 15 gương mặt trẻ Đà Nẵng - Nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành tháng 11-2010 là tuyển tập đầu tiên của những cây viết trẻ Đà Nẵng. Ảnh: vanchuongviet.org

Những người trẻ tuổi có quá nhiều mối bận tâm ngoài văn chương, lại không có nỗi đau đời và niềm đam mê nghệ thuật ngôn từ nên không đến được với văn chương - cách lý giải này dường như chỉ nêu được nguyên nhân vì sao văn đàn thưa vắng cây bút trẻ - tức mới thiên về mặt số lượng. Nhưng tại sao một số người trẻ tuổi hội đủ cả hai tố chất nỗi đau đời cùng niềm say đắm văn chương và đang đồng hành cùng nghề cầm bút lại vẫn tạo nên mối ưu tư của thiên hạ về chất lượng tác phẩm và về khả năng hình thành phong cách nghệ thuật?

Nói đến chất lượng tác phẩm nghệ thuật ngôn từ là nói đến cái hay và cái độc đáo. Chỉ có hay và độc đáo mới là đích đến của sáng tạo văn chương, còn trào lưu nghệ thuật này, trường phái nghệ thuật nọ - tất cả đều chỉ là phương tiện. Thơ có vần dễ có nguy cơ trở thành vè nhưng thơ không vần đâu phải lúc nào cũng hay và độc đáo? Chất lượng tác phẩm của các cây bút trẻ sở dĩ gây ưu tư cho thiên hạ có phần do ngộ nhận giữa đích đến và phương tiện.

Điều đáng nói là chất lượng tác phẩm văn chương không phát triển theo tuyến tính, nghĩa là tác phẩm sau không phải lúc nào chất lượng cũng cao hơn tác phẩm trước - cho nên mới có hiện tượng một bài và mới có chuyện một nhà thơ thành danh đầy tài năng như Huy Cận mà còn có tập thơ từng được Bác Hồ đánh giá là “bài hay xen lẫn với bài vừa”…

Nói vậy chỉ để khẳng định lao động nhà văn là một thứ lao động nhọc nhằn, nguy cơ thất bại là chuyện thường tình, đồng thời để thiên hạ đỡ sốt ruột hơn, bớt ưu tư hơn khi nghĩ về chất lượng tác phẩm của các cây bút trẻ trên văn đàn Đà Nẵng, chứ hoàn toàn không có ý khuyến khích những tác phẩm chất lượng thấp, thậm chí cũng không có ý khuyến khích những tác phẩm chất lượng thường thường bậc trung - những “bài vừa”... Vấn đề đáng quan tâm hơn ở đây là khả năng hình thành phong cách nghệ thuật của các cây bút trẻ ở Đà Nẵng.

Trong sáng tạo văn chương, sự độc đáo không chỉ thể hiện qua từng tác phẩm mà còn thể hiện qua toàn bộ sáng tác của cùng một người cầm bút - nói khác đi phong cách nghệ thuật độc đáo chỉ có thể được hình thành qua cả quá trình sáng tạo văn chương. Muốn thế đòi hỏi người cầm bút phải đồng hành cùng văn chương trên những dặm đường dài. Vậy mà văn đàn Đà Nẵng - như quan sát của nhà văn Bùi Tự Lực - “Thi thoảng có một vài tác giả trẻ như Phạm Nguyễn Ca Dao, Nguyễn Đỗ Vĩnh Phong... xuất hiện một vài lần ở đâu đó rồi mất hút”(2).

Người cầm bút quyết tâm sống chết với nghề bởi khi họ chấp nhận dấn thân vào cõi vi diệu/vào mê lộ của văn chương không phải vì họ có thể viết văn/làm thơ mà chính là vì họ không thể không viết văn/làm thơ. Phải chăng các cây bút trẻ Đà Nẵng chỉ có thể chứ không phải không thể?  

Một nguyên nhân nữa khiến các cây bút trẻ thiếu nhẫn nại trong việc đi đến cùng con đường đã chọn là do trong không ít trường hợp họ phải chịu đựng sự cô-đơn-sau-sáng-tạo. Ở đây có nghịch lý là muốn sáng tạo văn chương thì đòi hỏi phải đủ cô đơn song đến khi đã sáng tạo ra được cái mới, cái khác trước rồi thì người sáng tạo lại tiếp tục phải đối mặt với cô đơn.

Chẳng hạn có trường hợp sản phẩm của sáng tạo văn chương quá mới, quá khác trước đồng thời quá sớm so với quán tính tư duy của số đông - mà nhất là lại do một người quá trẻ ấp ủ sinh thành, nên chưa được số đông chấp nhận, có khi người sáng tạo còn bị đám đông “ném đá”…

Cho nên sáng tạo văn chương - nhất là sáng tạo văn chương của những cây bút trẻ - rất cần môi trường học thuật/đạo đức học thuật lành mạnh, trên cơ sở một môi trường xã hội tốt đẹp văn minh. Sở dĩ nói nhất là sáng tạo văn chương của những cây bút trẻ là bởi khác với/không như những cây bút lớn tuổi từng trải qua nhiều dằn xóc của cuộc đời, những cây bút trẻ lãng mạn bay bổng như thế, nhạy cảm như thế, hồn nhiên như thế, nếu lâm vào cảnh ngộ không mong đợi… thường rất dễ bị tổn thương.

Hội Nhà văn thành phố phải đi đầu trong việc tạo nên môi trường phê bình văn học lành mạnh để vừa cổ vũ cho những tìm tòi sáng tạo mới mẻ hướng đến chân thiện mỹ trong tác phẩm của các cây bút trẻ, vừa nhận diện những trường hợp “nuốt chửng” các yếu tố ngoại lai không phù hợp với tạng người và bản sắc văn hóa Việt Nam…

BÙI VĂN TIẾNG


(1)Xem Ngọc Hà: Những cây bút trẻ đang ở đâu, Báo Đà Nẵng điện tử, ngày 28-7-2014.

(2) Xem Ngọc Hà, bài đã dẫn.

;
.
.
.
.
.