.

Ba mươi năm, một cung đường

.

Nhà Xuất bản Đà Nẵng, ba mươi năm, một cung đường, chắc cũng lắm vui buồn lẫn lộn. Song, 30 năm đồng hành là những gì của tự hào, trăn trở và quẫy đạp để vươn tới. Chúc mừng chàng trai “tam thập nhi lập”, sẽ tiếp tục có những công trình văn hóa xứng đáng với mong đợi của bạn đọc và quan tâm của các cấp.  

Gian hàng sách của NXB Đà Nẵng năm 2005.(Ảnh tư liệu)
Gian hàng sách của NXB Đà Nẵng năm 2005.(Ảnh tư liệu)

“Ba mươi năm ấy, biết bao nhiêu tình”, bắt chước người xưa, xin tập Kiều một câu để có đôi lời về sự phát triển của NXB Đà Nẵng. Ba mươi năm (1984-2014), kể từ ngày 8-8-1984, trên mảnh đất giàu truyền thống văn hóa của xứ Quảng, NXB Đà Nẵng ra đời. Ngày ấy, các NXB chỉ tập trung tại Hà Nội, thì việc xuất hiện của NXB Đà Nẵng xiết bao ý nghĩa, xiết bao sung sướng, xen lẫn tự hào, chứng tỏ sự lớn mạnh của đội ngũ sáng tác và cả đội ngũ quản lý.

Ba mươi năm qua, nhiều thế hệ lãnh đạo của tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng và ngày nay là thành phố Đà Nẵng đã góp phần vun xới, chăm nom, tạo nên sắc diện của một NXB địa phương. Có những thời điểm, nhiều đầu sách ngang tầm về nội dung và hình thức so với các NXB lớn ở Trung ương, được bạn đọc cả nước tín nhiệm.

 Ấn tượng gì về NXB Đà Nẵng? Câu hỏi ấy có thể trả lời, đấy chính là Bản sắc và đa dạng về lịch sử và văn hóa một vùng đất được xác lập qua từng chặng đường đi lên của NXB trong 30 năm xây dựng và trưởng thành.

Ba mươi năm qua, NXB Đà Nẵng đặc biệt chú ý đến việc phát huy bản sắc văn hóa vùng, vì thế, tác phẩm của nhiều khuôn mặt đẹp đẽ trong lịch sử và văn hóa của xứ Quảng đã lần lượt ra đời. Ý thức được rằng, vốn là một NXB địa phương, cái cần quan tâm và ưu tiên hàng đầu là chăm chút, là khai thác, là giới thiệu cho được những tinh hoa của địa phương, do vậy, càng về sau, ý thức này được nâng lên thành chiến lược lâu dài trong phương châm phát triển của lãnh đạo NXB qua các thời kỳ.  

Những tác phẩm, tuyển tập của các tác giả như Phạm Phú Thứ, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Duy Hiệu, Trần Quý Cáp, Lê Cơ, Lê Bá Trinh, Phan Thúc Duyện, Hoàng Hữu Nam, Lê Văn Hiến, Nguyễn Văn Xuân, Huỳnh Lý, Phan Tứ, Lâm Quang Thự, Phong trào Nghĩa hội, Phong trào Duy Tân… lần lượt  ra mắt bạn đọc. Có những bộ sách trên nghìn trang, sưu tầm tư liệu phong phú và công phu, đạt giải Vàng Sách Hay toàn quốc.

Tuyển tập Nguyễn Văn Xuân (1.010 trang, in năm 2002) phát hành vào dịp kỷ niệm 80 năm ngày sinh của nhà Quảng Nam học kiệt xuất. Sách chọn những tác phẩm đã tuyệt bản, vì thế, rất quý hiếm đối với bạn đọc. Tại tuyển tập này, chúng ta đến được Bão rừng (1956), Dịch cát (1966), Khi những lưu dân trở lại (1967), Hương máu (1969), Phong trào Duy Tân (1969)... Những tác phẩm, như đánh giá của giáo sư Trần Hữu Tá : “Nếu như Sơn Nam khai thác vùng đất cực Nam tổ quốc quen thuộc… thì Nguyễn Văn Xuân gắn bó chặt chẽ với vùng quê Quảng Nam thân thương của ông. Với sự hiểu biết sâu sắc về sử học, dân tộc học, xã hội học, ông đã làm sống dậy những sự kiện vang dội mà đau xót cũng như đã khắc họa thành công hình ảnh những con người ưu tú đất Quảng: Hoàng Diệu, Thái Phiên, Trần Cao Vân, các lãnh tụ Cần vương Nguyễn Duy Hiệu, Phan Bá Phiến…”.

Cùng năm, Tuyển tập Huỳnh Lý (2002) đã giới thiệu nhiều tác phẩm dịch, nghiên cứu, phê bình của Nhà giáo nhân dân, nhà nghiên cứu văn học xứ Quảng, một người suốt cuộc đời cống hiến không ngừng nghỉ cho sự phát triển của văn chương nước nhà. Tại đây, công trình đã nêu rõ những đóng góp lớn lao của Huỳnh Lý về lĩnh vực dịch thuật, một địa hạt làm nên tên tuổi của ông trong việc quảng bá văn học phương Tây vào Việt Nam. Đó là các bản dịch: Bản án chế độ thực dân Pháp của Nguyễn Ái Quốc, Eugenie Grandet của H. de Balzac Ngụ ngôn của La Fontaine, Những người khốn khổ của V.Hugo…

Trân trọng hơn, vào năm 2005, sau một thời gian dài sưu tầm, khảo cứu, hiệu đính, một bộ sách quý Phan Châu Trinh toàn tập, gồm 3 tập, dày 2.317 trang, có kèm phần chữ Hán của cụ Phan được công bố. Đây là bộ sách đầy đủ nhất, phong phú nhất, vừa kế thừa công trình của nhiều người đi trước vừa bổ sung những tư liệu mới sưu tầm được tại các sở lưu trữ của Pháp, tạo cơ sở cho việc đánh giá toàn diện về sự cống hiến xuất sắc của nhà yêu nước Phan Châu Trinh.

Năm 2005, thêm một dấu son, khi tập sách Lâm Quang Thự, Người con xứ Quảng, 1.092 trang ra đời. Tập sách cho ta cái nhìn về “một trí thức yêu nước, tham gia cách mạng rất sớm, sớm trở thành một chiến sĩ cộng sản, sống thủy chung với dân với nước, trung thành với Đảng cho đến khi từ biệt thế giới này” (Nguyễn Đình An, Lời tựa, trang 7). Người đời nhận ra chân dung người con ưu tú xứ Quảng, cống hiến không mệt mỏi cho dân, cho nước. Đặc biệt, qua những trang nhật kí, Lâm Quang Thự ghi lại khá sinh động những hoạt động của Quốc hội trong những năm chiến tranh và bão lửa dữ dội của đất nước, giúp chúng ta hình dung về trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội trong một giai đoạn lịch sử khó quên của dân tộc.

Và, làm nên ấn tượng sâu rộng với bè bạn trong nước, tuyển được nhiều tác phẩm quý của cụ Huỳnh, đấy chính là công trình Huỳnh Thúc Kháng - tuyển tập (2010) do Chương Thâu và Phạm Ngô Minh sưu tầm, biên soạn đạt giải Vàng “Sách Hay” - Hội Xuất bản Việt Nam trao tặng năm 2011. Giáo sư Văn Tạo có Lời giới thiệu trang trọng. Sách dày 1.807 trang. Cho đến nay, có thể khẳng định, chưa có công trình nghiên cứu nào thu thập tương đối toàn diện văn nghiệp Huỳnh Thúc Kháng như tuyển tập này.

Gần đây hơn, lần đầu tiên, bộ sách Phạm Phú Thứ toàn tập, một công trình đồ sộ hai tập, dày 2.600 trang dịch, in đầy đủ hai bộ di thảo của cụ Phạm. Đó là Giá Viên toàn tậpGiá Viên biệt lục (Nhật ký đi Tây, đã được NXB Đà Nẵng in ấn năm 1999). Bộ sách do Ban biên soạn, gồm: Phạm Ngô Minh (Chủ biên), PGS-TS Chương Thâu, Nguyễn Kim Nhị, Phạm Phú Viết, Trần Ngọc Tuấn; được dịch thuật, bổ sung, khảo dị, hiệu đính công phu, đáng tin cậy. Trong lời Tựa, PGS-TS Chương Thâu viết: “… Khi cầm bộ sách này trong tay thì hình ảnh cụ Phạm không còn bị khuất trong lớp sương mù thời gian mà hiện ra rờ rỡ, rõ ràng trước mắt chúng ta, với một tâm thế mới… chứa đựng tư tưởng cải cách sâu sắc về mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội, giáo dục, ngoại giao”. Từ những trang sách của Phạm Phú Thứ, từ những tư tưởng canh tân, cải cách đầy thao thức và tâm huyết của Cụ, ta càng hiểu thêm về sự nối dài của Phong trào Duy Tân đầu thế kỷ XX của Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp…     

Các bộ sách ảnh phong phú, sưu tầm được những ảnh tư liệu quý giá, phản ánh các mặt sinh hoạt của một vùng đất, ra đời vào các dịp kỷ niệm những sự kiện của thành phố, bạn đọc xa gần rất hoan nghênh. Chẳng hạn, Đà Nẵng, xưa và nay (1998), Ảnh nghệ thuật Đà Nẵng (2007), Sóng Thu Bồn-Trần Phước Chính (2010), Đà Nẵng xưa (2012), Đà Nẵng, Dấu ấn thời gian (2014) …

Điều mà ai cũng thừa nhận và khâm phục, chính là,  ngần ấy năm, từ lãnh đạo đến đội ngũ biên tập viên, qua năm tháng miệt mài, bất chấp khó khăn, thì cũng ngần ấy những viên ngọc quý về thân thế và sự nghiệp của những tài năng xuất chúng và nhân cách cao đẹp của xứ Quảng lần lượt ra đời, được bạn đọc các giới đánh giá cao. Nói rằng, bản sắc đất và người xứ Quảng được tô đậm, khẳng định trên nhiều lĩnh vực, nhiều phương diện, thì công lao đó phải nói đến NXB Đà Nẵng. Nhiều thế hệ lãnh đạo có hướng đi, định hướng đúng đắn cho NXB, đó là phối hợp với tác giả, nhóm biên soạn, nhóm chủ biên để công bố các công trình về địa lý, lịch sử, văn hóa, khảo cổ học, dân tộc học của Quảng Nam và Đà Nẵng.

Không phải NXB địa phương nào cũng tạo được sự tin cậy từ những tác giả nổi tiếng trong cả nước, gửi gắm đứa con tinh thần của mình cho NXB Đà Nẵng. Nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu như Tố Hữu, Tô Hoài, Nam Cao, Phan Khôi, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Huy Cận, Tế Hanh, Nguyên Ngọc, Phan Tứ, Vũ Hạnh, Khương Hữu Dụng, Vũ Tú Nam, Nguyễn Chí Trung, Nguyễn Khắc Viện, Hữu Ngọc, Hoàng Phê, Phan Ngọc, Trinh Đường, Hoàng Châu Ký, Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Đăng Mạnh, Nguyễn Khắc Phi, Trần Đình Sử, Đặng Nghiêm Vạn, Hoàng Trinh, Thanh Thảo, Đông Trình, Thanh Quế… đều có tác phẩm được in từ NXB Đà Nẵng. Nhiều tác giả trẻ, công trình đầu tay, đến với bao bạn đọc cũng từ nơi đây mà ra.

Ba mươi năm, một cung đường, chắc cũng lắm vui buồn lẫn lộn. Song, 30 năm đồng hành là những gì của tự hào, trăn trở và quẫy đạp để vươn tới. Chúc mừng chàng trai “tam thập nhi lập”, sẽ tiếp tục có những công trình văn hóa xứng đáng với mong đợi của bạn đọc và quan tâm của các cấp.  

HUỲNH VĂN HOA

;
.
.
.
.
.