.
Những cái nhất ở Đà Nẵng

Hội Khuyến học Đà Nẵng

.

Hội Khuyến học Việt Nam được thành lập vào ngày 2-10-1996, thế mà 5 năm trước đó, tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng (cũ) lần đầu tiên trên cả nước đã cho ra đời một tổ chức xã hội cũng có tên là... Hội Khuyến học.

Phát thưởng tại buổi ra mắt Chi hội Khuyến học tộc Nguyễn Văn làng Phước Hưng vào đầu năm học 2014-2015.Ảnh: L.G.L
Phát thưởng tại buổi ra mắt Chi hội Khuyến học tộc Nguyễn Văn làng Phước Hưng vào đầu năm học 2014-2015.Ảnh: L.G.L

Cụ Mính Viên Huỳnh Thúc Kháng, người con ưu tú của xứ Quảng lừng lẫy một thời, vào năm 1934 đã khai sinh phong trào khuyến học tại Huế nhằm giúp đỡ sinh viên, học sinh các nơi (nhất là học trò xứ Quảng) đến học tập tại đây.

Nhà giáo Ưu tú Phạm Đình Hảo (sinh năm Kỷ Tỵ 1929) lúc còn đương chức Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng đã không khỏi xót xa khi thấy nhiều em học rất giỏi nhưng có nguy cơ bỏ học nửa chừng. Nghĩ đến người chủ nhiệm kiêm chủ bút báo Tiếng Dân xưa, ông nghĩ, tại sao mình không vận động thành lập Hội Khuyến học?

Mãi đến năm 1991, sau khi bị Nhà nước “giữ lại” 24 tháng vì thiếu người thay thế, ông mới giũ được áo công chức để toàn tâm toàn ý hoàn thành sở nguyện của mình. Hội Khuyến học Quảng Nam-Đà Nẵng chính thức được tái lập theo Quyết định 1730/QĐ-UB ngày 26-10-1991 của Chủ tịch UBND tỉnh với 7 thành viên trong Ban vận động (đều là các gương mặt có uy tín xã hội lúc đó) gồm các ông Nguyễn Văn Xuân, Phan Khôi, Nguyễn Ngữ, Lê Phú Lộc, Phan Châu Toàn, Hồ Huyễn và ông. Ông gọi là “tái lập”, bởi phong trào khuyến học xuất phát từ thời cụ Huỳnh tuy có lúc có nơi bị gián đoạn, nhưng vẫn tồn tại ở miền Nam đến trước năm 1975.

Chỉ 5 năm sau khi Hội ra đời, “mạng lưới” khuyến học đã phát triển đến 71% số huyện, thị và 40% xã, phường, kết nạp 1.350 hội viên trên toàn tỉnh. Đại hội Hội Khuyến học tỉnh lần thứ nhất đề ra mục tiêu phấn đấu vận động Quỹ Khuyến học đạt 300 triệu đồng, nhưng thực tế đã đạt 1,9 tỷ đồng (thời điểm hơn 20 năm trước). Hàng trăm học sinh hạnh kiểm tốt, học giỏi đã được khen thưởng hàng trăm triệu đồng. Hơn 3.000 học sinh, sinh viên được cấp học bổng, trong đó một số em có nguy cơ bỏ học hoặc không thể tiếp tục học lên vì thiếu điều kiện...

Những con số ít ai nghĩ tới này chính là những quả ngọt đầu mùa của hạt giống khuyến học trên đất QN-ĐN và là một trong những tiền đề để từ đó tổ chức Hội Khuyến học Việt Nam chính thức chào đời vào ngày 2-10-1996. Mỗi khi nhắc chuyện cũ, thầy Hảo lại nói vui: Khuyến học trên đất QN-ĐN so với cả nước thì đúng là sinh con rồi mới sinh cha…

Từ khi chia tách thành hai Hội, Hội Khuyến học Đà Nẵng tiếp tục khẳng định là con chim đầu đàn trong đại gia đình Khuyến học Việt Nam. Báo cáo tại Đại hội Đại biểu Hội Khuyến học Đà Nẵng lần V (nhiệm kỳ 2013-2018) diễn ra hôm 10-12-2013 cho biết toàn thành phố có 6.600 cán bộ khuyến học hoạt động rộng khắp các địa bàn.

Chỉ trong 5 năm 2008-2013, thông qua các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước, Hội đã cấp học bổng cho hơn 6.000 học sinh với tổng số tiền gần 15 tỷ đồng; vận động hơn 1.000 học sinh bỏ học ra học các lớp bổ túc văn hóa và học nghề; phát triển một số phong trào, giải thưởng khuyến học, khuyến tài trên toàn thành phố như Phong trào Đông Du, Giải thưởng Huỳnh Thúc Kháng... Đặc biệt, có 4 tiến sĩ về giảng dạy tại Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng; nhiều thạc sĩ về công tác tại các sở, ngành của thành phố…

Tại đại hội, các đại biểu cũng đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm, cách làm hay, mô hình tốt trong công tác khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập như mô hình Gia đình hiếu học của quận Hải Châu; Chương trình Tiếp sức học sinh đến trường của quận Ngũ Hành Sơn…

Phong trào khuyến học ở Đà Nẵng hiện không chỉ lan rộng đến từng tổ dân phố, thôn, mà các họ tộc cũng lần lượt nhiệt tình hưởng ứng. Mới đây nhất, tại buổi ra mắt Chi hội Khuyến học tộc Nguyễn Văn làng Phước Hưng (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) vào đầu năm học 2014-2015, ban tổ chức đã tặng 60 suất quà cho con em trong tộc từ mẫu giáo đến thi đỗ đại học.

Anh Nguyễn Tấn Tài, nhà tài trợ đợt phát thưởng đầu tiên này cho biết họ tộc đã ước nguyện từ lâu rồi, nay mới thực hiện được. Ông Nguyễn Phan Sen, Chủ tịch Hội Khuyến học xã, phát biểu rằng ông rất thích câu châm ngôn mà ban tổ chức cho ghi trên phông “Ngày nay học tập ngày mai giúp đời” và khuyên các em chăm chỉ học tập, vì “đừng sợ xã hội không sử dụng mình mà đáng sợ nhất là mình không có tài gì để phục vụ cho xã hội”.

Cha ông bảo “Con hơn cha, nhà có phúc”. Đi trước Khuyến học cả nước 5 năm, Khuyến học Đà Nẵng đã, đang và sẽ tiếp tục góp phần đào tạo những người tài để họ đủ tự tin khi vào đời và phục vụ cho xã hội.

LÊ GIA LỘC

;
.
.
.
.
.