.

Bạo lực cá nhân hơn cả chiến tranh

.

Chiến tranh. Xung đột vũ trang. Đó là những từ ngữ khiến toàn thể nhân loại nhún lạnh vì hình ảnh chết chóc la liệt. Nhưng có một thứ gây ra chết chóc còn nhiều hơn rất nhiều lần chiến tranh và xung đột vũ trang đó chính là bạo lực giữa các cá nhân với nhau. Trung tâm Đồng thuận Copenhagen vừa đưa ra bản báo cáo cho biết các loại hình bạo lực cá nhân đã gây thiệt mạng gấp 9 lần so với chiến tranh và xung đột vũ trang.

Cảnh sát ngăn chặn một vụ bạo lực cá nhân trên đường phố.
Cảnh sát ngăn chặn một vụ bạo lực cá nhân trên đường phố.

Trung tâm này kêu gọi các tổ chức quốc tế, các chính phủ, các cơ quan viện trợ nhân đạo xem xét lại cách tiếp cận giải quyết bạo lực cá nhân. Tổng số tiền thiệt hại vì bạo lực cá nhân tương đương 11% GDP toàn cầu mỗi năm. Trong khi đó, số người chết và bị thương do chiến tranh, khủng bố gây thiệt hại ước tính khoảng 167 tỷ USD. Giết người, tội phạm bạo lực, xâm phạm trẻ em, bạo lực gia đình và bạo lực tình dục có mức thiệt hại lên tới hơn 9 nghìn tỷ USD. Tác giả của bản báo cáo là Anke Hoeffler (Trường Đại học Oxford) và James Fearon (Trường Đại học Standford) còn nhận định bạo lực trong xã hội là hiện tượng lớn hơn và phổ biến hơn nhiều so với chiến tranh; đồng thời gây ra tác hại kinh tế cũng lớn hơn nhiều.

Trong những năm gần đây, khoảng 20 - 25 nước có tình trạng bạo lực cá nhân rất đáng lo ngại, khiến hàng nghìn người chết và bị thương. Ở châu Âu, Mỹ, Úc, tỷ lệ chết người trong những vụ bạo lực cá nhân thấp nhất 1/100.000 vụ nhưng ở nhiều nơi khác tỷ lệ rất cao. Chẳng hạn ở El Salvador lên tới 70/100.000 vụ. Ở tỷ lệ 10/100.000 đã được Tổ chức Y tế thế giới đánh dấu báo động. 43% nạn nhân nữ bị sát hại do chồng/người yêu cũ hay hiện tại. 30% phụ nữ trên toàn thế giới, tương đương 760 triệu người, chịu cảnh bạo lực gia đình suốt cuộc đời họ. Khoảng 270 triệu trẻ em bị bạo hành ngay trong gia đình của mình.

Cách đây vài ngày, một video clip cho thấy ngôi sao bóng bầu dục Mỹ Ray Rice đánh vợ chưa cưới Janay Palmer tới bất tỉnh trong thang máy ở sòng bạc. Ngay lập tức, CLB chủ quản của Ray Rice sa thải anh dù hợp đồng còn 3 năm. BTC giải bóng bầu dục Mỹ tạm thời cấm Rice thi đấu. Nhiều cửa hàng bán áo đấu sẵn sàng cho người mua đổi áo của Rice sang áo cầu thủ khác. Có nhà hàng đồng ý đổi lấy áo của Rice bằng một cái bánh pizza. Tổng thống Mỹ Barack Obama nhân sự kiện Ray Rice đã nói về bạo lực gia đình rằng: bạo lực gia đình là thứ đáng khinh và không thể chấp nhận trong xã hội văn minh. Đánh một người phụ nữ thì đó không phải là người đàn ông thực sự. Mọi người đều phải có trách nhiệm chấm dứt bạo lực  gia đình.

TỊNH BẢO (Theo The Conversation)

;
.
.
.
.
.