.

Nhà giáo của nhân dân

.

Có lần tiếp xúc với nhà thơ Lưu Trùng Dương, nghe ông kể về thời hoạt động văn hóa văn nghệ trong kháng chiến chống Pháp ở Liên khu Năm cùng với các tác giả Nguyễn Văn Bổng, Tế Hanh, Nguyễn Viết Lãm, Nguyễn Thành Long, Phạm Hổ… trong đó có cả nhà giáo Huỳnh Lý.

Khi kể về những kỷ niệm với Huỳnh Lý, ông “gút” lại một câu rằng: “Huỳnh Lý không chỉ là người có trình độ uyên bác, có tư cách mẫu mực của một nhà giáo mà còn là sản phẩm của đời sống nhân dân, xuất thân từ nhân dân, chủ yếu bằng con đường tự học mà trở thành giáo sư. Ông xứng đáng với danh hiệu là Nhà giáo Nhân dân theo đúng nghĩa của từ này!”.

Mấy bài sử ca trong giai đoạn chống xâm lăng- Huỳnh Lý giới thiệu, NXB Văn hóa 1958.
Mấy bài sử ca trong giai đoạn chống xâm lăng- Huỳnh Lý giới thiệu, NXB Văn hóa 1958.

Huỳnh Lý sinh ngày 5-6-1914 tại Hội An, Quảng Nam, trong một gia đình có truyền thống hiếu học. Lúc nhỏ, học ở quê, sau đó ra học trường tỉnh, rồi ra Hà Nội học ở Trường Bưởi (Chu Văn An ngày nay). Năm 1939, ông thi đỗ Tú tài và đây là bằng cấp cao nhất mà ông được đào tạo. Năm 1940, ông về dạy ở Trường tư thục Minh Viên (Hội An, Quảng Nam) mở đầu cho sự nghiệp “hối nhân bất quyện” dài hơn nửa thế kỷ của ông. Năm 1945, cũng như nhiều trí thức cùng thời, ông tham gia khởi nghĩa cướp chính quyền, hăng hái tham gia công tác cách mạng.

Trong kháng chiến chống Pháp, ông từng giữ chức vụ Phó chủ tịch Ủy ban hành chính kháng chiến thị xã Hội An, Ủy viên phụ trách giáo dục tỉnh Quảng Nam, rồi Ủy viên phụ trách giáo dục Liên khu Năm, giáo viên Trường trung học Phan Châu Trinh, rồi phụ trách Ban Tu thư của Nha giáo dục Liên khu Năm. Từ đây, ông không chỉ là thầy giáo, là người tổ chức nền giáo dục mới mà còn là người trực tiếp soạn thảo chương trình giáo dục, biên soạn sách giáo khoa cho nền giáo dục dân chủ nhân dân cho con em Liên khu Năm và sau đó là cho con em cả nước.

Sau 1954, tập kết ra Bắc, ông vẫn công tác ở Ban Tu thư của Bộ Giáo dục, cùng với các đồng nghiệp như Lê Đình Kỵ, Đỗ Đức Hiểu, Hoàng Hữu Yên,… và trở thành một trong những người đặt nền móng đầu tiên cho việc soạn thảo chương trình và sách giáo khoa môn văn học bậc học phổ thông, sau đó là bậc đại học. Khi Trường Đại học Sư phạm Hà Nội thành lập, ông là một trong những cán bộ giảng dạy đầu tiên bộ môn văn học Việt Nam và từng là Chủ nhiệm khoa Ngữ văn.

Khi trường Đại học Sư phạm Vinh thành lập, theo điều động của Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, ông vào làm Chủ nhiệm khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Vinh. Sau 1975, cũng theo điều động của tổ chức, nhằm tăng viện cho các trường đại học các tỉnh phía Nam, ông vào giảng dạy tại khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh cho đến lúc nghỉ hưu và qua đời tại đây ngày 21-5-1993.

 Lịch sử nước ta vào những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, sự cọ xát giữa văn minh phương Đông và văn minh phương Tây làm nảy sinh một thế hệ đa tài và sở hữu một tri thức uyên thâm. Huỳnh Lý là một trong những người thuộc thế hệ đó. Có thể nói, suốt cuộc đời ông, làm bất cứ điều gì cũng bằng một trí tuệ cường tráng, một ý thức luôn hướng về nhân dân, vì nhân dân, mà chủ yếu là thế hệ tương lai của đất nước.

Thực hiện quan niệm kẻ sĩ của Nho gia là sống phải lập ngôn và trước tác, gần suốt cuộc đời ông chỉ dạy học và viết sách, không để tâm đến danh vị, chức vụ. Ông là một trong những tác giả của bộ sách lịch sử văn học Việt Nam có tầm quốc gia đầu tiên Lược thảo lịch sử văn học Việt Nam (3 tập, 1957, 1958), sau đó là hàng loạt các công trình nghiên cứu có giá trị học thuật lâu bền như Chèo và tuồng (1958), Mấy bài sử ca trong giai đoạn chống xâm lăng (1958), Thơ văn Phan Châu Trinh (1968), Hợp tuyển thơ văn Việt Nam giai đoạn từ thế kỷ XVIII đến thế kỷ XX (soạn chung, 1978). Ngoài ra, ông còn là một dịch giả, người đầu tiên dịch Bản án chế độ thực dân Pháp của Nguyễn Ái Quốc từ tiếng Pháp sang tiếng Việt (1960) và là dịch giả của những bộ tiểu thuyết đã trở thành cổ điển của văn học Pháp và thế giới như Những người khốn khổ (Victor Hugo), Eugenie Grandet (Balzac), Không gia đình (Hector Malot)… Vì vậy, ông không chỉ là người thầy mẫu mực của nhiều thế hệ học trò, không chỉ là nhà giáo dục học mà còn là nhà văn, nhà nghiên cứu, biên khảo, dịch thuật văn học và là hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam.

 Một con người xuất thân từ nhân dân, từ đời sống cần lao, được rèn luyện trong cuộc kháng chiến của nhân dân, chỉ học xong Tú tài, được Nhà nước phong thẳng hàm Giáo sư (1980), không qua hàm phó giáo sư, rồi sau đó được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân (1990), không qua danh hiệu Nhà giáo Ưu tú. Bởi lẽ, hành trang cuộc đời của ông là một trí thức bình dân, của dân, đến với cách mạng, trở thành một nhà sư phạm, một giáo sư mẫu mực, một nhà nghiên cứu có uy tín, góp phần không nhỏ, đặt viên gạch đầu tiên cho việc nghiên cứu lịch sử văn học nước nhà.

Ông đã từng được Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương, trong đó có Huân chương chống Mỹ hạng Nhất. Nhưng phần thưởng lớn hơn, quan trọng hơn là ông sống mãi trong lòng nhân dân, trong tâm tưởng mẫn cảm nhất của nhiều thế hệ học trò, lấy tâm hồn, đạo đức, nhân cách, trí tuệ và mẫu người hành động của ông làm tấm gương soi trong mỗi bước đường đời.

Phó Giáo sư Nguyễn Văn Long, vừa là học trò vừa là đồng nghiệp của ông, khi nghe tin ông qua đời, đã khẳng định những đóng góp to lớn của ông một cách xúc động rằng: “Những gì Giáo sư để lại cho đời, cho các thế hệ kế tiếp là rất to lớn và hết sức có ý nghĩa. Vẫn còn đây, những công trình nghiên cứu, biên khảo của Giáo sư về văn học Việt Nam, được làm với tinh thần khoa học, công phu, nghiêm túc và với lòng trân trọng các giá trị di sản của dân tộc, đặc biệt là di sản văn học yêu nước và cách mạng… và, vẫn còn mãi những bản dịch tác phẩm văn học Pháp đã trở nên hết sức thân thuộc với nhiều thế hệ bạn đọc và học sinh, sinh viên. Những cuốn sách đã trở thành mẫu mực của văn học dịch mà Giáo sư đã công phu, cẩn trọng với cả tâm hồn và tài hoa nghệ sĩ” (dẫn theo Trần Mạnh Thường, Các tác gia văn chương Việt Nam, tập 1, Nxb Văn hóa thông tin, 2008, tr. 746).

Không chỉ ở Hội An, Liên khu Năm, Hà Nội, Vinh, thành phố Hồ Chí Minh, mà cả ở nhiều miền quê khác, cả ở thế hệ chúng tôi, tuy không trực tiếp được ông giảng dạy, nhưng đã được đọc sách của ông và chính những trang sách ấy đã dẫn đường chúng tôi vào văn học. Với riêng tôi, tính cách, ý chí và con người hành động trong ông mang vóc dáng hình sông, thế núi, vị mặn phù sa của đồng ruộng miền quê xứ Quảng trong tôi.

PHẠM PHÚ PHONG

;
.
.
.
.
.