.

Tâm tình từ một "mái hiên"

.

Cái địa chỉ văn nghệ đầu tiên tôi quen biết từ ngày về Đà Nẵng, không phải từ cơ quan hội văn nghệ mà là từ Nhà xuất bản (NXB) Đà Nẵng, gọi cho đầy đủ hơn là NXB tổng hợp Quảng Nam-Đà Nẵng. Cái thời ấy đi đến đâu cũng gặp… “tổng hợp”: thư viện tổng hợp, NXB tổng hợp, đại học tổng hợp, cho đến cửa hàng mua bán cũng tổng hợp nốt. Có một nơi “tổng hợp” tôi thường xuyên lui tới, riết rồi thành bầu bạn tự bao giờ chẳng hay. Vâng, đấy là NXB Đà Nẵng. Lý do đơn giản là vì những câu chuyện về sách.

Từ trái qua: Nhà thơ Nguyễn Kim Huy, nhà thơ Ngô Thế Oanh, nhà văn Thái Bá Lợi và nguyên GĐ TBT Nguyễn Văn Giai nhân 20 năm Ngày thành lập NXB Đà Nẵng (8-8-2014).
Từ trái qua: Nhà thơ Nguyễn Kim Huy, nhà thơ Ngô Thế Oanh, nhà văn Thái Bá Lợi và nguyên GĐ TBT Nguyễn Văn Giai nhân 20 năm Ngày thành lập NXB Đà Nẵng (8-8-2014).

 Hóa ra sách còn có cái chức năng mà thường ít ai nhắc tới, đấy là sách xóa đi mọi biên giới, định kiến xã hội. Ví như sách toán học, y học, kỹ thuật chẳng hạn, nó có quyền chu du khắp thế giới, vượt qua mọi rào cản chính trị xã hội, soi ánh sáng tri thức cho tất cả những nơi cần đến nó. Những tác phẩm văn học nghệ thuật mà giá trị của nó có sức vang hưởng đến toàn nhân loại, nhất là của các thiên tài, cụ thể như Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du chẳng hạn, có biên giới nào vạch ra ngăn cấm được ánh sáng lung linh của bản tuyên ngôn tình yêu vĩnh hằng ấy trong tâm thức của toàn dân tộc.

Nhưng thế giới sách là ở các thư viện, nhất là những thư viện càng lớn thì lại càng giàu có các loại sách: triết học, văn học, khoa học, xã hội học…, chứ NXB ở một địa phương thì được bao lăm sách. Vả lại nơi ấy cũng chẳng phải là nơi đọc sách. Tất nhiên rồi, ai cũng biết vậy. Mà thư viện Đà Nẵng, thử so sánh cho vui, có lẽ chỉ tầm cái tủ sách khiêm tốn so với hàng chục hàng trăm tủ sách của các thư viện Sài Gòn hay Hà Nội. Tương tự như thế, thư viện của Sài Gòn hay ở Hà Nội lại có thể chỉ là… cái túi xách so với Thư viện Quốc hội Mỹ (Library of Congress) ở Washington, hoặc giả là Francois Mitterrand - Thư viện quốc gia Pháp. Dường như tất cả sách quí của toàn nhân loại đều hội tụ về những nơi ấy cả.  Nhưng ý tôi muốn nói đến việc xuất bản sách, còn việc đọc sách xin được bàn tới vào một thời điểm khác. Và cũng vì lẽ công việc xuất bản, không chỉ là sách của riêng mình, để từ đó NXB Đà Nẵng trở thành “mái hiên” cho tôi và nhiều anh chị em văn nghệ khác trú vào “trà dư tửu hậu” mỗi khi mưa nắng thất thường.

“Mái hiên” - là tôi mượn lời của nhà thơ Ý Nhi, nhân một lần nào đó chị tâm tình về Thơ. Vâng, “Thơ là những mái hiên thôi!”. Một cách định nghĩa vừa lạ lẫm, vừa mang hàm lượng hải hà lấp lánh trong trái tim của một người mẹ. Cứ suy theo đó, thơ nó chả phải cung son lầu đài ông hoàng bà chúa thâm viễn cao vời gì, mà đơn giản nó là mái hiên cho bất cứ ai cơ nhỡ mưa nắng quần quật, bụi bặm đường dài, ngã lưng vào đó, lãng du những giấc mơ theo từng nỗi niềm riêng của mỗi người. Tôi gọi “mái hiên” - NXB Đà Nẵng là trong ý nghĩa ruột rà đó. Chính từ nơi này đây, tôi đã từng gặp gỡ quen biết với bao lớp nhà văn, nhà thơ từ thời Thơ mới cho đến “mắt sáng môi hồng” run rẩy tác phẩm đầu tay. Lẽ đương nhiên trong mọi cuộc hội ngộ đó, tôi thường được NXB, các tác giả tặng nhiều loại sách: thơ, tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký, tiểu luận… Nhiều năm tháng qua, sách mỗi ngày đầy đặn thêm trong tủ sách như một tình yêu lặng thầm nuôi dưỡng cho cái đẹp chưng cất thêm từng ngày.

Vâng, cái đẹp cái quý thường là hiếm hoi, hoặc chí ít nó còn là ý tưởng trong khát vọng đi tới, thì bao năm tháng đã qua nó cũng được vun đắp để NXB có gương mặt mới mẻ hơn, không chỉ là sách mà còn là cơ ngơi cho đến con người. Nói theo kinh tế thị trường tức là xây dựng xác lập một thương hiệu. Tôi không có năng lực của một nhà doanh nghiệp, song tôi hiểu rằng, thương hiệu của một NXB chính là chất lượng nội dung sách được cấp phép xuất bản. Nhắc điều này tôi lại nhớ đến nhà văn quá cố Đà Linh.

Có thể nói, lúc sinh thời Đà Linh là người say mê ý tưởng này nhiều nhất, dường như trong mọi cuộc chuyện trò, thường lúc nào tôi cũng nghe anh nói đến niềm khao khát về những tác phẩm độc đáo ra đời trong bàn tay nâng niu “bà đỡ” của NXB Đà Nẵng. Làm Phó giám đốc, rồi làm Tổng biên tập NXB nhưng cái khí chất nghệ sĩ của Đà Linh có những khi lãng mạn bước chân đến tận đường… chân trời (Có bàn chân dài hơn con đường - thơ Phạm Phú Hải). Ý tưởng này tôi từng gặp ở nhà thơ Hoài Khanh, ông nguyên là chủ nhân (giám đốc) Nhà Xuất bản Ca Dao thời Sài Gòn trước năm 1975. Thời ấy, Sài Gòn có đến cả trăm NXB (hầu hết là của tư nhân). Thôi thì sách xuất bản “mì ăn liền” ba xu cứ thỏa sức, sách đáng giá ngàn vàng cũng không thiếu. Muôn màu muôn sắc đủ loại, từ tiểu thuyết đầm đìa nước mắt đến võ hiệp kỳ tình, cho đến các loại khoa học, kỹ nghệ, dịch thuật, triết học, văn học… Vượt lên cái rừng đó có ba nhà, mà Hoài Khanh nhắc lại sự trân trọng và yêu mến của độc giả đã phong cho ba NXB ấy cái danh hiệu trìu mến là: Tam kiệt, tức là Lá Bối, An Tiêm và Ca Dao. Dù sinh sau đẻ muộn, sách Ca Dao xuất bản cũng không thua kém gì, nhưng Hoài Khanh vẫn ở vị thế em út của Tam kiệt lừng lẫy một thời ấy. Bây giờ đi lùng mua sách cũ, cứ gặp sách Lá Bối, An Tiêm hay Ca Dao thường nghe giá trên trời, ai bảo đấy không phải là thương hiệu danh bất hư truyền cho dù thời gian đã bao lần biển đã xanh dâu. Có thể Đà Linh hiểu cái giá trị làm nên thương hiệu theo ý hướng đó. Khổ một nỗi, cái khuôn cơ chế, như người ta thường nói, không cho phép bất cứ ai “cầm đèn chạy trước ô-tô”. Vậy nên mọi cuộc phiêu lưu dễ thành hệ lụy. Thế nhưng cuộc sống sẽ nghèo nàn biết nhường nào nếu thiếu đi những con người Có bàn chân dài hơn con đường. Và như thế, Đà Linh vẫn lưu lại trong tôi những kỷ niệm ngọt ngào từ bao cuộc “trà dư tửu hậu” từ “mái hiên” - NXB Đà Nẵng. Xin thắp một nén tâm hương tưởng nhớ anh, và bao người bạn văn của tôi đã khuyết bóng dưới mái hiên này.

Vẫn biết “nương dâu bãi bể” là chuyện thường hằng của thời gian (Hỏi tên rằng: biển xanh dâu. Thơ Bùi Giáng), vậy mà mấy ngàn năm rồi nhân loại vẫn còn đọc được những “trang sách” trên đá, trên gạch nung từ các xứ sở Ba Tư, Assyria, Babylonia… Thế nên, bước chân của chúng ta từ buổi ở đường Quang Trung cho đến bây giờ dịch chuyển đến đường 30 tháng 4 - khu đô thị mới Hòa Cường, dăm ba cây số có là gì trước vô tận. Cái cuối cùng may ra còn lại là những trang sách quí hiếm - Đây mới là tiếng nói của người làm xuất bản trước thời gian. Liệu như thế có phải là tôi thêm một lần lãng mạn không? - Ối dào! “Trà dư tửu hậu” ấy mà. Những câu chuyện “khi trông hoa nở khi chờ trăng lên” có bao giờ kết thúc.

NGUYỄN NHÃ TIÊN

;
.
.
.
.
.