.
Những cái nhất ở Đà Nẵng

Bức ảnh Pháo đài Non-Nay

.

Năm 1839 thế giới phát minh ra kỹ thuật nhiếp ảnh daguerréotype thì 6 năm sau, năm 1845, một nhà nhiếp ảnh nghiệp dư người Pháp đã chụp bức ảnh đầu tiên của Việt Nam tại… Đà Nẵng.

Vue du fort Cochinchinois de Non-Nay (Cảnh pháo đài Non-Nay của xứ Đàng Trong) được B.A.V.H  in lại trong số 3 và 4 xuất bản vào tháng 7-1927.
Vue du fort Cochinchinois de Non-Nay (Cảnh pháo đài Non-Nay của xứ Đàng Trong) được B.A.V.H in lại trong số 3 và 4 xuất bản vào tháng 7-1927.

Trong cuốn “Lịch sử Đà Nẵng (1306-1975)” (NXB Nam Việt, CA, 2007), tác giả Võ Văn Dật (Võ Hương An) đã dành 7 trang, từ tr.392 đến tr.398, trong Phần đọc thêm cuối sách để nói về tấm ảnh cực kỳ giá trị này.

Theo đó, trong tập san Bulletin des Amis du Vieux Hue (B.A.V.H) số 3 và 4 xuất bản vào tháng 7-1927, H. Cosserat đã có viết bài La Première Photographie d’une site Cochinchinoise, le fort de Non-Nay (Bức ảnh đầu tiên về một nơi ở Đàng Trong, pháo đài Non-Nay). Theo bài viết, H. Cosserat đã tìm được bức ảnh độc đáo này của Jules Itier trong cuốn sách 3 tập Journal d’un Voyage en Chine en 1843, 1844, 1845, 1846, (Nhật ký du hành Trung Quốc vào các năm  1843, 1844, 1845, 1846) do nhà Dauvin et Fontaine Librairies ở Paris xuất bản vào năm 1853, với chú thích Vue du fort Cochinchinois de Non-Nay (Cảnh pháo đài Non-Nay của xứ Đàng Trong).

Năm 1843, M. Jules Itier đại diện Bộ Thương mại và Tài chánh Pháp, thành viên trong một phái bộ được vua Pháp Louis-Philippe cử sang Trung Quốc để ký hiệp ước Whampoa. Khi xong việc, phái bộ về đến Singapore thì Itier được lệnh sang tàu Alcmène để khẩn cấp tới Việt Nam can thiệp về vụ 5 giáo sĩ đang bị bắt giam tại Huế.

11 giờ đêm 30-5-1845, tàu Alcmène đến vịnh Đà Nẵng, nhưng phải chờ đến sáng hôm sau mới vào bỏ neo trong vịnh. Chính vào dịp này, Jules Itier đã dùng kỹ thuật nhiếp ảnh mới phát minh ở trời Âu, gọi là daguerréotype (hình ảnh hiện trực tiếp ngay trên một bảng đồng bóng loáng phủ hóa chất bắt ánh sáng, chứ không phải phim âm bản như bây giờ), để chụp 3 tấm hình về Đà Nẵng nhưng chỉ công bố trong hồi ký tấm hình nói trên mà thôi. Còn hai tấm hình kia, một chụp cảnh vịnh Đà Nẵng, một chụp cảnh Ngũ Hành Sơn, thì hồi ký có nói tới mà không thấy in. Đó là điều không những H. Cosserat, mà tất cả chúng ta đều lấy làm tiếc.

Vậy pháo đài Non-Nay ở đâu?

Trong hồi ký, Jules Itier ghi lại rằng tàu Alcmène đã bỏ neo ở phía nam hòn Mồ Côi (l’Île de Mo-Koi) - theo cách gọi của dân địa phương - dưới chân của “fort de Non-Nay”. Hòn Mồ Côi là hòn đảo nhỏ nằm về phía đông nam vịnh Đà Nẵng, được Đại Nam Nhất Thống Chí (phần tỉnh Quảng Nam) gọi là đảo Cô; khi xâm lăng Đà Nẵng người Pháp gọi là l’Îlot de l’Observatoire hay l’Îlot.   

Từ chi tiết quan trọng “fort de Non-Nay nằm trên hòn Mồ Côi”, H. Cosserat sau khi tìm tòi đã phát hiện ra rằng đó chính là Đồn Hai, nhưng Itier vì nghe phát âm không rõ nên phiên âm sai thành ra Non-Nay. Vào đầu thế kỷ XX, Cosserat đã xác nhận là không còn một dấu vết gì của Đồn Hai trên hòn Mồ Côi cả.
Tác giả Võ Văn Dật đã đặt câu hỏi: Nhưng vì sao lại gọi là Đồn Hai? Vậy thì phải có Đồn Một, và biết đâu có thể cả Đồn Ba, Đồn Tư nữa? Muốn trả lời câu hỏi này phải lần giở lại lịch sử và sách Đại Nam Nhất Thống Chí, tỉnh Quảng Nam.

Vào cuối đời vua Minh Mạng (1820-1840), khi được tin về việc Anh đánh Trung Quốc qua Chiến tranh Nha phiến, nhà vua đã nghĩ đến việc tăng cường hệ thống phòng thủ các cửa biển, đặc biệt là Đà Nẵng. Ngoài vấn đề tăng cường hỏa lực (thêm súng đại bác) và quân số, còn có việc xây thêm pháo đài. Pháo đài quan trọng nhất tên là Phòng Hải, được Nguyễn Tri Phương xây tại núi Mỏ Diều, dưới chân núi Sơn Trà.

Đến đời Thiệu Trị (1840-1847), sau khi xảy ra vụ nổ súng thị uy của hai tàu chiến Pháp là Gloire và Victorieuse, để bảo vệ Đà Nẵng, vua đã cho xây một loạt 7 pháo đài, đặt tên là Trấn dương thất bảo, trong đó, pháo đài thứ hai được biết đặt tại đảo Cô, tức hòn Mồ Côi. Đến đời Tự Đức, cho tới khi xảy ra cuộc xâm lăng của Pháp vào năm 1858, thì hệ thống Trấn dương thất bảo chỉ còn duy trì bốn cái mà thôi, ấy là các pháo đài 1, 2 , 3 và 4.

Jules Itier chụp hình Đồn Hai vào tháng 5 năm 1845, trong khi đó hệ thống 7 pháo đài, trong đó có Đồn Hai, mãi đến năm 1847 mới có. Vậy thì do đâu mà từ năm 1845 đã có tên Đồn Hai? Sách không nói rõ chi tiết nhưng căn cứ vào thực tế địa lý và lịch sử, tác giả Võ Văn Dật lập luận rằng: “Ta có thể hiểu rằng cái đồn trên hòn Mồ Côi (đảo Cô) là căn cứ có mặt rất sớm, kế đến năm 1840, khi Nguyễn Tri Phương xây pháo đài Phòng Hải thì nó xuống vị trí thứ hai và có tên là Đồn Hai. Và về sau, vào năm 1847, khi vua Thiệu Trị cho thiết lập Trấn dương thất bảo thì hai căn cứ này trở thành Đồn Một và Đồn Hai. Chỉ hiểu theo cách đó thì mới phù hợp với những gì nhân chứng và lịch sử đã ghi nhận”.

Lập luận này có khả tín hay không là việc của các nhà nghiên cứu, nhưng dù thế nào thì “Fort de Non-Nay” vẫn là bức ảnh đầu tiên của Việt Nam được chụp tại Đà Nẵng.

LÊ GIA LỘC

;
.
.
.
.
.