.

Kiến thức, kỹ năng và ngoại ngữ

.

Đó là ba tiêu chuẩn cần có đối với người làm công tác hướng dẫn viên du lịch để họ có thể làm cho di tích lịch sử - văn hóa “long lanh” trong ánh mắt của du khách trong và ngoài nước.

Anh Lê Văn Hòa (đeo thẻ) trong một lần đưa khách lên ngọn Thủy Sơn, khu danh thắng Ngũ Hành Sơn.
Anh Lê Văn Hòa (đeo thẻ) trong một lần đưa khách lên ngọn Thủy Sơn, khu danh thắng Ngũ Hành Sơn.

Di tích lịch sử - văn hóa như là những vỉa quặng thô trầm tích và hướng dẫn viên (HDV), thuyết minh viên là người thổi hồn làm cho di tích trở thành điểm đến hấp dẫn.

Anh Trần Đình Toàn, 22 năm làm HDV tiếng Pháp, bắt đầu bằng tự học, đọc sách báo, nay thì cập nhật thông tin trên Internet. Theo anh, người HDV ngoài lòng yêu nghề thì kiến thức rất quan trọng, phải hiểu biết tận tường về các điểm du lịch, các di tích với chiều sâu văn hóa thì mới có thể giới thiệu hết vẻ đẹp của những điểm đến này với du khách. Mỗi lần có khách thị trường khối tiếng Pháp đi tham quan các tour dài ngày, anh đều gợi ý cho khách thăm các di tích lịch sử - văn hóa ở Đà Nẵng như Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn, Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Bảo tàng Đà Nẵng, chùa Linh Ứng-Sơn Trà...

Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn hiện có 12 thuyết minh viên tại chỗ. Với thuyết minh viên tiếng Anh Lê Văn Hòa, kỹ năng đôi lúc là những điều rất đơn giản: “Đối với khách Việt, có thể pha chút hài hước, chút tiếu lâm nhẹ nhàng, đọc vài câu thơ, hát vài đoạn nhạc,… như vậy, khách sẽ không cảm thấy mệt mỏi và chuyến tham quan sẽ thú vị hơn. Với khách nước ngoài, tưởng rất dễ nhưng lại khó bởi họ hiểu biết chưa nhiều về đất nước, con người, phong tục, tập quán Việt Nam… đôi lúc mình phải mượn các di tích, thắng cảnh của đất nước họ để dẫn giải về các di tích, thắng cảnh của đất nước mình”.

Ở Bà Nà có ông Hoàng Xuân Tỵ là thuyết minh viên cao niên nhất, người được xem là “thổ địa của Bà Nà”, từng làm y tế ngành kiểm lâm, về hưu chuyển qua làm cộng tác viên, tự học chuyên môn và được đặc cách cấp thẻ HDV. Với ông, ngoại ngữ là biết... lồng vào câu chuyện thuyết minh của mình một vài câu thơ tự sáng tác. Ví như giới thiệu về cảnh đẹp Bà Nà: Bà Nà ôi đẹp làm sao/ Đi trong sương khói như vào cõi tiên/ Sức người kết hợp thiên nhiên/ Tạo nên vẻ đẹp khắp trên Bà Nà. Không ít du khách quay lại Bà Nà chưa hẳn vì nơi đây đẹp như “đường lên tiên cảnh” mà là muốn nghe lại giọng nói và cách dẫn chuyện hấp dẫn của ông.

Thành phố Đà Nẵng hiện có 14 khu, điểm du lịch với hơn 50 thuyết minh viên phụ trách công tác thuyết minh tại chỗ. Ngoài ra, còn có gần 1.500 HDV du lịch đang là nhân viên hoặc cộng tác viên của các hãng lữ hành. Theo đánh giá của Sở VHTTDL Đà Nẵng, trình độ của đội ngũ thuyết minh ở các điểm đến như Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Danh thắng Ngũ Hành Sơn khá tốt, được đào tạo chủ yếu là các cử nhân văn hóa và ngoại ngữ, am hiểu về đặc điểm và lịch sử của khu, điểm du lịch do đó có thể thuyết minh, hướng dẫn tốt cho khách.

HDV du lịch được xem là người làm cho các điểm đến nói chung, các di tích lịch sử - văn hóa nói riêng “long lanh” trong ánh mắt của du khách trong và ngoài nước. Để làm được điều tưởng chừng như là “phù phép” này, theo Th.S Đặng Phúc Sinh, Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Việt Úc (Vietnamese Australian Vocational College – VAVC), người HDV cần có 3 tiêu chuẩn là kiến thức, kỹ năng và ngoại ngữ. Kiến thức sâu rộng về lịch sử - văn hóa từng vùng miền của Việt Nam và thế giới giúp HDV tự tin về những gì mình giới thiệu với du khách. Kỹ năng thuyết minh, dẫn chuyện hấp dẫn giúp HDV góp phần mang lại thành công cao cho các tour du lịch. Ngoại ngữ, đối với các tour khách nước ngoài là cực kỳ quan trọng, HDV có trình độ ngoại ngữ “i tờ” sẽ làm mình “mất điểm” trong mắt du khách.

Nhiều HDV rất giỏi về kỹ năng, ngoại ngữ, nhưng lại “hẫng” về kiến thức đối với các điểm đến là di tích. Chủ nhiệm CLB Hướng dẫn viên du lịch Đà Nẵng Trần Trà lo lắng: Với các điểm đến là di tích lịch sử - văn hóa, hiện HDV của các hãng lữ hành mỗi người gần như có một bài thuyết minh riêng, manh mún và bất nhất. Cơ quan chuyên ngành Nhà nước phải là đầu mối đứng ra tổ chức một bộ phận chuyên phát triển sản phẩm du lịch, khảo sát, nghiên cứu các di tích đặc thù này trên địa bàn để xây dựng bộ tài liệu thuyết minh chuẩn về kiến thức.

Việt Nam đã ký kết “Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong ASEAN về nghề Du lịch” (Mutual Recognition Arangement on Tourism Professionals - MRA-TP), có hiệu lực từ tháng 5-2013; năm 2014 sẽ phát động thực hiện và hỗ trợ triển khai; năm 2015 sẽ áp dụng chính thức. Theo đó, trong năm 2015, lao động ngành Du lịch Việt Nam đạt chuẩn có thể làm việc tại 10 nước trong khu vực ASEAN mà không có rào cản về giấy thông hành (Visa) và ngược lại. Đây là lý do để các trường dạy nghề như VAVC “tăng tốc” đào tạo nghề lữ hành, nghề HDV. Ngay cả bản thân các HDV đang có thẻ hành nghề cũng phải tích cực “làm mới” lại mình về kiến thức, kỹ năng và ngoại ngữ mới có thể đủ sức “cạnh tranh” khi MRA-TP được áp dụng chính thức.

Từ năm 2012 đến nay, Sở VHTTDL thành phố đã tổ chức 9 lớp bồi dưỡng kiến thức định kỳ cho 443 HDV nhằm tăng cường cho họ kiến thức về nghiệp vụ, văn hóa, đặc biệt là kiến thức tại các di tích lịch sử - văn hóa, các điểm đến du lịch của Đà Nẵng. Ngoài ra, HDV được tham quan trực tiếp tại các điểm di tích lịch sử - văn hóa như bán đảo Sơn Trà, Bảo tàng Đà Nẵng, Khu du lịch Bà Nà - Núi Chúa... qua đó, đã củng cố và mở rộng kiến thức cho các HDV, giúp họ có thể hiểu rõ hơn điểm đến và tự tin giới thiệu cho khách.

Nguồn: Sở VHTTDL Đà Nẵng

NHƯ HẠNH

;
.
.
.
.
.