.

Diễn viên DiCaprio chống biến đổi khí hậu

.

Nam diễn viên Hollywood Leonardo DiCaprio đã được Liên hợp quốc (LHQ) bổ nhiệm làm Sứ giả hòa bình nhằm giúp mọi người nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu. Người từng nổi tiếng với các bộ phim như What’s Eating Gilbert Grape, The Quick and The Dead, Romeo &Juliet, Titanic, Blood Diamond,The Wolf of Wall Street… đã có một bài diễn văn tại hội nghị thượng đỉnh LHQ về biến đổi khí hậu vào ngày 23-9, một ngày trước khi cuộc họp thường niên của Đại hội đồng LHQ  bắt đầu với sự tham gia của các nhà lãnh đạo thế giới.

Leonardo DiCaprio (giữa) dẫn đầu đoàn tuần hành.
Leonardo DiCaprio (giữa) dẫn đầu đoàn tuần hành.

Sau khi được LHQ bổ nhiệm làm Sứ giả hòa bình, tập trung vào các vấn đề biến đổi khí hậu, hôm 21-9, DiCaprio đã tham gia tuần hành tại New York, kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới hành động chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Sự kiện đã thu hút hàng nghìn người tham gia, gồm các nhà khoa học, nhà hoạt động, công nhân viên chức, sinh viên, nhà sản xuất phim Mark Ruffalo, nữ diễn viên Evangeline Lilly, diễn viên – đạo diễn Edward Norton và ca sĩ – nhạc sĩ Sting và đặc biệt là sự góp mặt của các chính trị gia như nguyên Phó Tổng thống Mỹ Al Gore, Thị trưởng thành phố New York Bill de Blasio, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon, nhà linh trưởng học Jane Goodall.

Không chỉ nắm giữ vai trò Sứ giả hòa bình, tập trung vào các vấn đề biến đổi khí hậu trên thế giới, trước đây Dicaprio cũng được ghi nhận vì có những đóng góp to lớn trong lĩnh vực môi trường. Tại lễ trao Giải thưởng Công dân toàn cầu Clinton gần đây, Dicaprio đã được vinh danh do có các hoạt động gây quỹ mang tên mình nhằm bảo vệ những khu vực hoang dã cuối cùng trên trái đất và góp sức xây dựng mối quan hệ hài hòa hơn giữa con người với thế giới tự nhiên. Tổ chức của anh đã đóng góp tài chính để bảo vệ loài hổ, voi và những động vật ở biển trong đó có cá mập.

Hồi đầu tháng 9, nam diễn viên của Titanic đã cùng một số người bạn hưởng ứng phong trào “Ice Bucket Challenge” bằng cách thách thức các ông chủ của một số tập đoàn dầu khí, những người bị coi là góp phần gây ra tình trạng biến đổi khí hậu.

Trong báo cáo mang tên “Dự án Carbon toàn cầu” công bố trước thềm Hội nghị thượng đỉnh LHQ về chống biến đổi khí hậu, cho biết lượng khí CO2 thải ra từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch và sản xuất xi-măng tăng 2,3%, lên mức kỷ lục trên 36 tỷ tấn trong năm ngoái và có thể tăng thêm 2,5% trong năm nay, đồng nghĩa “hạn ngạch” khí CO2 được phép thải vào không khí đang bị sử dụng quá nhanh.

Các tác giả báo cáo nhấn mạnh với tốc độ thải khí CO2 hiện nay, phần “hạn ngạch” còn được phép sử dụng trước khi trái đất nóng thêm 2 độ C sẽ “cạn kiệt” trong khoảng 30 năm nữa. Mỗi giây, bầu khí quyển lại nhận thêm 2,9 triệu kg CO2, trong khi tổng lượng khí thải độc hại này trong tương lai không được phép vượt quá 1.200 tỷ tấn mới có cơ hội (66%) giữ cho trái đất không nóng lên quá 2 độ C so với khi bắt đầu cuộc cách mạng công nghiệp (năm 1750).

Hiện 3 nước có lượng khí thải CO2 tăng mạnh nhất là Ấn Độ với 5,1%, Trung Quốc 4,2% và Mỹ 2,9%, trong khi chỉ hơn 20 nước cắt giảm khí CO2 trong năm ngoái. Các nước thành viên LHQ đã nhất trí hành động để ngăn không cho trái đất nóng thêm 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, song không ấn định được thời gian. Hội nghị New York được xem là cơ hội tạo sự thúc đẩy về chính trị nhằm đạt được mục tiêu này.

GIA HUY

;
.
.
.
.
.