.
Giới thiệu sách

Những "cột mốc" trên đường vô tận (*)

.

Đỗ Lai Thúy là tác giả của nhiều cuốn sách nghiên cứu được bạn đọc chú ý, trước hết ở ngay nhan đề sách “khác người” dễ gợi trí tò mò như “Bút pháp của ham muốn”, “Thơ như là mỹ học của cái Khác”… rồi “Chân trời có người bay”, và hôm nay là “Vẫy vào vô tận”.

Điều đáng nói là tác giả quả đã tránh được cái “bệnh” của không ít công trình nghiên cứu chỉ khéo lặp lại những điều mà nhiều người đã viết từ trước; tác phẩm của Đỗ Lai Thúy không đánh lừa người đọc, hầu hết sách của anh đều có “Cái Khác” - nếu không là phát hiện mới thì cũng là những đúc kết có giá trị gợi mở, giúp nâng cao hiểu biết của người đọc. Có lẽ vì thế mà Vẫy vào vô tận được tác giả ghi là “Tùy bút chân dung học thuật” - một thể loại do chính tác giả đặt ra.

 

Vẫy vào vô tận gồm 17 “chân dung học thuật” của 17 trí thức tên tuổi như Nguyễn Trường Tộ, Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Phan Khôi, Nhất Linh, Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Tài Cẩn, Hoàng Ngọc Hiến, Hà Văn Tấn, Đặng Nghiêm Vạn, Nguyễn Văn Trung… Toàn là những người nổi tiếng và… quen thuộc vì đã có biết bao nhiêu là sách báo viết về họ. Cấu trúc Vẫy vào vô tận cũng không có gì “phá cách”: Mỗi nhân vật đều có ảnh, phác họa chân dung, tiểu sử và trích một tác phẩm tiêu biểu. Như thế, Vẫy vào vô tận có thể là một cuốn sách “công cụ” nghiên cứu có ích cho những ai muốn tìm hiểu những điều cơ bản của những nhân vật đó.

Tuy vậy, người đọc thích thú hơn là tác giả đã chọn những nhân vật có “vấn đề”, mặc dù còn có sự đánh giá khác nhau, nhưng hầu hết đều là những con người đã cắm những “cột mốc” (to, hoặc nhỏ, có giá trị ít hoặc nhiều, thậm chí có cả “tai tiếng”, nhưng vẫn là những “cột mốc” mà lịch sử, văn hóa sẽ còn nhắc mãi) trên những con đường “vô tận”. Như Hà Văn Tấn, trên con đường theo dấu văn hóa cổ, Nguyễn Tài Cẩn trong nghiên cứu ngôn ngữ và Truyện Kiều, Nhất Linh trên con đường hiện đại hóa tiểu thuyết, Hoàng Ngọc Hiến trong phê bình văn học “phải đạo” và “bước qua lời nguyền”…

Đỗ Lai Thúy đặc biệt quan tâm đến loạt nhân vật có vai trò mở đầu cho một sự nghiệp cũng có thể nói là “vô tận”: Cuộc đối thoại Đông-Tây, tìm đường canh tân đất nước, trong đó có  Nguyễn Trường Tộ, Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh.

“…Bi kịch của Nguyễn Trường Tộ là bi kịch của người viễn kiến, người thấy trước những vấn đề tương lai để giải quyết vấn đề hiện tại… Nếu với số đông chỉ có đánh hoặc hòa, thì với Nguyễn Trường Tộ là trong hòa có đánh, hòa để mà đánh. Đồng thời, chữ đánh đây cũng không chỉ đơn thuần bằng sức mạnh quân sự mà bằng cả sức mạnh kinh tế lẫn đường lối đối ngoại biết lợi dụng quốc tế, tức biết quốc tế hóa vấn đề Việt Nam, do tự cường nhờ khoa học, kỹ thuật phương Tây. Đây là đường lối cứu nước bằng văn hóa chứ không chỉ đơn thuần bằng bạo lực quân sự…” (“Nguyễn Trường Tộ, nghịch lý canh tân”, trang 22-23)

Chính từ những đề nghị cải cách của Nguyễn Trường Tộ đã cho phép Đỗ Lai Thúy nhận định như thế. Hơn 150 năm trước, để chống lại thế lực của Pháp đang lăm le muốn làm chủ mảnh đất Việt Nam, Nguyễn Trường Tộ đã đề xướng sách lược: “Chúng ta có thể thỏa thuận cho các thế lực khác như Anh, Tây Ban Nha, Hà Lan… cùng vào khai thác thị trường này. Các thế lực đối đầu nhau sẽ hóa giải được sức ép của chỉ một người Pháp với chúng ta…” (Bài đã dẫn, trang 20). Và bài học là chính Thái Lan, nhờ áp dụng thành công đối sách này, nên không bị mất chủ quyền độc lập.

Với nhiều nhân vật khác trong Vẫy vào vô tận, tác giả cũng hướng sự chú ý vào những khía cạnh đặc biệt như thế, nên cuốn sách quả là “không để tôn vinh quá khứ, mà để kiến thiết một Hiện tại” (Trích Lời giới thiệu ở bìa sách). Ví như với nhân vật “Phan Khôi thầy cãi” (tên bài viết), Đỗ Lai Thúy đã viết: “…Chấp nhận đối thoại tức thừa nhận quyền có ý kiến của người khác, đặc biệt là ý kiến khác với ý kiến của chính mình. Và mình phải tôn trọng ý kiến đó… Một đối thoại dân chủ và bình đẳng còn do trong đối thoại là sự cọ xát của bản thân những cá nhân tham gia tranh luận… Nếu có sự “đánh đổ”, phủ định một ý kiến nào đó, thì, trước hết, không phải đánh đổ, phủ định cá nhân nào đó, nên ở đây không có xúc phạm cá nhân…” (Bài đã dẫn, Trang 116). Đỗ Lai Thúy viết về thái độ tranh luận của Phan Khôi từ bảy-tám chục năm trước mà tưởng như là tác giả bàn đến vấn đề “phản biện” và tính dân chủ trong các cuộc hội thảo học thuật gần đây đang được dư luận quan tâm.

Những nhân vật cắm được “cột mốc” trong từng thời đoạn hay trong mỗi lĩnh vực vẫn được hậu thế nhắc đến chính vì họ đã để lại một tấm gương về nhân cách, một bài học để chúng ta soi rọi trên đường đi tới tương lai. Có lẽ cũng chính điều đó đã làm tạo nên sức cuốn hút của tác phẩm…

NGUYỄN KHẮC PHÊ


(*) Đọc “Vẫy vào vô tận” của Đỗ Lai Thúy, NXb Phụ Nữ, 2014.
 

;
.
.
.
.
.