.

Lựa chọn của người trẻ

.

Có thể cùng hành nghề bác sĩ, bác sĩ Tây y dễ dàng mở phòng mạch, còn bác sĩ Đông y thì khó kiếm thêm thu nhập từ nghề nghiệp của mình. Nhưng không vì thế mà con số bác sĩ học nghề Đông y hạn chế, họ chọn con đường này cũng như giữ trọn nhiệt huyết ban đầu trong suốt hành trình theo đuổi việc cứu người.

Bác sĩ trẻ Phan Nguyên Huy đang điều trị thoái hóa đốt sống cổ cho bệnh nhân. Ảnh: M.C.M
Bác sĩ trẻ Phan Nguyên Huy đang điều trị thoái hóa đốt sống cổ cho bệnh nhân. Ảnh: M.C.M

Nguyễn Phương Thảo, bác sĩ (BS) trẻ vừa được bố trí về làm việc tại Bệnh viện Y học cổ truyền (YHCT) Đà Nẵng, nhớ lại sự phản đối của cả gia đình và bạn bè khi biết mình chọn ngành YHCT. Sự “bàn lùi” này xuất phát từ lý do: BS là nghề được đào tạo lâu dài nhất, cẩn thận nhất, phức tạp nhất, căng thẳng nhất, và đặc biệt vất vả đối với con gái. Thế nhưng, lương của một BS luôn bằng hoặc thậm chí thấp hơn những ngành nghề khác. YHCT lại không thể làm giàu như BS Tây y mở phòng mạch tư. Bất chấp mọi sự phản đối, Phương Thảo vẫn kiên định với sở thích và lựa chọn của mình bởi: “Nghề y, dù Đông y hay Tây y đều đồng nghĩa với việc mang trên tay cơ hội cứu người, mang trong tim sứ mệnh giúp đời chứ không phải là phương tiện thương mại, kinh doanh”.

BS Phan Nguyên Huy của Đơn vị cột sống, Khoa Châm cứu dưỡng sinh, Bệnh viện YHCT Đà Nẵng, chia sẻ tâm sự của mình thông qua câu chuyện về vị BS người Hàn Quốc đã thu hút dư luận trong thời gian gần đây. Huy tiếc nuối khi vị BS kia dành cả đời chỉ để kiếm tiền, quay lưng, thờ ơ, vô cảm với bệnh nhân, chỉ muốn người bệnh ra khỏi phòng khám càng nhanh càng tốt và muốn được rời bệnh viện sớm nhất có thể để về làm việc tại phòng khám tư - nơi mang lại thu nhập chính. Và chỉ đến khi trở thành bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, phải chịu đựng nỗi đau khủng khiếp của những lần xạ trị và nhận sự chăm sóc đầy yêu thương của các đồng nghiệp trong bệnh viện, BS này mới thực sự hiểu và cảm nhận sâu sắc về nỗi đau của những bệnh nhân mình đã từng đối xử vô tâm. “Bài học mà vị BS người Hàn Quốc kia để lại đã quá rõ ràng, nghề y là nghề nhân đạo, nó không thể đặt song hành cùng tiền bạc, thương mại. May mắn được đào tạo thành một lương y, tôi cho rằng y đức, biết đồng cảm với người bệnh mới là điều quan trọng. Lời thề Hippocrates cần phải học thuộc bằng cả tâm hồn chứ không phải chỉ để tuyên thệ sau khi tốt nghiệp”, BS Phan Nguyên Huy nói.

Các BS tại Bệnh viện YHCT Đà Nẵng không chỉ nỗ lực để đạt kết quả học tập cao nhất mà còn tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội. Theo BS Phan Nguyên Huy “Thông qua những lần tình nguyện về các xã miền núi khó khăn, nơi điều kiện khám chữa bệnh là hoàn toàn không có. Chúng tôi hiểu hơn về những mảnh đời tận khổ. Từ đó, hun đúc thêm tình thương dành cho bệnh nhân cũng như thấy hết giá trị của những cây, lá thuốc có sẵn trong vườn nhà, nơi núi rừng - những vị thuốc quý nhưng không cần tốn tiền để có được”.

Khi được hỏi về lý do lựa chọn ngành YHCT, BS Nguyễn Thị Đại Vy vừa được bố trí về làm việc tại Bệnh viện YHCT Đà Nẵng, vui vẻ khoe về mơ ước được góp phần xây dựng nền y học kết hợp giữa y học hiện đại và y học cổ truyền, từ đó phát huy tối đa thế mạnh của y học dân tộc. Theo bạn, trong môi trường sống và làm việc có nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe như hiện nay, khi các bệnh nhiễm trùng đang có xu hướng giảm dần, bệnh không nhiễm trùng tăng dần thì việc chữa bệnh bằng phương pháp châm cứu, bấm huyệt, thuốc thảo dược… là rất tốt cho sức khỏe người dân.

Chương trình học 6 năm tại Trường Y dược Huế được đánh giá là vất vả, đặc biệt với con gái. Thế nhưng Nguyễn Phương Thảo vẫn tốt nghiệp loại giỏi, tham gia tích cực công tác đoàn hội và là sinh viên đầu tiên của Khoa YHCT được kết nạp Đảng. Còn bạn Nguyễn Thị Đại Vy là một trong 7 người được sang thực tập tại ĐH Y khoa Quảng Tây, Trung Quốc. Bạn cho rằng, sức trẻ là một ưu thế vô giá, nhờ đó mà bạn có thể trau dồi trình độ ngoại ngữ, tiếp cận được với nguồn tri thức vô tận của nhân loại mà không còn e ngại trước rào cản ngôn ngữ. “Hầu hết các nước trên thế giới phải mất từ 9 đến 10 năm mới đào tạo được một bác sĩ. Việt Nam chỉ có 6 năm, vì vậy, là một bác sĩ trẻ, mình luôn luôn tự nhắc nhở bản thân rằng, kiến thức lĩnh hội trong giảng đường mới chỉ là điểm khởi đầu. Mình cần phải học tập, nghiên cứu nhiều hơn nữa để không ngừng nâng cao tay nghề, y đức, để mang sở học ra phục vụ nhân dân”, Đại Vy chia sẻ.

Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng Kế hoạch - Tổ chức BV YHCT Đà Nẵng cho biết, BV vừa tiếp nhận 6 bác sĩ trẻ về làm việc theo diện thu hút và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố. Theo kế hoạch, trong năm 2015, bệnh viện sẽ tăng từ 102 giường lên 150 giường và triển khai thực hiện Bảo hiểm xã hội ban đầu.

Trong buổi báo cáo kết quả học tập của các BS mới ra trường hôm 23-7, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Bùi Văn Tiếng nhắn gửi: Những BS trẻ hãy mang theo chữ Nhẫn trên hành trình nuôi dưỡng hoài bão, y đức của mình để không bao giờ thoái lui hay vơi đi tình yêu nghề; dù trong thầm lặng vẫn tiếp tục làm lan tỏa sứ mệnh thiêng liêng, tinh thần cao đẹp của nghề nghiệp.

MAI CHI MAI

;
.
.
.
.
.