.

Quà tặng của người vô danh

.

Một họa sĩ giấu tên vẽ bức chân dung một người lính thiệt mạng tại Afghanistan rồi gửi đến địa chỉ của bà mẹ người lính ấy và không để lại địa chỉ người gửi.

Ảnh (trái) và tranh Michael Sweeney do “Pam G” vẽ.
Ảnh (trái) và tranh Michael Sweeney do “Pam G” vẽ.

Bà Sweeney tìm bên trong lớp bao bì, phát hiện ra bức chân dung của con trai mình-Michael, 19 tuổi đã tử trận ở tỉnh Helmand, Afghanistan trong khi tuần tra với Tiểu đoàn 1, đội  Coldstream năm 2010.

Nằm lẫn trong bức tranh chân dung, giữa các lớp giấy gói, bà Sweeney tìm thấy một dòng tin nhắn viết vội. Có người đã nhìn thấy một bức ảnh của Michael trên một tờ báo và họ đã chuyền tay đến các họa sĩ để vẽ chân dung. Người nghệ sĩ giấu tên, tác giả bức tranh, hy vọng vợ chồng bà Sweeney sẽ không bực mình về việc này và họ sẽ giữ bức tranh như là một lời cảm thông, chia buồn. Ở phía dưới bức tranh là một dấu hiệu nhỏ tuy mờ nhạt nhưng có thể đọc: “Pam G”.

Cầm trên tay bức tranh vẽ giống một cách chính xác con trai mình, bà Sweeney cảm thấy hụt hẫng. Bà không biết ai thực hiện để bày tỏ sự cảm ơn. Bà nói với phóng viên The Guardian: “Khuôn mặt con trai tôi trông rất buồn và cứ mỗi khi đơn độc,  nhìn vào bức tranh, cổ họng tôi như có vật gì chắn nghẹn. Tôi không thể không tự hỏi đứa con trai tôi đang nghĩ gì khi đang ngồi trước ống kính của bức ảnh này”.

Bức chân dung bí ẩn này được vẽ dựa theo một bức ảnh do AJ Heath, một nhiếp ảnh gia từng trải qua một tuần hợp tác với đơn vị của Michael ở Afghanistan vào tháng 3-2010. Heath nói: “Tôi biết bà mẹ nghĩ rằng người con trai trong ảnh đang buồn, nhưng có thể không đúng như thế vì tư thế của anh trong ảnh tỏ vẻ thư thái và biết rõ mình đang được chớp ảnh”.

Nghệ sĩ giấu tên sẽ tự hào khi “tài liệu chiến tranh” của họ phổ biến trong suốt chiều dài lịch sử. Trường hợp bức tranh chân dung người lính trẻ ở vùng ngoại ô của Northumberland có thể cũng được xem như một “tư liệu chiến tranh”. Người nghệ sĩ không muốn ai biết đến tên mình khi thực hiện một tư liệu hay một tác phẩm trong giai đoạn chiến tranh dù cố tình hay ngoài ý muốn của tác giả là việc khá thông thường trong thời chiến. Và, vì thế, ai biết được có bao nhiêu tác phẩm của nghệ sĩ bậc thầy đã bị thất lạc trong mớ hỗn độn của lịch sử chiến tranh và thời gian?

Có một bức tranh “A Dead Soldier” (Cái chết của một người lính - thế kỷ 17), hiện được trưng bày tại Thư viện quốc gia (Mỹ), sau nhiều cuộc giám định người ta không thể biết gì hơn ngoài giả định rằng, tác giả bức tranh có thể là một họa sĩ ẩn danh người Ý, thuộc xứ Naples. Đến năm 1945, giới nghiên cứu nghệ thuật lại phát hiện thêm trên bức tranh này có một chữ “A” rất nhỏ, điều này có thể chỉ ra rằng các nghệ sĩ muốn “đánh dấu sở hữu” tác phẩm của họ, nhưng một mẫu tự mờ nhạt sẽ không mang đến ánh sáng đầy đủ về danh tính thực sự của tác giả.

Qua tác phẩm nghệ thuật của các nghệ sĩ vốn sung mãn năng lượng để sáng tạo, họ thường chuyển tác phẩm của mình dưới lòng đất trong thời gian xung đột, như trường hợp các nhà nghệ sĩ Pháp đã làm việc ẩn danh trong thời gian quân Đức chiếm đóng. Họ ẩn danh tính bởi vì Đức quốc xã chống cái gọi là “phong cách nghệ thuật thoái hóa”, cũng như phát-xít Đức cư xử tàn bạo với nghệ sĩ, những người đã tìm cách che giấu tác phẩm của họ đối với người đương thời và ngay cả đồng hương của họ. Tiết lộ thêm về tác phẩm, hiểu biết thêm về tác giả  của họ hay là giữ sự bí ẩn có thể tạo nên sự hấp dẫn hơn.

Trở lại với bà Sweeney, bức tranh chân dung của con trai Michael được treo trang trọng trong phòng ăn và mẹ của người lính xấu số trong tranh thường xuyên lên mạng để tìm kiếm các “họa sĩ vô danh, bí ẩn”, nhưng đã không thành công trong việc phát hiện bất kỳ manh mối hơn nữa về lai lịch và nơi sống của nhân vật có tên “Pam G”. Tại sao các nghệ sĩ trong thời chiến tranh thường tìm cách ẩn danh và “Pam G” là ai? “Tôi hiểu rằng, tác giả “Pam G” không muốn liên lạc, nhưng tôi thực sự muốn tác giả biết rằng bức tranh đã được đón nhận và tôi rất biết ơn món quà tặng đáng yêu đó”, bà Sweeney nói với The Guardian, “Mặc dù nó thường làm tôi khóc”.

HOÀNG ĐẶNG

;
.
.
.
.
.