.

Để cảm hóa một con người

.

Thường xuyên tiếp xúc, chuyện trò, nắm bắt tâm tư nguyện vọng một bộ phận thanh-thiếu niên (TTN) hư để tìm ra hướng giúp đỡ phù hợp là cách các cán bộ Đoàn đang áp dụng nhằm giúp các em tự tin hòa nhập cộng đồng.

Đại diện các Quận, Huyện Đoàn phát biểu ý kiến về công tác giáo dục cảm hóa TTN chậm tiến tại buổi gặp mặt hồi tháng 4 tại Thành Đoàn Đà Nẵng. (Ảnh  do Thành Đoàn cung cấp)
Đại diện các Quận, Huyện Đoàn phát biểu ý kiến về công tác giáo dục cảm hóa TTN chậm tiến tại buổi gặp mặt hồi tháng 4 tại Thành Đoàn Đà Nẵng. (Ảnh do Thành Đoàn cung cấp)

Nhiệm vụ khó

Tham gia công tác cảm hóa, giáo dục và định hướng cho TTN chậm tiến là việc làm không dễ, nhất là với những người vừa làm quen với công tác Đoàn thời gian ngắn. Bởi phần lớn họ chưa được đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng phân tích tâm lý lứa tuổi để có cách tiếp xúc chuyên nghiệp, hiệu quả hơn. Chưa kể, nhiều TTN chậm tiến không chịu hợp tác với cán bộ Đoàn, có thái độ bất cần, chống đối. Để vượt qua những khó khăn ban đầu, nhiều người đã đến với các em bằng sự quan tâm của người chị, người anh trong gia đình, sẵn sàng lắng nghe khi các em cần tâm sự, sẻ chia.

Về công tác tại Huyện Đoàn hơn 1 năm, bạn Phạm Lê Giang được giao phụ trách giúp đỡ 2 TTN chậm tiến, vi phạm pháp luật (VPPL) là Nguyễn Hữu Thành (1999) ở thôn An Ngãi Tây 3, xã Hòa Sơn và Lê Duy Phước (1999) ở thôn Thái Lai, xã Hòa Nhơn, học sinh lớp 9 Trường THCS Phạm Văn Đồng. Khi nhận nhiệm vụ, Giang “toát mồ hôi hột”, có chút lo lắng và băn khoăn làm sao tìm hiểu, thuyết phục và cảm hóa, giúp đỡ các em để mang lại hiệu quả nhất?!

Nhớ lần đầu tiên đến gặp gia đình Phước, dù đã biết đôi nét về hoàn cảnh của em nhưng Giang không khỏi bất ngờ khi biết gia đình em thuộc hộ đặc biệt nghèo. Không cha, mẹ mất sớm, Phước cùng cô em gái 8 tuổi về sống với ông bà ngoại. Bà bị liệt nằm một chỗ suốt mấy năm qua, kinh tế gia đình dồn lên vai người ông đã ngoài 60 tuổi. Hôm ấy, tại căn nhà đơn sơ nằm sâu trong con đường quanh co nhỏ hẹp, Phước và ông ngoại ngồi trò chuyện với Giang và 2 cán bộ Đoàn thôn, xã. Khác với những gì Giang hình dung, cậu thanh niên từng phạm tội trộm cắp ngồi im lặng trong trang phục quần tây áo trắng, ai hỏi gì nói nấy, không dám ngước mặt nhìn lên và dường như sự mặc cảm trong em vẫn còn.

Đồng hành cùng Giang trong nhiệm vụ giúp đỡ Thành, Phước đợt này là anh Đỗ Lê Vũ, chuyên viên Ban Thanh niên - Công nhân, Thành đoàn Đà Nẵng. Hai bạn thường xuyên lui tới trò chuyện, chia sẻ khó khăn cũng như gợi mở những ước mơ về một tương lai tốt đẹp trong Phước. Được một thời gian, gia đình và hàng xóm dần thấy Phước mạnh dạn hơn, biết chăm sóc bà, em gái, biết chia sẻ công việc gia đình với ông bà. Thỉnh thoảng Phước còn tham gia các hoạt động thể thao trong thôn như bóng đá, bóng chuyền, sinh hoạt Đoàn địa phương. Giang bộc bạch: “Sau nhiều lần đến với Phước, lắng lòng để nghe và chia sẻ, chúng tôi nhận thấy Phước là cậu bé tốt, bị bạn bè xấu rủ rê mà phạm lỗi. Bởi vậy, khi nhìn thấy sự tiến bộ từ em, tôi vô cùng hạnh phúc và mừng cho em”.

Với thay đổi tích cực đó, tại buổi gặp mặt các em TTN hư, VPPL trên địa bàn thành phố hôm 15-4, Phước được Bí thư Thành Đoàn Nguyễn Bá Cảnh tuyên dương là một trong những TTN chậm tiến có sự tiến bộ rõ rệt. Trước đó, Phước cũng được Thành Đoàn hỗ trợ xe đạp, sách vở và quần áo cho năm học mới.

Huy động sức mạnh thanh niên

Năm 2013, Đoàn Thanh niên thành phố được Thường trực Thành ủy giao quản lý 47 TTN hư, VPPL. Nhờ cách tiếp cận gần gũi và giúp đỡ đúng nhu cầu, nguyện vọng của TTN chậm tiến, kết quả đã có 27/47 em tiến bộ, quay lại trường hoặc học nghề, tìm được việc làm ổn định.

Trong năm nay, Đoàn Thanh niên tiếp tục được giao nhiệm vụ theo dõi, giúp đỡ 43 TTN chậm tiến, VPPL tái hòa nhập cộng đồng. Để làm tốt nhiệm vụ này, Thành Đoàn Đà Nẵng tiếp tục duy trì hiệu quả mô hình quản lý “3-1”. Nghĩa là 1 cán bộ Thành Đoàn, 1 Quận Đoàn, 1 Đoàn phường quản lý 1 TTN chậm tiến. Ngoài ra, Đoàn Thanh niên còn phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an, chính quyền từng xã, phường, tổ dân phố khảo sát, lên danh sách cụ thể từng trường hợp học sinh cá biệt, bỏ học, theo bạn bè xấu tụ tập gây rối, tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có… để có phương pháp cảm hóa phù hợp.

Nhiều cán bộ Đoàn trực tiếp tham gia công tác này cho biết, qua tiếp xúc, tìm hiểu, họ nhận thấy bên cạnh số ít TTN có biểu hiện đua đòi, sớm nhiễm thói hư tật xấu của xã hội thì phần lớn TTN bỏ học, VPPL là do hoàn cảnh gia đình nghèo khó, cha mẹ bất hòa, không nhận được tình yêu thương, sự quan tâm, giúp đỡ từ những người xung quanh. Có những trường hợp hoàn cảnh bi đát như cha hoặc mẹ mất sớm, bị tai nạn, bệnh hiểm nghèo sinh ra chán nản, bi quan, gặp bạn bè xấu lôi kéo dẫn đến hư hỏng, phạm pháp lúc nào không hay. Hiểu rõ điều này, người làm công tác Đoàn đôi khi phải đóng cùng lúc nhiều vai: vừa như mẹ cha để dạy dỗ, vừa như thầy cô để dìu dắt, vừa như anh chị để khuyên răn, vừa như bạn bè để sẻ chia. Từ đó, nhiều TTN chậm tiến đã nhận thức được rằng, khi mình không tiến bộ nghĩa là mình đã phụ công sức của rất nhiều người và tự tách mình ra khỏi sự quan tâm của xã hội.

Tại các buổi tiếp xúc với TTN chậm tiến, Bí thư Thành Đoàn Nguyễn Bá Cảnh luôn đề nghị các em hãy mạnh dạn bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của mình để Đoàn Thanh niên có những giải pháp phù hợp, giúp các em vượt qua khó khăn, mặc cảm tự ti để trở thành công dân tốt.

HUỲNH LÊ

;
.
.
.
.
.