.

Hy vọng sẽ vươn xa

.

Mới đó mà đã 30 năm!

Nhanh thật!

Hồi nhà văn Nguyễn Văn Xuân còn sống, mỗi lần tôi về Đà Nẵng, ông thường rủ tôi đến nhà xuất bản (NXB) Đà Nẵng chơi. Và qua những lần đến lần đi, tôi được làm quen những mấy đời giám đốc, như Nguyễn Văn Giai, Vũ Văn Đáng, Trương Công Báo; mấy đời Tổng biên tập, như Đà Linh, Nguyễn Kim Huy… Thế nhưng, tôi chưa in ở NXB đầu sách nào, dù tôi đã viết và xuất bản tròm trèm 30 đầu sách.

Nhà văn Đà Linh (trái, đã mất) cùng nhà văn, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân (đã mất) đọc một sắc phong triều Nguyễn (tháng 7-1998). Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN
Nhà văn Đà Linh (trái, đã mất) cùng nhà văn, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân (đã mất) đọc một sắc phong triều Nguyễn (tháng 7-1998). Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN

Không đưa bản thảo đến NXB Đà Nẵng không phải vì tôi không tin đội ngũ biên tập, cũng không phải vì NXB Đà Nẵng là NXB địa phương. Thật ra, NXB Đà Nẵng là một trong những NXB có uy tín hiện nay trên thị trường sách. Từ những năm cuối thập niên 80 đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, tôi đã đọc được những cuốn sách chuyển ngữ do NXB Đà Nẵng ấn hành, như Đức Mẹ mặc áo choàng lông, Đoạn đầu đài… Đặc biệt, đọc xong 2 tập Đoạn đầu đài của Aitmatov, tôi phân vân dữ lắm. Chẳng lẽ, đây là chức năng dự báo của văn chương? Và quả thật như thế! Đúng như thế! Từ đó, tôi thấy “run tay” khi đặt bút xuống trang giấy trắng trước mặt.

Những năm sau này, tôi đọc được Trần Dần - Thơ, Ba người khác... Và cuốn nào cũng có chuyện lùm xùm, nếu người cầm chịch yếu bóng vía dễ đi bệnh viện như chơi. Nhưng với tư cách người đọc, tôi cảm ơn NXB Đà Nẵng đã cho tôi có cái nhìn khác về văn chương và tự nhắc mình mỗi khi ngồi vào bàn làm việc.

Tập Trần Dần - Thơ có những bài tôi không thích, nhưng có những bài mà chữ nghĩa cứ như bám vào da thịt mình, chứ không trơn tuột như nhiều bài thơ được gọi là hay.

Tôi khóc những
chân trời
không

người bay
Lại khóc những người bay
không có
chân trời

Tôi tin không ít người đọc cũng sẽ như tôi cứ thao thức về mấy câu chữ vừa dẫn. Rồi qua cuốn Ba người khác của Tô Hoài, tôi lại nhìn ra sự vô pháp vô thiên của nhân thế. Rồi cũng từ Ba người khác, tôi lại thấy sinh mệnh quả hết sức kỳ diệu. Con người không biết trân quý những thứ có trước mắt, đến khi mất mọi thứ, mới phát giác cái đã từng có quả là trân quý. Được rồi lại mất vốn khiến người ta khó tiếp thu, nhưng mất rồi lại được khiến người ta càng mừng rỡ, mà tuyệt diệu nhất lại là cái mà người ta lấy lại được không phải như trước mà sẽ dùng thái độ hoàn toàn mới để trân quý, giữ gìn dù sự vật trước đây không có gì đặc biệt cũng có thêm ý nghĩa mới mẻ…

Nói chung, NXB Đà Nẵng biết đánh giá tác phẩm văn chương và đã chọn cho độc giả những món ăn tinh thần vừa bổ ích vừa thú vị. Đôi lần, anh em đề nghị tôi đưa bản thảo đến NXB Đà Nẵng, tôi cũng thích lắm, nhưng không thể làm theo ý muốn, vì tôi chỉ là anh viết quèn, không thể quyết định được “số phận” đứa con tinh thần của mình. Lấy giấy phép ở NXB nào, in số lượng bao nhiêu, giấy tốt hay giấy xấu, bìa dày hay bìa mỏng, v.v… là do anh em làm sách quyết định cả. Kẻ cầm bút lèng phèng như tôi mà viết xong bản thảo đầu sách nào cũng được anh em làm sách nhận in ấn, phát hành, trả chút nhuận bút là thấy chút duyên chữ nghĩa của mình vẫn còn “kẻ đón người đưa”, thế là vui.

In tập thơ mỏng, tác giả có thể vận động bạn bè giúp đỡ kẻ ít người nhiều, chứ phần lớn những cuốn sách của tôi đều viết những mấy trăm trang, có cuốn gần cả ngàn trang, thì đào đâu ra tiền để cho đứa con tinh thần của mình chào đời. Nếu có tiền thì khi in sách rồi biết bán ở đâu; ký gửi các nhà sách thì biết đến bao giờ mới thu hồi được vốn, v.v… Trong lúc đó, chuyện làm ăn sao cho có lãi, sao cho tiền đẻ ra tiền thì tôi dốt đặc cán mai.

Mới rồi, NXB Đà Nẵng gợi ý tôi tập hợp những bài viết về văn hóa xứ Quảng để Nhà xuất bản ấn hành, tôi lấy làm lạ vì thời buổi này NXB đầu tư xuất bản không phải là nhiều. Và tôi đã cố gắng hoàn thành một cách tốt nhất trong khả năng cho phép, nhưng trong bụng cứ lo lo không biết NXB có thu hồi được vốn không. Nhuận bút chắc chắn không đủ chi phí cho tôi bay ra bay vào để hoàn chỉnh bản thảo; song trước cái tình của anh em, tôi cũng chẳng hề tính toán thiệt hơn. Tình là chính! Vui là chính! Đời người hữu hạn, mắc mớ chi bỏ cái vui, gánh cái bận tâm trên vai cho khổ. Và tôi hớn hở chờ ngày chào đón đứa con tinh thần ra đời trong dịp NXB Đà Nẵng kỷ niệm chặng đường 30 năm mang niềm vui đến với bạn đọc.

Bước qua cột mốc 30 năm, tôi tin NXB Đà Nẵng đủ bản lĩnh tập hợp được những cây bút yêu đời yêu người hội tụ về góp phần làm giàu cuộc sống tinh thần của nhân dân. Và với kinh nghiệm 30 năm được bạn đọc ủng hộ, tôi tin NXB Đà Nẵng sẽ vươn xa hơn, cụ thể là sách của NXB Đà Nẵng sẽ đến với bạn đọc Việt Nam ở nước ngoài, thậm chí còn có thể hợp tác xuất bản với các nước. Tại sao không? Trong công cuộc đổi mới của Việt Nam, Đại hội VII (1991), Hội nghị Trung ương 3 (khóa VII) và Đại hội VIII (1996) chúng ta đã liên tiếp đề ra và phát triển đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa với phương châm “Việt Nam muốn là bạn của tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển” nhằm mục tiêu “giữ vững hòa bình, mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác, tạo điều kiện quốc tế thuận lợi cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc đồng thời góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”. Tôi tin lãnh đạo NXB Đà Nẵng sẽ nghĩ như thế và mong NXB Đà Nẵng sẽ làm được như thế!

VU GIA

;
.
.
.
.
.