.

Những thương hiệu Việt ở Mỹ

.

Đi qua nhiều bang trên nước Mỹ có thể chúng ta sẽ gặp những ông chủ của các trung tâm thương mại, khách sạn lớn  do người Việt sang đầu tư như Vietnam Town ở San Jose; Little Saigon Inn ở Garden Grove; chợ Phước Lộc Thọ, Trung tâm Eden ở DC; các trung tâm thương mại Hong Kong ở Houston hay Oregon - Bến Thành ở Philadelphia; Phở Pasteur ở Boston và nhiều tiệm Nail lớn ở khắp các tiểu bang...

Lại cũng nghe kể về tên tuổi của nhiều vị bác sĩ, dược sĩ, cả các thầy thuốc Đông y, luật sư nổi tiếng là người Việt. Họ đã tạo nên những thương hiệu làm nên niềm tự hào cho cộng đồng. Sau một thời gian ngắn ở Mỹ, tôi chỉ có thể tìm hiểu và xin kể lại hai người Việt tạo dựng cơ nghiệp thành công trên đất Mỹ.

Ông Lê Nẫm tại một tiệm làm tóc.
Ông Lê Nẫm tại một tiệm làm tóc.

Uốn tóc Lê Nẫm

Những năm 60-70 của thế kỷ trước, có lẽ nhiều người còn nhớ các hiệu uốn tóc nổi tiếng ở trung tâm TP. Đà Nẵng như Bính Sau, Ngọc Hương hay Lê Nẫm. Đó là những người cùng quê ở làng Thanh Quýt, huyện Điện Bàn (Quảng Nam). Làng này có mấy nghề truyền thống là trồng và chế biến thuốc lá thương hiệu Cẩm Lệ chiếm lĩnh hầu hết thị trường các thành phố miền Nam, nghề dệt vải bán cho thương lái nước ngoài tại cảng thị Hội An. Đất làng này ít, dân đông nên tiểu thủ công và dịch vụ là lối thoát trên đường mưu sinh. Bởi vậy, có lẽ từ đầu thế kỷ 20, khi nghề dệt vải tàn lụi, thị trường thuốc lá thu hẹp, nhiều người trai trẻ trong làng đã đi tìm học nhiều nghề khác ở Hội An và Đà Nẵng, mà nổi bật trong đó là nghề uốn tóc.

Những người thợ lớp đầu tiên mạnh dạn mở hiệu là các ông Nguyễn Hữu Bính, Lê Tự Sau mở chung hiệu Bính Sau trên đường Trần Phú ngày nay; Nguyễn Hữu Ngọc mở hiệu Ngọc Hương trước cổng chợ Hàn và Lê Tự Nẫm mở hiệu Lê Nẫm trên đường Trần Hưng Đạo, nay là Nguyễn Thái Học. Một vài người nữa ra mở hiệu ở Huế, Hội An, Quy Nhơn và cả Sài Gòn. Nghề uốn tóc thu hút được nhiều nhân lực trẻ từ nông thôn ra, tuy vậy, những ông chủ đầu tiên vẫn giữ được chỗ đứng suốt nhiều thập niên sau đó, trong đó có ông Lê Tự Nẫm…

Sau khi định cư ở Houston, Texas (Mỹ) từ đầu những năm 1980, ông Nẫm xây dựng lại nghề cũ. Cho đến mùa hè 2014, sau 30 năm ở xứ người, ông đã xây dựng hơn 20 hiệu uốn tóc mang tên ông ở nhiều thành phố; đào tạo hàng trăm học trò thành những chuyên gia làm đẹp. Những học trò có chí lập nghiệp đã được ông nhượng lại thương quyền để tiếp tục hành nghề.

Ông chỉ giữ lại một cửa hiệu ở khu Bellaire, Houston với hơn 20 thợ chuyên nghiệp. Mỗi ngày, tuy đã 86 tuổi, ông vẫn lái xe đến cửa hiệu làm việc nhiều giờ để tư vấn cho các khách hàng hạng sang hoặc chỉ bảo cho các học trò… Nhiều người khách cho biết cái làm nên thương hiệu Lê Nẫm chính là một loại thuốc uốn tóc rất đặc biệt, khách hàng vẫn giữ được kiểu dáng tóc đẹp qua nhiều ngày, sau cả khi ngủ hoặc đi tắm về! Còn ông lại nói với tôi: Đó chính là tinh thần luôn cố gắng hết mình, làm việc cùng nhau một cách hết lòng. Nhưng quan trọng nhất là… nhờ ơn trời!

Và cũng nhờ… ơn trời, đến nay các con ông đều là những bác sĩ, luật sư có uy tín ở Mỹ, cả con dâu lẫn con rể đều là người Việt, nhờ vậy mà vẫn giữ được sợi dây tình cảm gia đình, dòng tộc bền chặt; từ đó ông có thời gian cùng bạn bè làm thêm nhiều công tác thiện nguyện, giúp đỡ người nghèo ở quê hương…

Bánh mì Ba Lẹ

Sau một ngày dạo chơi ở thành phố Boston, chừng đã mỏi chân và bụng đói, chúng tôi lên xe trở về nhà chú Tiến, một chuyên viên IT làm việc ở trung tâm thành phố. Trên đường Dorchester, chúng tôi quyết định đi mua thức ăn cho bữa tối.

Tác giả trước tiệm bánh mì của chị Nguyệt.
Tác giả trước tiệm bánh mì của chị Nguyệt.

Hiệu bánh mì nổi tiếng mang tên Ba Le đã ở ngay trước mặt. Đó là hai ngôi nhà kế tiếp nhau, một bên làm cửa hiệu bán các loại thịt, chả, nem tré, bên cạnh là một lò bánh mì luôn mở cửa từ 5 giờ sáng đến 9 giờ đêm… Chú tôi bảo, bánh mì nhân thịt kiểu Pháp của người Việt ở Mỹ thì có nhiều, như Lee Sandwich, Thim Hing ở rải rác từ Cali, Texas đến Oklahoma, nhưng không đâu nổi tiếng bằng Ba Lẹ, mà nay đã đổi tên thành Ba Lê hay Paris chỉ dễ đọc với người Mỹ.

Chị Nguyệt, một phụ nữ miền Nam chừng 45 tuổi, vừa là chủ hiệu vừa đứng bán hàng trông có vẻ rất thân thiện. Lại càng thân hơn khi được khách quen là ông chú tôi giới thiệu tôi là một nhà báo từ Việt Nam mới qua… Và chị kể…

Bánh mì Ba Lẹ nay là cả một tập đoàn mang tên Ba Le Inc. Ít ai biết, ban đầu ông chủ, nay là Tổng giám đốc, lúc mới sang Mỹ (1979) làm đủ thứ nghề từ rửa xe, phụ bếp, rửa chén bát rồi nhận chân lái xe tuyến Cali đi Nevada, chuyên đưa khách đi đánh bạc với giá chỉ khoảng vài chục USD mỗi chuyến, kể cả phải mua bánh mì, nước uống cho khách đi đường. Trước đó, khi còn ở Việt Nam, “ổng từng bán vé số”, mồ côi cha và chỉ mới học hết cấp 2! Nhờ mua bánh mì Ba Lẹ của Việt kiều Võ Văn Lẹ để cung cấp cho khách đi xe, Lâm Quốc Thanh - tên ông Tổng giám đốc - đã quen biết và được Ba Lẹ mời hùn vốn làm ăn… Đến năm 1984, cả hai ông quyết định mở một lò bánh mới ở Honolulu, Hawaii để mở rộng thị trường.

Vài năm sau, ông Thanh mở thêm vài tiệm bánh nữa và mua hết phần vốn của ông Võ Văn Lẹ, đồng thời tân trang lại thiết bị tự động từ Pháp có công suất lớn hơn để đáp ứng thị trường. Một người phải làm việc cật lực cùng với thợ và nhân viên mỗi ngày đến 17-18 giờ như ông Thanh, lại may mắn được vay vốn ưu đãi, nên chẳng bao lâu, bánh mì Ba Lẹ nổi tiếng khắp nơi. Giải thưởng chủ doanh nghiệp nhỏ xuất sắc của nước Mỹ năm 2002 đã thuộc về ông, được Tổng thống Bush tiếp ở nhà Trắng với tư cách doanh nhân xuất sắc. Trước đó, ông  đã được tạp chí nổi tiếng Ernst&Young trao giải thưởng doanh nhân xuất sắc của Hawaii. Các giải thưởng đã tạo thêm bệ phóng cho thương hiệu, không chỉ ở bang đảo mà còn nhiều bang khác trong nội địa nước Mỹ.

Theo chị Nguyệt, trong vòng ba mươi năm qua, mặt dù đổi chủ, đổi mới thiết bị và đa dạng hóa sản phẩm, nhưng vẫn giữ lại thương hiệu, bình quân mỗi năm bánh mì Ba Lẹ mở thêm một vài tiệm mới ở các tiểu bang. Đến cuối thế kỷ trước, tập đoàn này đã có được những hợp đồng béo bở, cung cấp thực phẩm cho nhiều khách sạn, hãng hàng không, siêu thị khắp nước Mỹ và cả cung cấp bột làm bánh, bánh mì cho các công ty của Ý. Các hiệu bánh mì mang tên Ba Lẹ đến đầu thập niên thứ 2 của thế kỷ 21 đã có mặt ở các thị trường Nhật, Singapore, Bắc Kinh và đang mở thêm ở vài thành phố tại Việt Nam với tổng doanh thu vài chục triệu USD mỗi năm.

Chị Nguyệt trước đây là nhân viên của Ba Le Inc, đã được tạo cơ hội trở thành chủ một chi nhánh ở Boston ngày nay mà không phải trả tiền nhượng quyền khai thác thương hiệu, chính là nhờ “triết lý” của ông chủ, luôn luôn nghĩ đến quyền lợi của cộng sự và dành những phần thưởng xứng đáng cho những người trung thành, biết giữ chữ tín với khách hàng. Đối với người đầu tiên tạo ra thương hiệu bánh mì Ba Lẹ ngày xưa, chị cho biết ông Thanh vẫn giữ mối thân thiện và lòng biết ơn của mình. Chính vì vậy, bây giờ chị cũng như nhiều chủ hiệu bánh Ba Lẹ khác cũng coi ông Thanh như người ơn của mình.

Chính sự khéo léo, tận tụy đã tạo nên những tên tuổi lớn của người Việt trong các ngành dịch vụ trên đất Mỹ. Chính họ đã tạo ra bệ phóng cho con em mình hội nhập vào xã hội mới, và tạo nên nhiều tên tuổi thành danh bằng các ngành khoa học, kỹ thuật.

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

;
.
.
.
.
.