.

Danh họa bị lãng quên

.

Phòng triển lãm tác phẩm hội họa với tên gọi “Rudolf Bauer: Forgotten 20th Century Master Painter” (tạm dịch: Rudolf Bauer, họa sĩ bậc thầy thế kỷ 20 bị lãng quên) do Tổng Lãnh sự Đức tổ chức, trưng bày tại văn phòng Lãnh sự quán Đức ở New York, mở cửa đến ngày 19-9.

Một góc phòng triển lãm tranh Rudolf Bauer.
Một góc phòng triển lãm tranh Rudolf Bauer.

Rudolf Bauer (1889-1953) sinh ra tại Đức, là họa sĩ nổi tiếng về vẽ tranh minh họa. Năm 1916, ông gặp nữ họa sĩ Hilla Rebay. Hai người trở thành bạn đồng hành với tất cả lòng đam mê và yêu thích. Rebay rất yêu thể loại nghệ thuật “không hình thể” trong tranh của Bauer. Trong những năm tiếp theo, Rebay thường giao lưu với giới đẳng cấp cao ở New York và gặp Solomon Guggenheim, một doanh nhân người Mỹ, nhà sưu tập nghệ thuật và là nhà từ thiện. Bà giới thiệu Guggenheim gặp Bauer. Guggenheim tìm cách mua tất cả các bức tranh Bauer.

Rudolf Bauer
Rudolf Bauer

Solomon Guggenheim được biết đến nhiều kể từ khi thiết lập quỹ phúc lợi nghệ thuật mang tên Solomon R. Guggenheim Foundation và Bảo tàng Solomon R. Guggenheim ở thành phố New York. Ông bắt đầu sưu tập nghệ thuật vào những năm 1890, và sau Thế chiến thứ nhất, ông từ bỏ ngành kinh doanh của mình để theo đuổi hoàn toàn cho việc sưu tầm tác phẩm nghệ thuật.

Nhờ vào sự hướng dẫn của nữ họa sĩ Hilla Rebay, Solomon Guggenheim tập trung vào các bộ sưu tập nghệ thuật hiện đại và đương đại, tạo ra một bộ sưu tập quan trọng của những năm 1930 và mở bảo tàng đầu tiên của mình vào năm 1939. Hilla Rebay, là một nghệ sĩ trừu tượng đáng chú ý trong những năm đầu thế kỷ 20 và người đồng sáng lập và là giám đốc đầu tiên của Bảo tàng Solomon R. Guggenheim.

Hilla Rebay sinh tại Strasbourg năm 1890, tốt nghiệp khoa nghiên cứu nghệ thuật tại Cologne, Paris, Munich và Berlin. Bà đã trưng bày tác phẩm chung với nhóm Dada tại Zurich và Galerie Der Sturm ở Berlin, tham gia tích cực nhóm avant-garde (tiền phong) ở châu Âu. Rebay từng là giám đốc đầu tiên và người phụ trách Bảo tàng Solomon R. Guggenheim và tổ chức một loạt các cuộc du lịch để chọn tác phẩm cho bộ sưu tập của bảo tàng.

Năm 1952, do vài nguyên nhân, Rebay từ chức giám đốc bảo tàng nhưng vẫn tiếp tục mối quan hệ với các tổ chức trong vai trò của giám đốc danh dự. Một phần của bất động sản của mình, trong đó bao gồm các tác phẩm của Vasily Kandinsky, Paul Klee, và Kurt Schwitters, đã được trao cho Bảo tàng Solomon R. Guggenheim, bốn năm sau khi bà qua đời vào năm 1967.

Trở lại với trường hợp của Rudolf Bauer. Năm 1938, ông bị xếp vào loại  “nghệ thuật thoái hóa”, Đức quốc xã bắt giữ đưa vào một trại tù. Sau đó không lâu, ông thoát khỏi nhà tù nhờ uy thế của Guggenheim. Vì lý do này nên trên tường của Bảo tàng Guggenheim không hề có bức tranh nào của Bauer. Hơn 300 tác phẩm của Bauer đã được chuyển xuống tầng hầm của Bảo tàng Guggenheim và nằm im trong bóng tối ở đó qua  nhiều thập kỷ. Có một số tác phẩm bị bán đi một cách lén lút. Từ đó cái tên Bauer hầu như không ai nghe thấy trong thế giới nghệ thuật trong suốt thời gian 75 năm.

Tranh sơn dầu của Rudolf Bauer.
Tranh sơn dầu của Rudolf Bauer.

Mãi đến đầu tháng 9 này, tác phẩm và tên của họa sĩ Rudolf Bauer mới được giới thiệu tại New York. Cuộc đời và các tác phẩm nghệ thuật của Rudolf Bauer đang được tái hiện và trưng bày trang trọng tại cuộc triển lãm. Các tác phẩm của ông sẽ phục hồi qua các buổi thảo luận và đánh giá cao sự đóng góp của Bauer trong dòng nghệ thuật hiện đại và thật đáng kinh ngạc khi mọi người đều biết cuộc sống của Bauer gắn chặt với Hilla Rebay, Solomon Guggenheim, những nhà sưu tập lừng lẫy và cùng được đứng chung với những nghệ sĩ khác, những người dẫn đầu trong nghệ thuật thế kỷ 20.

Trong bài “Tìm lại Bauer” của Peter Selz  - giáo sư danh dự Lịch sử Nghệ thuật tại Đại học California, Berkeley, ông viết “Sau nhiều năm dài im ắng trong bóng tối, cuối cùng Bauer đã được phục hồi ở vị trí của mình như là một nhân vật nổi tiếng trong lịch sử hội họa trừu tượng”. Cùng thời gian này, nhiều nhà sử học nghệ thuật và các nhà phê bình đã có nhiều bài viết, hội thảo về tác phẩm, qua đó họ đã thừa nhận vị trí của Rudolf Bauer, người “nghệ sĩ bị lãng quên”, ngang tầm với các nghệ sĩ hiện đại bậc thầy như Jackson Pollock và William de Kooning.

HOÀNG ĐẶNG

;
.
.
.
.
.