.

Hiểu về con

.

“Tôi luôn đinh ninh mình là người hiểu con nhất, nhưng lần đầu tiên trong cuộc đời, tôi cảm thấy không hiểu được thằng bé. Trong lòng tôi đè nặng những câu hỏi lớn: Tôi phải làm gì với con mình đây?”. Đó là những dòng tâm sự của một người mẹ có con đồng tính. Tất cả các bà mẹ phát hiện con đồng tính hay được con trực tiếp nói ra giới tính thật của mình đều chia sẻ rằng, họ đã “chết” đi trong giây phút biết sự thật khủng khiếp đó.

Mẹ Châu (ngồi ngoài cùng bên trái) và các thành viên trong Hội PFLAG Việt Nam tại buổi gặp mặt các bạn đồng tính Đà Nẵng tối 6-9-2014. Ảnh:T.H
Mẹ Châu (ngồi ngoài cùng bên trái) và các thành viên trong Hội PFLAG Việt Nam tại buổi gặp mặt các bạn đồng tính Đà Nẵng tối 6-9-2014. Ảnh:T.H

Cuộc chiến “đuổi nữ”, “đuổi nam” ra khỏi cơ thể của con cũng bắt đầu với họ trong ngồn ngộn dằn vặt đến tuyệt vọng. Phải qua nhiều năm, có khi mất đến 10 năm kịch liệt phản đối, họ mới nhận rõ một điều: đồng tính luyến ái là tự nhiên, cố thay đổi cũng không khác được.

Chuyện “mẹ Châu”…

Cái ngày chị cho là định mệnh trong cuộc đời diễn ra cách đây đã 3 năm, nhưng giờ nhắc lại, chị vẫn kiềm chế bằng cách nói thật chậm rãi để khỏi bật khóc. “Mẹ Châu” (danh xưng thân mật mà cộng đồng LGBT Việt Nam - tên viết tắt của cộng đồng người đồng tính nam, đồng tính nữ, song tính và chuyển giới - dành cho chị) là giáo viên trung học. Luôn tự hào mình là người mẹ biết chăm sóc, dạy dỗ con, nhất là cậu con trai càng lớn càng ngoan hiền và đến năm học lớp 11 vẫn còn ngủ chung thủ thỉ mọi điều với mẹ, khiến chị Châu hạnh phúc trong tổ ấm bé nhỏ của mình.

Nhiều người phụ nữ sinh con trai, mãi gần 20 năm sau mới biết con mình là… gái. Nhiều người chồng tìm cách ly dị để lập gia đình mới, có con nối dõi tông đường. Hạnh phúc của người phụ nữ mong manh quá. Do vậy, tôi mong Nhà nước bảo vệ quyền lợi của người mẹ, dù họ sinh con trai, con gái hay đồng tính nam, đồng tính nữ hoặc song tính”.

(Chị Thủy, một người mẹ có con đồng tính)

Nhưng một hôm, cảm giác con đang âm thầm đau khổ điều gì đó không thể giãi bày khiến chị lén lấy điện thoại của con để đọc tin nhắn, dù biết rằng hành động này không lịch sự. “Những lời mùi mẫn thằng bé nhắn cho… thầy giáo dần hiện ra trước mắt, tôi chới với như mặt đất dưới chân mình sụp đổ”, chị kể, rồi hỏi: “Bạn có hiểu cảm giác rơi từ tầng 5 xuống là thế nào không? Tôi tưởng chừng mình bị quăng xuống như vậy đó, nhưng khổ là mình không tan đi về thân xác mà tâm hồn thì vụn vỡ”.

Nhiều ngày tiếp theo, chị xâu chuỗi các hành động khác thường của con và càng củng cố nghi ngờ con đang “bị lệch lạc” giới tính là đúng. Điều cuối cùng chị chờ đợi là chính con nói ra sự thật. Một đêm cậu bé về khuya, mẹ gặng hỏi thì cậu chối quanh. “Sức chịu đựng của tôi đã tới giới hạn, tôi dí dao vào tay con trai, hét vào mặt nó: Mày giết mẹ đi chứ đừng như thế này!”, chị Châu kể.

Những ngày tiếp theo, chị Châu tự hủy hoại thân mình trong sự điên dại. Nói ra với chồng sợ chồng sốc vì con trai là cháu đích tôn, nói với đồng nghiệp sợ bị chê cười có con “pê-đê”, còn nơi nào sẽ cho mình thông tin, sự tư vấn, chị lại càng mù tịt dù bản thân là một nhà giáo. Chị cảm giác đứa con trai mình yêu thương hơn cả bản thân đang vụt xa khỏi vòng tay mẹ. Chị lùng sục sách, báo, Internet về chủ đề đồng tính không với hy vọng hiểu về “bệnh” của con, mà chỉ duy nhất mong muốn “dứt” con ra tình cảnh này.

Đến một ngày cơ duyên đưa chị gặp một số bạn trẻ đồng tính, nghe họ kể về những nỗi đau người đồng tính đang gánh chịu khiến chị thức tỉnh: “Con đã phải chịu đựng biết bao đau khổ, vậy mà mình không chú ý đến cảm xúc của con, lại còn làm tổn thương cháu”. Chị nhớ, khi chị quát vào mặt con, thằng bé-đứa con luôn là học sinh giỏi suốt 12 năm phổ thông và đậu điểm cao vào đại học đã quỳ xuống ôm chân mẹ, thốt lên: Con sẽ không làm mẹ thất vọng đâu mẹ ơi!

Từ dịp đó, chị trở thành một thành viên của Hội PFLAG Việt Nam (Parents, Families and Friends of Lesbians and Gays-Hội cha mẹ, người thân của người đồng tính) để đi đến nhiều tỉnh, thành trên cả nước chia sẻ chuyện của mình, cũng như sẵn sàng đồng hành với các bậc phụ huynh trong giai đoạn khủng hoảng khi hay tin con đồng tính. Tối 6-9, chị có mặt tại Đà Nẵng cũng với mong muốn đó. Tiếc là không một phụ huynh nào có mặt, ngoại trừ rất đông bạn trẻ đồng tính quen gọi chị là “mẹ” qua các diễn đàn của cộng đồng LGBT.

Cuộc chiến giành lại con

Cũng như chị Châu, tất cả các ông bố, bà mẹ ngay khi biết con mình là đồng tính thì hành động đầu tiên là không chấp nhận mà quyết tâm “giành” lại con.

Chị Ly, một người mẹ trong Hội PFLAG, là cán bộ công tác tại một viện nghiên cứu khoa học. Biết con đồng tính khi cậu bé sắp thi đại học, chị đến gặp nhiều nhà tâm lý, bác sĩ để thay đổi “xu hướng tính dục” của con. Chị còn tìm được một đĩa CD có lời tự bạch của một người đồng tính rất nổi tiếng và tài năng. Qua chia sẻ của người này, chị được biết bài thuốc “chữa đồng tính” có thể giúp con trở lại bình thường. Thế là chị thuyết phục con lên chùa ăn gạo lứt, muối mè và dùng vài vị thuốc của sư thầy như nội dung CD đề cập. Việc chữa trị kéo dài nhiều tháng ròng mà “bệnh” con chẳng thuyên giảm. Hai mẹ con trở nên ngày càng xa cách như hai chiếc bóng vô hình trong căn nhà lạnh lẽo…

Chị Thủy, một người mẹ đồng cảnh với chị Ly lại từ thành phố Hồ Chí Minh đưa con xuống Đồng Tháp “chữa nữ” theo mách bảo của mọi người. Con chị bị trói, chịu đau đớn và tự tử hai lần đến nỗi phải vào bệnh viện tâm thần điều trị.

Trên hành trình giành lại đứa con mà họ đặt nhiều kỳ vọng từ lúc lọt lòng, các bà mẹ không chỉ đơn độc đau khổ, mà gia đình họ cũng đứng bên bờ vực chia tay hoặc đường ai nấy đi. Hầu hết các bà mẹ có con đồng tính mà chúng tôi được biết đều kể rằng vợ chồng họ có lúc tính đến chuyện ly hôn hoặc đã ký vào đơn ly hôn vì bất đồng trong cách “chữa bệnh” cho con. Không những thế, áp lực với dòng tộc, bà con lối xóm, đồng nghiệp càng đẩy sự phản ứng của cha mẹ trở nên kịch liệt.

Và hậu quả cho quá trình điều trị mệt mỏi đó là con của các chị không nam tính hơn hay nữ tính trở lại. Chỉ khác là mối quan hệ gia đình nặng nề hơn bao giờ hết. Cha kiệt sức, mẹ muốn chết, con cũng muốn chết để chấm dứt cảnh sống tủi nhục.

Mẹ ơi! Con rất đau khổ

Gần 100 bạn trẻ đến từ nhiều tỉnh, thành có mặt tại buổi gặp mặt Hội Cha mẹ, người thân của người đồng tính tại Đà Nẵng vào tối một ngày tháng 9 vừa qua như có cơ hội hiếm hoi được trút nỗi lòng.

Ở nhà, không biết làm thế nào nói thật với mẹ về giới tính của mình, hoặc nếu nói ra đôi khi hậu quả còn tệ hại hơn nhiều nên các bạn đồng tính đành giữ bí mật thân phận trong nỗi buồn không thể chia sẻ với người thân. Nói ra sự thật là cách giúp người đồng tính cảm thấy nhẹ nhõm vì không phải loay hoay tìm cách che giấu con người mình. Tuy nhiên, nói ra thật là khó. Nhiều câu chuyện được chia sẻ tại buổi gặp mặt cho thấy cuộc đời không ít con người đã rơi vào đau đớn cùng cực vì lỡ nói ra hoặc bị lộ sự thật.

Một bạn ở Quảng Ngãi, sinh ra và lớn lên trong gia đình có bố mẹ đều làm trong ngành Công an. Khi bạn quyết định nói toàn bộ sự thật thì từ lúc đó, bố gọi bạn là “đồ cặn bã trong xã hội”, rồi đụng đâu đánh đấy, kể cả khi trên tay ông là chiếc ghế đẩu hay cái nón bảo hiểm. Bao nhiêu vết bầm trên cơ thể bạn cũng không bằng sự ghẻ lạnh của chính ba mẹ khi luôn miệng tuôn ra những lời nhục mạ đứa con của chính mình. Cũng ở tỉnh này, có bạn bị cha mẹ nhốt biệt lập trong phòng suốt nửa tháng, đến bữa được đưa cơm vào ăn để cách ly với “đám pê-đê”. Hết thời gian “tạm giam”, bạn liên tục bị đánh chửi xối xả tới mức không chịu nổi, bạn đã dùng dao rạch vào người kết liễu cuộc đời. Chuyện của những người bạn đến từ Quảng Ngãi khiến cả khán phòng trầm lắng. Nhiều cô, cậu bé lau nước mắt bởi bắt gặp chính mình trong đó.

Một bạn nữ 20 tuổi đến từ Thanh Hóa lại kể: Em không may mắn được đi học như các bạn ở đây vì khi biết em có “bạn gái”, gia đình hai bên quyết ngăn cấm bằng cách không cho hai đứa đi học nữa, dù lúc ấy chúng em đã cùng đậu vào một trường cao đẳng. Em phải đi làm sớm và chấm dứt đường học hành. Giờ em đã tự nuôi bản thân bằng sức lao động của mình, nhưng làm sao chúng em có thể đàng hoàng đến với nhau khi nhiều năm rồi ba mẹ, anh chị trong nhà vẫn luôn khinh bỉ người đồng tính.

Trong cộng đồng LGBT vẫn có câu nói rằng: Người đồng tính phải thật giỏi mới sống được, còn yếu yếu sẽ bị chết chìm bởi áp lực. Thực tế, chuyện tự sát, hủy hoại thân thể, tâm thần đã xảy ra phổ biến trong cộng đồng này.

Chia sẻ nỗi lòng với “các con”, các mẹ PFLAG đã nói rằng: “Hãy đặt mình vào vị trí của ba mẹ để các con hiểu, thật quá bất ngờ và đau đớn khi biết đứa con mình mang nặng đẻ đau, chăm bón từng miếng ăn giấc ngủ để rồi đến tuổi dậy thì lại thực chất là con người khác. Chính vì thế, thay vì trách móc sao bố mẹ không thông cảm, hãy thương bố mẹ nhiều hơn khi họ giận dữ. Đó là cảm xúc khi họ quá yêu con mình. Đừng buộc bố mẹ phải chấp nhận ngay con là “les” hay “gay”, hãy để họ có thời gian từ từ nhìn nhận sự thật đó”.

Những người mẹ có con đồng tính đến từ thành phố Hồ Chí Minh còn mong ước, lần gặp mặt sau sẽ có các bậc cha mẹ tại Đà Nẵng “dũng cảm” đến giao lưu trong không khí cởi mở thế này. Bởi đó là hành động cho thấy cha mẹ đang cởi bỏ những định kiến để hiểu về con.

PFLAG Việt Nam-Hội phụ huynh, người thân của người đồng tính nam, đồng tính nữ, song tính và chuyển giới Việt Nam: 08 39405140 (số nội bộ 107). www.pflag.vn

Trung tâm ICS-Tổ chức bảo vệ và thúc đẩy quyền của người LGBT tại Việt Nam: Phòng 21A2, Tòa nhà Copac Square, 12 Tôn Đản, Q.4, TP.HCM. www.ics.org.vn

THU HOA

;
.
.
.
.
.