.

"Ngày chủ nhật không xe hơi" ở Brussels

.

Tôi có mặt ở Brussels vào ngày chủ nhật cuối cùng của tháng 9-2013 và đã “hưởng đủ” những điều thú vị lẫn chút phiền toái mà ngày này mang lại. Không chỉ thủ đô Brussels, mà các thành phố trong vùng Wallonie-Brussels (nói tiếng Pháp) và vùng Flanders (nói tiếng Hà Lan) của vương quốc Bỉ, cùng với 39 thành phố khác ở châu Âu đều tổ chức “Ngày chủ nhật không xe hơi” đặc biệt này.

 Du khách đi dạo phố phường Brussels trong “Ngày chủ nhật không xe hơi”. Ảnh: T.Đ.A.S
Du khách đi dạo phố phường Brussels trong “Ngày chủ nhật không xe hơi”. Ảnh: T.Đ.A.S

Hãy sống chậm…

Được tổ chức lần đầu vào năm 2002 ở Bỉ, “Ngày chủ nhật không xe hơi” ra đời nhằm mục đích giảm thiểu lượng khí thải của xe hơi, góp phần bảo vệ môi trường. Ngày chủ nhật cuối cùng của tháng 9 cũng là ngày nhiều nước châu Âu điều chỉnh thời gian làm việc từ biểu giờ mùa hè sang biểu giờ mùa đông: đồng hồ được vặn lùi lại 1 tiếng và nhịp sống thường nhật sẽ “chậm lại” 1 giờ so với hôm trước. Chọn ngày này làm “ngày không xe hơi”, người châu Âu không chỉ muốn mọi người hành động vì môi trường mà còn muốn gửi gắm thông điệp “hãy sống chậm lại”. Từ 9 giờ đến 19 giờ ngày này, ngoài các phương tiện giao thông công cộng như xe bus, taxi hay tàu điện…, các loại ô-tô khác không được phép lưu hành. Trừ taxi vẫn thu tiền cước như thường, các phương tiện giao thông công cộng như xe bus, tramway, metro… đều phục vụ miễn phí từ 6 giờ sáng đến 23 giờ đêm. Ai không muốn sử dụng các loại phương tiện này thì dùng xe đạp, ván trượt, patin hay đi bộ để di chuyển, thay vì đi xe hơi riêng như thường ngày.

Theo một báo cáo của cơ quan môi trường ở Brussels công bố trên mạng Internet, mức độ ô nhiễm không khí tại Brussels đã giảm từ 10-15 lần chỉ riêng trong ngày chủ nhật 23-9-2013. Lượng khí thải carbon chỉ bằng 1/4 so với ngày thường. Hàm lượng khí thải NO2 từ mức 55mg/m3 trong ngày thường giảm xuống mức 25mg/m3, đặc biệt giảm mạnh trong các đường hầm trong thành phố, từ 317mg/m3 vào ngày chủ nhật bình thường và 425mg/m3 vào các ngày khác trong tuần xuống còn 39mg/m3 trong “Ngày chủ nhật không xe hơi”.

Tôi và đoàn làm phim tài liệu về chủ quyền biển đảo Việt Nam của Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh (HTV) đến Brussels từ ngày 21 đến ngày 23-9-2013. Theo kế hoạch, sau khi quay phim và phỏng vấn các học giả tại Bảo tàng Lịch sử và Nghệ thuật Hoàng gia ở Brussels và tại di sản văn hóa thế giới Bruges trong các ngày 21 và 22, sáng ngày 23-9, chúng tôi sẽ đến quay phim tại Bảo tàng Hoàng gia Mariemont ở Morlanwelz, cách Brussels 2 giờ đi xe. Tuy nhiên, tối 22-9, khi tôi đưa lịch trình cho anh lái xe người Hà Lan, người chở đoàn chúng tôi đi quay phim ở Hà Lan và Bỉ, thì anh này bảo: “Rắc rối rồi sếp ơi! Ngày mai là ngày không ô-tô ở Bỉ. Từ 9 giờ đến 19 giờ, xe chúng ta không được lăn bánh trong nội thành. Vậy nên sếp phải điều chỉnh kế hoạch, xe nghỉ chạy, đoàn phải đi quay phim bằng xe taxi thôi. Xin lỗi, tôi quên mất, vì bên xứ tôi chưa tổ chức ngày này”.

Đoàn làm phim mang nhiều máy móc lỉnh kỉnh, nên không thể đi xe taxi đến nhiều nơi để quay phim. Hơn nữa, trưởng đoàn cho biết cảnh quay ở Bỉ đã tạm đủ nên sẽ thay đổi kế hoạch: cả đoàn sẽ không đi quay phim theo lịch trình cũ nữa, thay vào đó, chỉ mang một máy quay phim đi quay cảnh Brussels trong “ngày không xe hơi” cho chương trình du lịch của HTV. Nhờ vậy, chúng tôi đã có một “Ngày chủ nhật đặc biệt” ở Brussels.

Manneken Pis trong trang phục Áo dài truyền thống của Việt Nam do Đại sứ Việt Nam tại Bỉ tặng vào ngày 29-9-2012, nhân dịp chào mừng kỷ niệm 40 năm quan hệ hai nước. Tính tới thời điểm đó, đây là bộ trang phục thứ 892 trên thế giới mà chú bé  Manneken Pis khoác lên mình. (Ảnh: Internet)
Manneken Pis trong trang phục Áo dài truyền thống của Việt Nam do Đại sứ Việt Nam tại Bỉ tặng vào ngày 29-9-2012, nhân dịp chào mừng kỷ niệm 40 năm quan hệ hai nước. Tính tới thời điểm đó, đây là bộ trang phục thứ 892 trên thế giới mà chú bé Manneken Pis khoác lên mình. (Ảnh: Internet)

Hãy thay đổi thói quen đi xe riêng

8 giờ 30, chúng tôi ra phố. Con đường trước mặt khách sạn mới ồn ào nhộn nhịp cho đến tận khuya hôm qua, giờ trở nên vắng lặng và rộng thênh thang. Từng đoàn du khách tha thẩn dạo ngắm phố phường. Trên đường, ngoài vài chiếc taxi lác đác, là từng đoàn xe đạp, đủ kiểu dáng và màu sắc, chiếm lĩnh mặt đường.

Quảng trường Grand Place có một đám đông đang tụ tập trước một sân khấu lớn đặt trước Tòa thị chính bằng đá hơn 1.000 năm tuổi. Một người cho biết vào lúc 10 giờ sẽ có biểu diễn ca nhạc nơi đây. Xe đạp dựng đầy trước các tiệm cà-phê và các nhà hàng vây quanh quảng trường. Chủ nhân của những chiếc xe này đang thưởng thức cà-phê hoặc đang điểm tâm trong những nhà hàng lộ thiên này. Sau khi dạo quanh mấy gallery nghệ thuật ở cạnh Tòa thị chính Brussels, tôi đi tìm “người quen cũ” là pho tượng Manneken Pis để chụp hình. Dọc đường đi, tôi bắt gặp đoàn diễu hành gồm 7 vị mặc lễ phục truyền thống, vai đeo súng trường cổ, lưng giắt gươm, đi từ phía pho tượng Manneken Pis lại. Một cô gái đi cùng chiều cho biết: “Họ là người của Hội đồng thành phố, vừa đi cử hành nghi thức mặc áo quần cho Manneken Pis về”.

Manneken Pis là pho tượng “chú bé đứng đái” bằng đồng, cao khoảng 40cm, tọa lạc ở góc đường Rue de l’Etuve và Rue du Chene, cách Tòa thị chính khoảng 300m, được coi là “công dân danh dự” của Brussels. Ngày 13-8-1619, chính quyền thành phố Brussels đã đặt hàng nhà điêu khắc Jerome Duquesnoy làm một bức tượng này để thay thế cho một bức tượng cũ đã bị hư hỏng ở đài phun nước nằm tại góc phố này. Từ đó, pho tượng trở thành một biểu tượng của Brussels và người dân Brussels đã sáng tác rất nhiều huyền thoại về chú bé ngộ nghĩnh này. Nguyên thủy đây là pho tượng khỏa thân, tuy nhiên, vào ngày 1-5-1698, viên toàn quyền Brussels tặng cho Manneken Pis một bộ quần áo để mặc vì “sợ chú bị cảm lạnh trong mùa đông băng giá”. Từ đó, cứ đến ngày chủ nhật cuối cùng của tháng 9 thì người Brussels cử hành nghi thức “mặc áo quần” cho Manneken Pis. Đến chủ nhật cuối cùng của tháng 3 năm sau thì lại cử hành nghi thức “cởi áo quần” cho chú bé đáng yêu này.

Tạm biệt Manneken Pis và quảng trường Grand Place, chúng tôi ra phố, đi thăm các bảo tàng và danh lam thắng tích ở Brussels. Đường phố nhộn nhịp người đi bộ, đi xe đạp, đi ván trượt, patin… và không hề thấy bóng dáng một chiếc xe hơi cá nhân. Xe bus và tramway có vẻ đông khách hơn ngày thường. Chúng tôi dừng chân trước một quán bia có tên là World of beers. Theo lời giới thiệu ghi trước quán thì nơi đây bán hơn 1.000 loại bia của tất cả các nước trên thế giới, cả bia tươi lẫn bia chai. Có cả bia 333 và bia Hà Nội.

Các bảo tàng và điểm tham quan ngoài trời ở Brussel đông nghịt khách. Họ đến đây không chỉ để tham quan triển lãm, mà để vui chơi, giải trí, để thưởng thức món khoai tây chiên nổi tiếng của người Bỉ. Trong khuôn viên Bảo tàng Lịch sử và Nghệ thuật Hoàng gia Bỉ ở Công viên Cinquantenaire có một nhà hàng chuyên phục vụ món sườn cừu nướng ngon tuyệt hảo và loại bia tươi đựng trong các thùng gỗ do một nhà thờ ở ngoại ô Brussels nấu bằng phương pháp truyền thống. Đó là thứ bia ngon nhất mà tôi từng uống ở nước Bỉ.

Rất nhiều sân khấu ca nhạc được dựng ở các ngã tư đường, nơi các nhóm nhạc đủ mọi lứa tuổi, màu da đang chơi những bản nhạc jazz, nhạc pop, cả nhạc cổ điển và đang hát những bài hát bằng tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Flamic, tiếng Đức… Cạnh công viên các nghề thủ công ở gần quảng trường Grand Place có khu chợ đồ cũ nổi tiếng của Brussels. Chợ họp vào sáng chủ nhật hằng tuần, nhưng phiên chợ vào “Ngày chủ nhật không xe hơi” là phiên chợ nhộn nhịp nhất và hấp dẫn nhất.

Hình ảnh những dòng xe hơi trải dài vô tận trên đường phố Brussels mà tôi chứng kiến hai hôm trước biến đâu mất. Cả thành phố dường như trở thành một công viên khổng lồ để mọi người vui vẻ hát hò, nhảy múa, đạp xe, đi bộ, ăn nhậu… mà không phải ám ảnh bởi nạn kẹt xe và khói xả. Bên ngoài Công viên Cinquantenaire, tôi gặp 2 nữ cảnh sát cưỡi ngựa đi tuần. Khi tôi đưa máy ảnh lên để chụp, họ cười rất tươi và cất lời chào “Hi”. Một khung cảnh thanh bình lạ thường.

Để khuyến khích người dân Brussel đi xe đạp và phục vụ du khách có nhu cầu mướn xe đạp đi thăm Brussels, người ta bố trí nhiều trạm thuê xe đạp tự động trên các tuyến phố. Người thuê xe đạp chỉ việc “quẹt” thẻ tín dụng vào chiếc trụ điện tử ở đầu trạm. Sau khi thông tin về tài khoản của người thuê xe được tiếp nhận, hệ thống khóa xe điện tử sẽ được mở. Người thuê xe chỉ việc “nhấc” xe đạp ra khỏi trạm và bắt đầu hành trình của mình. Khi trả xe, họ không cần trở lại nơi mướn xe ban đầu mà chỉ cần dừng lại ở một trạm cho thuê xe cùng hệ thống, đưa xe vào vị trí, rồi quẹt thẻ ở trụ điện tử. Tài khoản sẽ được trừ tiền tự động và xe đã được khóa.

Sau 8 giờ lang thang khắp các phố phường của Brussels bằng đủ các loại phương tiện: bus, tramway, taxi và… đi bộ, cuối cùng, chúng tôi bắt tàu điện ngầm đi đến Brussel Expo, trung tâm hội chợ triển lãm lớn nhất nước Bỉ, nằm gần ga Charles Roi. Khi ngồi trong xe điện, tôi bất chợt nhìn thấy một dòng quảng cáo trên màn hình điện tử ở trong toa xe: “Hãy hưởng ứng Ngày chủ nhật không xe hơi để bảo vệ môi trường. Hãy thay đổi thói quen đi xe riêng bằng các phương tiện công cộng, bạn sẽ tiết kiệm được 3.000 Eur/năm”.

TRẦN ĐỨC ANH SƠN

;
.
.
.
.
.