.

Nhà Xuất bản Đà Nẵng như tôi hằng nghĩ

.

1. Với tư cách là người viết, có thể nói bản thân tôi có nhiều gắn bó với Nhà xuất bản (NXB) Đà Nẵng. Cuốn sách đầu tay của tôi - Thời gian nghệ thuật trong tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng - ra mắt bạn đọc năm 1997, tuy không in ở NXB Đà Nẵng, nhưng một chương quan trọng của chuyên luận này được NXB Đà Nẵng in lại trong tuyển tập Lý luận phê bình văn học miền Trung thế kỷ XX do Giáo sư Trần Đình Sử chủ biên và công bố năm 2001.

Cuốn sách thứ hai - Nghĩ dọc sông Hàn - phát hành năm 2004 và mười năm sau là cuốn sách thứ ba - Đào chuông xuống núi, tôi nghĩ hai tập bút ký này chỉ có thể đưa in ở NXB Đà Nẵng là phù hợp nhất. Sách viết về những vấn đề chung của văn chương hay của đời sống in ở nhà xuất bản nào cũng được, nhưng sách viết về những vấn đề riêng của Đà Nẵng hoặc được tiếp cận chủ yếu từ thực tiễn Đà Nẵng thì in đâu cũng không có duyên bằng in ở nhà xuất bản của chính Đà Nẵng.

Đó là chưa kể Tổng tập văn hóa văn nghệ dân gian đất Quảng gồm 5 tập của Hội Văn nghệ Dân gian Đà Nẵng do tôi viết phần tổng quan cho mỗi tập, cũng đều được NXB Đà Nẵng lần lượt xuất bản từ năm 2006-2011. Trong đó, Tập tục, lễ hội đất Quảng (tập 3) đạt giải Đồng “Sách Hay” Giải thưởng sách Việt Nam năm 2010 của Hội Xuất bản Việt Nam và Nghề và làng nghề truyền thống đất Quảng (tập 4) đạt giải nhì B Giải thưởng Văn nghệ Dân gian Việt Nam của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam.

Tủ sách danh nhân đất Quảng do NXB Đà Nẵng ấn hành.
Tủ sách danh nhân đất Quảng do NXB Đà Nẵng ấn hành.

2. Với tư cách là người đọc, tôi luôn đánh giá cao việc NXB Đà Nẵng chuyên in các cuốn sách viết về những vấn đề riêng của Đà Nẵng hoặc được tiếp cận chủ yếu từ thực tiễn Đà Nẵng nhằm phục vụ chủ yếu cho đông đảo độc giả người Đà Nẵng; càng đánh giá cao hơn khi NXB Đà Nẵng không tự đóng khung sản phẩm văn hóa đọc của mình trong phạm vi đất Quảng, mặc dầu thế mạnh của một NXB địa phương chính là những sản phẩm văn hóa đọc liên quan đến các vấn đề bản địa.

Bộ ba tuyển tập Văn miền Trung thế kỷ XX, Thơ miền Trung thế kỷ XX Lý luận phê bình văn học miền Trung thế kỷ XX là một cách mở rộng phạm vi ra ngoài đất Quảng, Minh triết phương Đông và triết học phương Tây - bản dịch tác phẩm Un sage est sans idée của nhà triết học đương đại người Pháp Francois Julien là một cách mở rộng phạm vi ra ngoài đất nước và Từ điển Biểu tượng Văn hóa thế giới được xem là cách mở rộng phạm vi ra cả toàn cầu.

Giữ cho được hương đồng gió nội nhưng không “nhà quê”, thậm chí “Tràng An” ngay khi giữ hương đồng gió nội - đó là phong cách hiện đại của NXB Đà Nẵng. Nói “Tràng An” ngay khi giữ hương đồng gió nội là muốn nhắc đến một số sản phẩm văn hóa đọc của NXB Đà Nẵng như Phan Châu Trinh qua những tài liệu mới gồm hai tập: tập I xuất bản năm 2001 và tập II xuất bản năm 2003, hoặc như Huỳnh Thúc Kháng tuyển tập xuất bản năm 2011… Những cuốn sách mang “sứ mệnh kép” như thế này rõ ràng là đóng góp đáng kể và đáng nể của NXB Đà Nẵng.

3. Với tư cách là người luôn quan tâm đến sự phát triển văn hóa đọc của thành phố quê hương, tôi hết sức ngưỡng mộ và biết ơn những người làm sách ở NXB Đà Nẵng - từ các Giám đốc như Nguyễn Văn Giai, Hoàng Hương Việt, Vũ Văn Đáng, Trương Công Báo… cho đến các Tổng biên tập như Nguyễn Đức Hùng, Hoàng Văn Cung, Nguyễn Kim Huy... và nhiều biên tập viên rất chuyên nghiệp. Nhìn chung đội ngũ những người làm sách ở đây không ngừng hướng tới chất lượng văn chương và khoa học của các sản phẩm văn hóa đọc mang thương hiệu NXB Đà Nẵng - nói rộng hơn là không ngừng hướng đến ba cột trụ tinh thần của con người: Chân - Thiện - Mỹ.

Giữ cho NXB của mình không rơi vào vòng xoáy khắc nghiệt của cơn lốc thương mại hóa không dễ, càng khó hơn nhiều khi đáp ứng đòi hỏi sinh tử ấy trong bối cảnh nhà xuất bản hoạt động chủ yếu như một doanh nghiệp vì không còn được ngân sách Nhà nước trực tiếp đầu tư. Tất nhiên nhiều năm nay chính quyền thành phố vẫn có kế hoạch trợ giá thường niên cho những sản phẩm văn hóa đọc có giá trị do NXB Đà Nẵng tuyển chọn biên tập, tổ chức in ấn phát hành nhằm góp phần vào việc thực hiện mục tiêu giáo dục công dân, giáo dục thị hiếu thẩm mỹ và thị hiếu nghệ thuật, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của người Đà Nẵng.

Có điều chỉ mới ngần ấy thôi thì vẫn chưa đủ. Tôi hy vọng trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, thành phố sẽ đẩy mạnh đầu tư cho NXB Đà Nẵng không chỉ bằng kế hoạch trợ giá thường niên mà còn bằng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực - trước hết là đội ngũ biên tập viên…

Một số giải thưởng tiêu biểu

Giải Bạc Sách Đẹp năm 2012
Giải Bạc Sách Đẹp năm 2012

A- Giải thưởng của Hội Xuất bản Việt Nam:

1- Tập tục lễ hội Đất Quảng (Hội VNDG Đà Nẵng) đoạt Giải Đồng Sách Hay và Chuyện ở miền cát cháy (Thanh Quế) đoạt Giải Đồng Sách Đẹp năm 2010.

2- Tuyển tập Huỳnh Thúc Kháng đoạt Giải Vàng Sách Hay năm 2011.

3- Sách ảnh Đà Nẵng xưa (Trầm My - Lưu Anh Rô biên soạn) đoạt Giải Bạc Sách Đẹp năm 2012.

B- Giải thưởng Văn học Quốc tế và Trung ương:

1- Những chiếc xe màu lửa - Thơ thiếu nhi - Đông Trình - Giải thưởng của Ủy ban Bảo vệ & Chăm sóc Trẻ em Việt Nam do UNESCO tài trợ, 1993.

2- Một tiếng đờn - Thơ - Tố Hữu - Giải Văn học các nước ASEAN, 1995.

3- Tâm hồn - Thơ - Ngô Thế Oanh - giải A của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, 1994.

4- 11 truyện ngắn - Thanh Quế - Giải B Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, 1994.

5- Cát xanh - Ký - Hồ Duy Lệ - Giải B Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, 1994.

6- Chú ếch xanh - Truyện thiếu nhi - Kim Viên - tặng thưởng sách thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam, 1995.

7- Dân ca đất Quảng - Trần Hồng biên soạn - Giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam, 1997.

8- Nhạc tuồng - Trần Hồng biên soạn - Giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam, 1998; Giải Đào Tấn của Viện Sân khấu - Bộ Văn hóa, 1998.

9- Một thời trăng - Thơ - Thu Loan - Giải B của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, 1998.

10- Khúc hồi âm của lá - Thơ - Nguyễn Nhã Tiên - Giải KK Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, 2004.

11- Nghề và làng nghề truyền thống Đất Quảng (tập 2 của Tổng tập VNDG Đất Quảng) - Giải B - Giải thưởng Văn nghệ Dân gian Việt Nam của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, 2010.

12- Thu Bồn - Nhà thơ trữ tình Đất Quảng - Chuyên luận Văn học - Nguyễn Kim Huy - Giải C (giai đoạn 2010 - 2012) của Hội đồng LLPB VHNT Trung ương, 2012.

13- Nắng trên đồi - Thơ - Nguyễn Nho Khiêm - Giải C của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, 2012.

14- Lời ru lá cỏ - Thơ - Nguyễn Hải Triều - Giải C của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, 2012.

15- Xônve - Tiểu thuyết - Hoàng Minh Nhân - Bằng khen của Hội đồng Giải thưởng Văn học các nước sông Mêkông, 2013.

C- Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Đất Quảng  (1999-2010); của UBND tỉnh Quảng Nam và UBND TP. Đà Nẵng từ năm 1997-2005 và 2005-2010:

Giải A:

1- Mười Chấp và một thời... - Ký sự - Hồ Duy Lệ

2- Cụm tác phẩm Văn nghệ dân gian Đất Quảng (gồm Tập tục lễ hội Đất Quảng; Nghề và làng nghề truyền thống Đất Quảng; Chuyện kể dân gian Đất Quảng; Ca dao dân ca Đất Quảng) - Sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn - Đồng Chủ biên: Võ Văn Hòe, Hoàng Hương Việt, Bùi Văn Tiếng.

Giải B:

1- Nỗi lan tỏa của ngày - Thơ - Nguyễn Kim Huy.

2- Hát sắc bùa - Sưu tầm, nghiên cứu - Trần Hồng.

3- Tập tục lễ hội Đất Quảng (tập 3, thuộc Tổng tập VHDG Đất Quảng) - Nhóm tác giả: Võ Văn Hòe, Hoàng Hương Việt, Bùi Văn Tiếng đồng chủ biên.

- Văn hóa dân gian Hòa Vang - Sưu tầm, biên soạn - Võ Văn Hòe.

- Lặng lẽ tường đá ong - Thơ - Ngân Vịnh.

N.K.H (tập hợp)

BÙI VĂN TIẾNG

;
.
.
.
.
.