.
Giới thiệu sách

Đất Chùa, nhìn từ chuyện người dân làng Muối

.

Nhà văn Bùi Công Dụng vừa ra mắt bạn đọc cuốn tiểu thuyết Đất Chùa. Đây là cuốn sách thứ ba được tác giả giới thiệu trong vòng bốn năm trở lại đây sau cuốn tiểu thuyết Quyền lực (2010) và truyện ký Cha tôi (2013).

Nội dung tiểu thuyết Đất Chùa nói về cuộc đấu tranh không khoan nhượng giành lại đất đai tổ tiên giữa một bên là nhà thờ các chư phái tộc làng Muối và một bên là một số tăng lữ đạo đức giả ở chùa An Tịch, những người được sự hỗ trợ mạnh mẽ và ráo riết của các thế lực công quyền.

Với thủ đoạn tinh vi, những viên chức hám lợi đã thông đồng với nhà chùa ngụy tạo hồ sơ đất đai để chiếm đoạt đất của nhà thờ tiền hiền, nơi mà từ xa xưa là một khu đất làng. “...Về sau dân cư đông dần lên, nảy sinh nhu cầu tín ngưỡng, các vị mới xây một ngôi  chùa nằm ngay trong khu đất của nhà thờ tiền hiền để đáp ứng nguyện vọng đông đảo bà con trong làng...” (trang 26). Những văn bản của Nhà nước giờ đây đã trở thành một công cụ lợi hại của những viên chức mất chất trong bộ máy công quyền. Họ biết rõ sự lợi hại đó và đã ra sức khai thác, không cần biết đến hậu quả xã hội phải gánh chịu ra sao.

Với hơn 300 trang sách, tác giả đã phần nào làm sống dậy một hiện trạng xã hội ở phạm vi một địa phương. Nó cho thấy tiền bạc, quyền lực và những lợi ích nhỏ nhen đã chi phối mạnh mẽ đến tư tưởng và đạo đức viên chức Nhà nước, đã làm tha hóa cán bộ như thế nào; những đối tượng đó muốn tạo một thế lực cường quyền ra sao để dễ dàng phủ nhận những gì thuộc về truyền thống kể cả truyền thống gia tộc, giáo lý Phật pháp... qua việc liên kết với nhau để mưu đồ lợi ích cá nhân.

Hai vấn đề xuyên suốt trong tác phẩm là xác định ranh giới đất đai và bồi thường đất thu hồi đều liên quan đến sự thiếu minh bạch của các cấp chính quyền trong việc giải quyết đất đai cho dân, đồng thời cũng là hai câu hỏi mà dân làng Muối đặt ra cho chính quyền. Và theo tác giả, đáng buồn là suốt hai nhiệm kỳ chính quyền đã không trả lời được cho dân những câu hỏi này, thậm chí chính quyền còn dùng uy lực văn bản Nhà nước để o ép áp đảo các đơn khiếu kiện của dân.

Cách hành xử như vậy đã hình thành một tuyến đấu tranh mới mà người làng Muối ví là cuộc chiến văn bản. “Đây là một cuộc chiến mà đối tượng của lão không phải vì dân do dân gì hết, mà rõ ràng là những kẻ sử dụng tối đa công quyền để lừa đảo ép buộc dân, nó là cuộc chiến văn bản” (trang 75). Dân làng Muối thể hiện sự quyết tâm đến cùng chống các thế lực cường quyền vì một niềm tin chân lý “...Nhiệm kỳ lãnh đạo này không lôi ra được thì nhiệm kỳ tới, nhiệm kỳ tới nữa, cho tới khi nào lôi hết được bọn ông trời con ra xử thì thôi!” (trang 279).

Vì nhân vật trưởng ban đại diện nhà thờ tộc đồng thời cũng là một tổ trưởng dân phố, ông rất khó khăn khi triển khai những văn bản liên quan đến dân sinh, chế độ chính sách, thu các loại phí, quỹ xã hội trong dân... do chính quyền ban hành vì tính chất trái luật, đi ngược pháp lệnh của những văn bản này, cũng được phản ánh một cách sinh động trong tác phẩm. Qua đó cho bạn đọc thấy xã hội đang tồn tại một tâm lý đáng trách, đó là tâm lý sợ hãi cấp trên.

Cấp phường hầu như chấp hành tuyệt đối ý kiến bất kể sai trái của cấp quận, cấp tỉnh, không dám phản biện xã hội những ý kiến của người dân với chính quyền mà chỉ yêu cầu dân thực hiện, vì lệnh trên bảo thế! Một khi trình độ dân trí đã thay đổi, họ sẵn sàng bẻ lại người chấp pháp. Cuốn sách đề cập một hiện trạng khác của xã hội, đó là vấn đề tôn giáo. Khi Nhà nước cởi mở về tự do tín ngưỡng thì những phật tử xấu đã lợi dụng sự cởi mở này, khai thác tối đa tín ngưỡng trong dân chúng để huy động cúng dường, công quả, mở mang dịch vụ phật sự để thu tiền. Họ vừa muốn tu tập vừa muốn hưởng thụ, như suy nghĩ của vị sư trụ trì chùa An Tịch: “...Tiền công quả nhiều quá, phải tìm cách chiếm đoạt nó và xài nó cho đích đáng chớ!” (trang 39).

Cho đến trang sách cuối cùng, tác giả đã không chọn cách giải quyết vấn đề theo thông lệ mà chủ ý để ngỏ cho một nhiệm kỳ mới với những con người mới tiếp tục xem xét. Lối kết này có phần lạ, vì tuy không đề cập nhưng nó cũng làm người đọc thấy rõ một điều, đó là sự thờ ơ, vô trách nhiệm, tránh xa mọi thực tế gai góc mà người dân đang phải gánh chịu, không dám đi đến cùng sự việc để lo cho dân, hoặc lời nói không đi đôi với việc làm, chỉ lo nghĩ đến bản thân mình, lo tìm đến thần linh để cầu tài cầu lộc, chỉ muốn an nhàn hưởng thụ để mong chờ ngày được thăng tiến hoặc hạ cánh an toàn... một tâm lý khá phổ biến trong lớp công chức Nhà nước hiện nay.

Tại đại hội Hội Nhà văn Đà Nẵng cuối tháng 5-2014, nhiều đại biểu đều thống nhất ý kiến cho rằng các tác phẩm văn học của chúng ta chưa phản ánh một cách rõ nét những trăn trở xót xa của người dân trước muôn vàn khó khăn bất trắc mà họ phải chịu đựng trong cuộc sống, thì đây, tác phẩm Đất Chùa đã phần nào lột tả. Đất Chùa, một cuốn tiểu thuyết đáng đọc, nhất là đối với những người đang làm công tác điều hành quản lý Nhà nước tại địa phương.

LÊ ANH DŨNG

;
.
.
.
.
.