.

Văn chương từ những góc nhìn

.

Văn chương từ những góc nhìn (NXB Đà Nẵng, tháng 7-2014) là tựa đề tập sách tiểu luận - bình luận văn chương của Huỳnh Văn Hoa với khoảng 50 bài viết được tác giả tập hợp, chọn lọc trong suốt nhiều năm qua. Ngoài những nghiên cứu về những tác giả lớn như Hồ Chí Minh, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Văn Cao…, tác giả dành nhiều bài viết tâm huyết cho mảng văn học và báo chí  xứ Quảng bao gồm những tên tuổi từ Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Khôi, Phạm Hầu đến Bùi Giáng, Đông Trình, Dương Thị Xuân Quý, Hoàng Minh Nhân…

Bìa tập sách Văn chương từ những góc nhìn.
Bìa tập sách Văn chương từ những góc nhìn.

Hầu hết mỗi bài viết, mỗi vấn đề trong tập sách đều thể hiện một cái nhìn sâu sắc, khoa học, nhưng đầy cảm xúc của tác giả. Điều đầu tiên, chúng ta có thế nhận ra, cũng tác giả ấy, cũng tác phẩm ấy như ta từng gặp gỡ nhiều lần, nhưng nơi đây, với Huỳnh Văn Hoa là một góc nhìn mới mẻ, bổ sung cho người đọc thêm những chi tiết bất ngờ. Chẳng hạn, trong bài Màu sắc trong văn chương (tr.140-146), tác giả nhận định: “Ở mỗi nghệ sĩ, nhất là những nghệ sĩ có phong cách, đều có những cách nói rất lạ và độc đáo về màu sắc. Có cách nói chệch chuẩn, tạo nên hiệu quả thẩm mỹ cao. Chẳng hạn, ở Truyện Kiều, Nguyễn Du nói các màu: màu quan tái, màu quan san, màu sương, màu thiền. Chinh phụ ngâm, có màu kiêu hãnh, màu áo cưới, màu ẩn sĩ. Ở Đoàn Phú Tứ có màu thời gian. Ở thơ Chế Lan Viên, có màu xứ sở, màu Tổ quốc, màu tà dương, màu rách xé, màu hoa lau, màu cuồng tín, màu liễu. Thực ra, đây là cách nói riêng về màu sắc, một cách nói đặc biệt của tác giả, nhằm tạo sắc thái biểu cảm cho hình tượng thơ”.

Điều thú vị, trong tập sách này, Huỳnh Văn Hoa mạnh dạn giới thiệu cùng bạn đọc, không chỉ riêng từng mảnh đất, từng tác giả, từng tác phẩm, mà thậm chí  dẫn dắt đi sâu vào cả một màu sắc mà mình yêu thích. Cụ thể, một số bài thơ riêng lẻ, được tác giả đưa ra những bình phẩm trân trọng như: Mùa thu-hoa cúc cổng trường (Đỗ Trung Quân), Lời thề mùa đông (Bùi Hoàng Tám), Bài hát trồng cây (Bế Kiến Quốc), Gái quê (Hoàng Minh Nhân), Khi về trường cũ (Trần Dzạ Lữ), Tiếng hát (Đàm Khánh Phương)… Hoặc trong bài Màu tím trong thi ca (tr. 147-157), tác giả chỉ nói riêng về màu tím: “Màu tím của hoa sim, hoa mua, hoa bằng lăng, hoa lục bình, hoa xoan, hoa súng,… đã đi vào thơ ca với những sắc điệu riêng của tâm hồn, với nhiều cách nhìn phong phú, đa dạng, độc đáo. Không ít bài thơ, câu thơ đã nhờ màu tím mà tồn tại với thời gian”. Theo đó, tác giả cho rằng: “Có thể kể ra nhiều bài thơ, câu thơ có chứa màu tím. Cái màu tím ấy đã đem lại cho thơ ca tiếng Việt một sắc thái riêng, một nẻo về riêng của tâm hồn với  bao xao xuyến, bao tâm trạng  nơi người đọc, góp phần làm nên những tác phẩm hay trong văn chương Việt Nam”.

Về những miền đất thơ, trong bài Quảng Trị, một khoảng trời thơ (tr. 132-140), Huỳnh Văn Hoa không chỉ nhắc lại những tác giả, tác phẩm ấn tượng của một thời đạn bom khốc liệt như: Nguyễn Đức Mậu với Đêm Thành cổ 1972, Tráng khúc Quảng Trị, Hoa lau đường Chín, Ở vùng quê Quảng Trị, Chép lại một chân dung…, hoặc Lê Bá Dương, Phạm Đình Lân, Đoàn Xuân Hòa… với những câu thơ quen thuộc, mà  còn có cả nỗi niềm thương nhớ của những kẻ xa quê như Tạ Nghi Lễ với Quê mình, Nhớ về Quảng Trị, Thị xã tôi về, Quảng Trị trong tôi, Quảng Trị, quê hương tôi…

Ở bài Nghĩ về thơ Đà Nẵng sau 1975 (tr.288-297), Huỳnh Văn Hoa đưa ra những nhận định về những người làm thơ thuộc các thế hệ khác nhau như Đông Trình, Phạm Phú Hải, Vũ Hữu Định, Đoàn Huy Giao, Hoàng Tư Thiện, Lưu Trùng Dương, Bùi Công Minh, Thanh Quế,  Ngân Vịnh, Hoàng Minh Nhân, Đỗ Văn Đông, Trần Tuấn, Nguyễn Minh Hùng, Nguyễn Nho Khiêm… Tác giả viết: “Gần 40 năm qua, Đà Nẵng có một nền thơ, có một đội ngũ làm thơ và có không ít những cây bút thành danh, dưới góc độ này hoặc góc độ khác. Những người làm thơ của Đà Nẵng vẫn đầy khát vọng, khát vọng lột xác thơ, lộn trái thơ, làm mới cho thơ, nói như Chế Lan Viên, như người đẹp “đi đâu, ở đâu cũng lấy được chồng”. Tôi vẫn luôn nghĩ, ở vùng đất luôn quẫy đạp này, không chịu ngồi yên, không chịu nằm yên, luôn đi về phía trước, luôn đặt ra câu hỏi “ta đang ở đâu và ta sẽ làm gì ?” thì thơ ca của vùng đất ấy cũng sẽ vươn mình, thao thức và đi tới !”.

Theo PGS, TS Hồ Thế Hà : “Tác giả tái hiện đồng đại và lịch đại trên hai góc tiếp cận khái quát và cụ thể. Khái quát về văn chương một vùng đất, một tác giả; cụ thể về một tác phẩm, một yếu tố, một sắc màu, một lát cắt cảm xúc và tâm trạng của thi nhân để chỉ ra vẻ đẹp văn chương một cách ảo ẩn và sinh động thông qua thế giới hình tượng và ngôn từ của từng tác giả, tác phẩm cụ thể. Tất cả đều được thể hiện thống nhất bằng một văn phong vừa trữ tình vừa luận lý, tạo thành giọng điệu phê bình riêng, vẫy gọi sự đồng cảm trong tiếp nhận của người đọc. Đó là thành công tổng thể của Huỳnh Văn Hoa qua công trình này”.

Đáng chú ý, Huỳnh Văn Hoa đã có ý thức vận dụng và phóng chiếu những lý thuyết văn học hiện đại trên thế giới, đặc biệt là Thi pháp học vào việc nghiên cứu cấu trúc văn học hiện đại Việt Nam trên các cấp độ và bình diện của chính thể nghệ thuật một cách có hệ thống. Trong đó, các bìa viết về sắc xuân và mùa xuân trong Đường thi và thơ Haiku, về tác phẩm Bầy chim lạc của R. Tagore cũng được tác giả quan tâm giải mã theo cách riêng mình.

Tác giả Huỳnh Văn Hoa thời thơ ấu từng ngồi chung lớp, chung trường cùng nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, nhà báo Nguyễn Công Khế… Hồi học trung học, anh làm nhiều thơ và viết truyện ngắn. Sau 1975, anh học Đại học sư phạm, dạy học, rồi làm Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo thành phố Đà Nẵng. Hiện là Bí thư Đảng ủy Khối Các cơ quan TP. Đà Nẵng. Văn chương từ những góc nhìn là tập sách tiểu luận – bình luận văn chương đầu tiên của Huỳnh Văn Hoa.

TRẦN TRUNG SÁNG

;
.
.
.
.
.