.
Những cái nhất ở Đà Nẵng

Cầu Trần Thị Lý

.

Cây cầu đầu tiên bắc qua sông Hàn là cầu De Lattre, nay là cầu Trần Thị Lý, được người Pháp xây dựng vào đầu những năm 50 thế kỷ trước.

Cầu Trần Thị Lý về đêm.   Ảnh: L.G.L
Cầu Trần Thị Lý về đêm. Ảnh: L.G.L

Cầu Trần Thị Lý nằm phía thượng lưu sông Hàn, cách cầu Rồng khoảng 1km, công trình được khởi công từ tháng 4-2009 với tổng mức đầu tư sau các lần điều chỉnh là 1.709 tỷ đồng. Sau khi khánh thành vào ngày 29-3-2013, cây cầu có hệ thống dây văng mang cánh buồm căng gió vươn ra biển đã trở thành một điểm tham quan, chụp ảnh mới cho du khách khi đến du lịch Đà Nẵng.

Hơn 60 năm trước, ngay tại vị trí cầu Trần Thị Lý ngày nay, người Pháp đã cho xây dựng cây cầu đầu tiên ở Đà Nẵng và đặt tên là cầu De Lattre.

Từ năm 1950, các cố vấn Mỹ đã có mặt ở Đà Nẵng và tiến hành khảo sát các khu vực Sơn Trà, Non Nước. Sau đó, người Pháp bắt đầu xúc tiến việc xây dựng Đà Nẵng thành một căn cứ quân sự liên hợp bằng cách vừa tiến hành củng cố, mở rộng các cơ sở vật chất vốn có, vừa xây mới một loạt các hệ thống hạ tầng, trong đó cầu De Lattre nối liền nội ô thành phố với bến cảng để dễ dàng tiếp nhận các mặt hàng viện trợ chiến tranh của Mỹ.

De Lattre, viết đầy đủ là Jean Joseph Marie Gabriel de Lattre de Tassigny (1889 - 1952), thống chế quân đội Pháp, từng tham gia chiến tranh tại Việt Nam và mất vì bệnh khi cuộc chiến chưa kết thúc. Để tưởng nhớ ông, năm 1952, nhà cầm quyền Pháp tại Hà Nội đã đổi tên Route Mandarine (đường Cái quan đi qua địa phận Hà Nội) thành đường phố mang tên ông và Đà Nẵng thì đặt tên ông cho cây cầu đầu tiên bắc qua sông Hàn.

Đến năm 1955, ở Đà Nẵng, tất cả các đường phố mang tên Pháp (trừ Pasteur và Yersin, hai ân nhân của nhân loại) đều được đổi thành tên Việt. Cây cầu độc nhất qua sông Hàn lúc đó cũng được đổi thành cầu Trịnh Minh Thế, một tướng lĩnh của quân đội Việt Nam cộng hòa.

Trần Thị Lý tên thật Trần Thị Nhâm (1933 - 1992); người xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam; là một nhà hoạt động cách mạng, chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam và Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, bà là tù chính trị trung kiên, gan dạ, dũng cảm, đã từng chịu nhiều cực hình, tra tấn dã man, vô nhân đạo dưới các nhà tù Pháp - Mỹ mà vẫn bất khuất, không khai báo, kiên trì chịu đựng, không khuất phục.

Chồng bà là một thương binh đồng hương, do bị tra tấn, bà mất khả năng sinh nở nên hai người nhận một con gái nuôi. Năm 1979, bà từ Hà Nội về sống tại Đà Nẵng, trong điều kiện sức khỏe được phục hồi một phần. Tháng 2 năm 1992 bà được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Bà mất tại Đà Nẵng. Hình ảnh của bà đã từng là đề tài của thơ ca, nhạc, họa, phim ảnh,… trong đó nổi tiếng nhất là bài thơ Người con gái Việt Nam của nhà thơ Tố Hữu. Tên bà được đặt cho cây cầu đầu tiên bắc qua sông Hàn ở Đà Nẵng.

Không ít người cho rằng cầu Trần Thị Lý, với hình tượng cánh buồm căng gió ra khơi, đã ít nhiều thể hiện vẻ thanh thoát, sự mềm mại đầy nữ tính. Đây được cho là cây cầu có kiến trúc độc đáo vào loại nhất nhì Việt Nam với trụ dây văng nghiêng tạo dáng cầu đẹp và lạ mắt, tuy không đạt “kỷ lục” về quy mô như cầu Rồng, nhưng có kiến trúc và kết cấu với độ cao lớn để làm điểm nhấn cảnh quan. Việc lựa chọn trụ tháp đơn nghiêng cao 145 mét và dây văng đa mặt phẳng, phần dây phía Tây bố trí xoắn không gian như cánh buồm căng gió từ sông Hàn tiến ra Biển Đông, thể hiện nét độc đáo, hiện đại, biểu tượng cho khát vọng vươn lên của thành phố Đà Nẵng.

Cầu Sông Hàn sau khi khánh thành đã được dothi.net “xếp hạng” là một trong “Top 5 địa điểm ngắm Đà Nẵng tuyệt đẹp từ trên cao” như tít một bài viết đăng trên trang tin nhanh bất động sản này, gồm: núi Bà Nà, Ngũ Hành Sơn, bán đảo Sơn Trà, cầu Sông Hàn và Tòa nhà Green Plaza. Giờ, khi cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý vươn mình qua sông với kiểu dáng độc đáo, mới lạ, không biết dothi.net sẽ tiếp tục bình luận như thế nào về “bộ sưu tập cầu” của Đà Nẵng?

LÊ GIA LỘC

;
.
.
.
.
.