.

Người không quốc tịch

.

Diễn đàn về người không có quốc tịch được LHQ lần đầu tiên tổ chức tại Hague (Hà Lan) trong tuần này. Cao ủy tị nạn LHQ (UNHCR) cho biết, hằng năm có hàng chục nghìn trẻ em được sinh ra nhưng không được làm giấy khai sinh hoặc đăng ký là công dân của một quốc gia nào cả. Những cuộc chiến tranh, nội chiến đã đẩy số lượng trẻ em sinh ra trong các trại tị nạn không có giấy tờ cá nhân ngày càng nhiều. Số lượng “người vô hình” như thế này trên thế giới đã cán mốc 10 triệu người.

Các em bé Syria sinh ra và lớn lên ở các trại tị nạn đều không có quốc tịch.
Các em bé Syria sinh ra và lớn lên ở các trại tị nạn đều không có quốc tịch.

Sự thật là đã có 4 triệu người được xác định quốc tịch trong vòng một thập niên qua. Tuy nhiên, nội chiến, khủng bố, xung đột sắc tộc… khiến người dân các nước phải vào các trại tị nạn sinh sống dài hạn. Những trẻ em ra đời ở đó không được làm giấy tờ cá nhân. UNHCR cho biết thêm, chỉ trong vòng 3 năm qua đã có tới 50 nghìn trẻ em Syria được sinh ra ở các trại tị nạn ở Libăng, Iraq, Ai Cập và Jordan.

Hội đồng châu Âu thì cho biết có hàng nghìn trẻ em được sinh ra trong các trại tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ. Giám đốc mảng bảo vệ quốc tế thuộc UNHCR, Volker Turk nhận định mặc dù đã có nhiều tiến bộ về quyền lợi cho những người không có quốc tịch nhưng họ vẫn không thể tiếp cận được hệ thống giáo dục, chăm sóc sức khỏe, làm việc hợp pháp hay đi lại tự do bởi vì họ bị rơi vào “những lỗ hổng của xã hội”.

UNHCR dự kiến phát động chiến dịch chấm dứt tình trạng “người vô hình” trên thế giới vào ngày 4-11 tới, trùng với kỷ niệm 60 năm ngày công ước về tình trạng người không quốc tịch ra đời năm 1954. Ông Turk hy vọng tình trạng này sẽ chấm dứt vào năm 2014 nhưng rất cần sự nỗ lực của các thành viên LHQ. Chẳng hạn như Bangladesh năm 2008 đã công nhận quốc tịch cho hàng nghìn người Biharis nói tiếng Urdu.

Theo thống kê của UNHCR, 10 triệu “người vô hình” đó nằm chủ yếu ở các nước: Myanmar, Kuwait, Syria, Nepal, Thái Lan, Bờ Biển Ngà, Cộng hòa Dominican, Iraq, Malaysia và một ít ở châu Âu. Những người này bị đối xử vì xung đột sắc tộc, di cư. Do không được tiếp cận điều kiện sống như những người có quốc tịch nên cuộc sống của họ chủ yếu làm thuê trên các tàu cá hay trồng rừng.

Myanmar được liệt kê là có đông người không quốc tịch nhất với con số 1,3 triệu người. Ngoài sự thay đổi tích cực của chính phủ như Bangladesh thì những người không quốc tịch ở một số nước bắt đầu phản kháng để đòi công bằng. Ở Kuwait, 140 nghìn người không quốc tịch liên tục biểu tình đòi được quyền công dân. Chính phủ Bờ Biển Ngà đang xét những người di cư có gốc gác sâu xa tại Bờ Biển Ngà được nhập quốc tịch sớm. Đó là những tín hiệu mà ông Turk hy vọng 10 năm nữa thế giới sẽ hết những người không có quốc tịch.

ANH THƯ (Reuters, Firstpost)

;
.
.
.
.
.