.

Chuyện "Lão Trọc"

.

Lão… 24 tuổi, tên thật là Nguyễn Hữu Pháp nhưng bạn bè thường gọi thân mật là “Lão Trọc”. Pháp vừa tốt nghiệp chuyên ngành Kiến trúc công trình, Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng, có “thâm niên” 2 năm làm Chủ tịch CLB thư pháp trẻ Đà Nẵng và đã sáng tác hàng trăm bức tranh thư pháp sáng giá.

“Lão Trọc” Nguyễn Hữu Pháp trong một lần “cho chữ” tại Huế.Ảnh: H.L
“Lão Trọc” Nguyễn Hữu Pháp trong một lần “cho chữ” tại Huế. Ảnh: H.L

Đam mê từ thuở lên 10

Năm Pháp học lớp 4, cậu bắt đầu đam mê vẽ tranh trong sách. Nhưng bước ngoặt trong cuộc đời Pháp không phải là những hình vẽ ngây ngô năm lớp 4, mà là lần theo chân người anh cùng xóm phụ vẽ nền tranh tường cho các quán cà-phê hè năm lớp 9. Những buổi vừa học vừa hành như thế khiến Pháp vô cùng thích thú.

Lên lớp 10, thông qua sự giới thiệu của người anh, cũng là người thầy dạy vẽ ấy, Pháp lần đầu tiên tự tay vẽ hoàn chỉnh một bức tranh tường cho quán cà-phê gần nhà. Bức tranh về phong cảnh nông thôn với mái nhà, dòng sông, đồi núi phía xa xa có chiều cao 2m, ngang 80cm. Tranh hoàn thành, Pháp được trả công 350.000 đồng. Pháp bắt đầu nghĩ tới ước mơ xa hơn, cao hơn, đó là trở thành một họa sĩ thực thụ.

Học hết lớp 12, Nguyễn Hữu Pháp vào học ngành Kiến trúc công trình, ĐH Kiến trúc Đà Nẵng. Những kiến thức học được như tỷ lệ vàng, màu sắc, hình khối… giúp tranh anh vẽ ra có bố cục hợp lý, màu sắc hài hòa, bắt mắt. Và, cũng ngay năm đầu tiên trên giảng đường đại học, Nguyễn Hữu Pháp có thêm đam mê mới là viết thư pháp.

Con đường trở thành “ông đồ trẻ”

Để sống với đam mê, Nguyễn Hữu Pháp lên mạng tìm hiểu các bộ chữ, tải về rồi viết theo nó. Khi vững các nguyên tắc viết thư pháp, cậu sáng tạo thêm nét mới để không trùng lặp chữ người đi trước. Chưa đầy một năm miệt mài như thế, Pháp mạnh dạn rủ thêm hai người bạn nữa mang giấy bút ra bờ sông Hàn ngồi “cho chữ”. Người đến nhờ Pháp “cho chữ” chủ yếu là khách du lịch ngắm cảnh sông Hàn về đêm và SV đang theo học tại một số trường đại học, cao đẳng trên địa bàn.

Thư pháp “Lão Trọc” được nhiều người biết đến kể từ khi anh được Ban tổ chức Festival Huế gửi giấy mời tham gia chương trình viết thư pháp tại lễ hội. Tại đây, Pháp vẽ một bức tranh đơn sắc miêu tả phong cảnh chùa Thiên Mụ ẩn hiện sau những lùm cây, kèm bài thơ (tác giả Ngọc Kim Long) được viết bằng nét thư pháp mềm mại, thanh thoát: “Huế buồn đứng lặng trong mưa/Hoàng thành một thuở tích xưa hãy còn/Hương Giang một chiếc thuyền con/Nam Ai điệu lý nỉ non xuôi dòng/Ngự Bình thấp thoáng ngàn thông/Tiếng chuông Thiên Mụ ru lòng nhẹ tênh”. Nhắc lại kỷ niệm này, Pháp nói: “Đó là cả một niềm tự hào vì mình được ngồi “cho chữ” cạnh những “ông đồ già” nhiều năm kinh nghiệm. Tham gia festival, em học thêm được nhiều điều từ các chú, các bác đi trước, từ đó dần hoàn thiện khả năng viết thư pháp của mình”.

Sự đặc biệt trong thư pháp của Nguyễn Hữu Pháp là anh không chỉ viết thư pháp một cách thuần thục mà còn vẽ tranh minh họa có nội dung phù hợp. Theo Hữu Pháp, thư pháp mang lại cho bạn đam mê, bạn bè, không gian chia sẻ, lời hay ý đẹp để cuộc sống của mình thêm phần ý nghĩa.

Khi CLB thư pháp trẻ Đà Nẵng thành lập ngày 1-6-2012, bạn bè nhất loạt bầu Nguyễn Hữu Pháp làm chủ nhiệm CLB. Cái tên “Lão Trọc” cũng gắn bó với Pháp từ thời gian này. Hiện CLB có 60 thành viên, phần lớn là SV các Trường ĐH Kiến trúc, ĐH Bách khoa, ĐH Sư phạm, ĐH Kinh tế, ĐH Duy Tân Đà Nẵng. Trong đó có khoảng 30 bạn trẻ viết thư pháp khá tốt, thường xuyên “cho chữ” ở các lễ hội. Không phải ai trong CLB thư pháp trẻ Đà Nẵng cũng là người biết viết thư pháp, nhiều bạn tham gia vì yêu cái đẹp trong thư pháp, yêu những câu thơ mang nhiều ý nghĩa, và thích làm quen, giao lưu sinh hoạt cùng bè bạn…

Thông thường, mỗi tối thứ 5 hằng tuần, CLB sẽ tập trung tại bờ sông Hàn để luyện chữ, cho chữ, giao lưu với mọi người qua đó nâng cao khả năng vẽ, viết thư pháp. Sau hơn 2 năm thành lập, CLB thư pháp trẻ Đà Nẵng tổ chức rất nhiều hoạt động như tặng thư pháp cho các mạnh thường quân, người hiến máu nhân đạo, viết thư pháp trên quạt giấy tri ân khách hàng, viết thư pháp tại đám cưới…

Dù viết ở điều kiện nào, các ông đồ, bà đồ trẻ đều mặc áo dài khăn đóng, đúng kiểu ông đồ xưa. “Lão Trọc” trăn trở: “Dù tổ chức được rất nhiều hoạt động thường xuyên, ý nghĩa nhưng đến nay CLB thư pháp trẻ Đà Nẵng vẫn chưa tìm được địa điểm sinh hoạt phù hợp. Ví như ở Sài Gòn có phố ông Đồ, Hà Nội có Văn miếu Quốc tử giám thì Đà Nẵng sân chơi này vẫn còn bỏ ngỏ chưa được các nhà quản lý văn hóa quan tâm, tạo điều kiện phát triển”.

HUỲNH LÊ

;
.
.
.
.
.