.

Ươm mầm những tài năng

.

Đằng sau những thành công của các ca sĩ, nghệ sĩ đứng trên sân khấu là sự âm thầm dìu dắt, định hướng, truyền ngọn lửa yêu nghề của những người thầy, người cô một đời gắn mình với đời sống âm nhạc Đà Nẵng.

Nguyễn Phương Uyển Nhi là một trong những học trò theo học thanh nhạc cùng thầy Phạm Quang Trung từ ngày còn học mẫu giáo.  Ảnh: H.L
Nguyễn Phương Uyển Nhi là một trong những học trò theo học thanh nhạc cùng thầy Phạm Quang Trung từ ngày còn học mẫu giáo. Ảnh: H.L

Ngôi nhà của tuổi thơ

Qua 30 năm xây dựng và trưởng thành, Nhà Thiếu nhi Đà Nẵng được đánh giá là ngôi nhà của tuổi thơ, nơi ươm mầm những tài năng của thành phố. Ông Nguyễn Nhẫn, Giám đốc Nhà Thiếu nhi Đà Nẵng cho biết, ngoài những lớp học năng khiếu thường xuyên trong năm, trong mỗi dịp hè, Nhà Thiếu nhi Đà Nẵng tiếp nhận khoảng 2.000 học sinh các cấp đến sinh hoạt và học tập, với gần 30 bộ môn năng khiếu, nghệ thuật, thể dục thể thao, tin học, ngoại ngữ. Trong đó có các lớp năng khiếu nghệ thuật như đàn piano, đàn guitar, đàn tranh, đàn violon, đàn mandolin, các lớp thanh nhạc…

Cũng từ đây, nhiều thế hệ ca sĩ, nghệ sĩ đã trưởng thành như Cao Minh Đức, Tường Vân, Phương Ngọc, Hoài Anh, Hoài Phương, Kasim Hoàng Vũ, Hoàng Hà, Mỹ Tâm, Thục Nhi, Hoàng Quyên, Ngọc Diệp. Nhiều gương mặt nhí đang được yêu thích hiện nay như Bội Trân, Thùy An, Như Thủy, Tú Uyên, Uyển Nhi, Ngọc Ánh…

Nhiều năm qua, trong các chương trình ca múa nhạc, liên hoan hội hè do Thành đoàn Đà Nẵng tổ chức, ít khi nào vắng bóng Đội văn nghệ Vàng Anh của Nhà Thiếu nhi Đà Nẵng. Sinh hoạt trong môi trường đong đầy lời ca, tiếng hát đã đẩy niềm đam mê âm nhạc của các bạn nhỏ lên cao. Từ khi thành lập đến nay, Đội văn nghệ Vàng Anh đã gặt hái nhiều giải thưởng cao trong các hội thi, hội diễn văn nghệ do Hội đồng đội Trung ương tổ chức như Liên hoan ca múa nhạc Búp Sen hồng, Hội thi Tuyên truyền măng non, Liên hoan các Nhà thiếu nhi toàn quốc.

Nhạc sĩ Phạm Quang Trung, dạy thanh nhạc tại Nhà Thiếu nhi Đà Nẵng từ năm 1987 nói rằng đây là môi trường tốt để các em phát triển năng khiếu. Nhạc sĩ Phạm Quang Trung nhớ lại: “Trong các thế hệ học trò thanh nhạc của tôi, có lẽ Tâm là người gặt hái nhiều thành công nhất. Lần Tâm về thăm lại trường xưa, em đã hát bài “Điệu lý cây bông”, ca khúc từng cùng đội Vàng Anh dự thi Búp Sen hồng. Chỉ như thế thôi cũng đủ làm ấm lòng những người thầy, người cô một thời dìu dắt, nâng đỡ Tâm như chúng tôi”.

Nơi âm nhạc thăng hoa

Những năm gần đây, đời sống âm nhạc ở thành phố Đà Nẵng có nhiều đổi thay theo chiều hướng tích cực. Bên cạnh đầu tư trong lĩnh vực sáng tác, nhiều “lò” đào tạo thanh nhạc, nhạc cụ được mở ra do các Hội viên Hội Âm nhạc TP. Đà Nẵng đứng lớp. Trong đó, “lò” đào tạo thanh nhạc tại nhà nhạc sĩ Phạm Quang Trung được nhiều người đánh giá là hoạt động khá hiệu quả, tập trung nhiều học viên thật sự có năng khiếu.

Sau khi nghỉ việc tại Nhà Thiếu nhi Đà Nẵng năm 2011, nhạc sĩ Phạm Quang Trung dành toàn bộ thời gian đào tạo khoảng 30 học trò tại nhà riêng nằm trên đường Nguyễn Tất Tố. Anh chia sẻ: “Việc luyện thanh nhạc không dễ, các em phải tập lấy hơi, mở thanh quản, phát âm, luyện âm... Dù công việc giảng dạy khá vất vả nhưng các em đã giúp tôi thăng hoa trong đời sống âm nhạc, khơi dòng cảm xúc, bắt nhịp với thị hiếu âm nhạc để có những sáng tác phù hợp”.

Trong số học trò ưu tú của nhạc sĩ Phạm Quang Trung, phải kể đến Nguyễn Phương Uyển Nhi, thí sinh 15 tuổi đang dự thi Giọng hát Việt nhí (The Voice Kids) 2014 tại TP. Hồ Chí Minh. Trong vòng giấu mặt, với bài Sir Duke, Uyển Nhi đã khoe được giọng hát khỏe khoắn, đầy nội lực. Em được ban giám khảo đánh giá có khả năng bắt nhịp tốt, thuộc bài nhanh và hát tốt những quảng cao. Trong cuộc trả lời phỏng vấn bên lề hội thi, Uyển Nhi nhiều lần gửi lời cảm ơn đến nhạc sĩ Phạm Quang Trung, người thầy tận tụy dạy thanh nhạc cho Nhi từ thời theo học tại Trường Mẫu giáo 19-5 đến giờ.

Tham gia công tác giảng dạy violon tại Trường Trung học văn hóa nghệ thuật từ năm 1987, nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiếu, Trưởng bộ môn âm nhạc cơ bản luôn trăn trở học viên theo học violon ở trường hiện khá ít nhưng khi ra trường rất khó kiếm việc làm ổn định. Các em chỉ tham gia biểu diễn ở các phòng trà, bar nhỏ. Theo anh Hiếu, với những người tham gia hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật thì 70% thành công phụ thuộc vào năng khiếu, 30% phụ thuộc vào các yếu tố khác như sự giúp đỡ từ thầy giáo hay môi trường làm việc.

Ngoài giảng dạy tại trường, nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiếu còn mở lớp đào tạo violon tại nhà, thường xuyên giảng dạy cho khoảng 20 học viên đang là học sinh, sinh viên. Học âm nhạc rất khó, đặc biệt là bộ môn violon rất cần sự kiên nhẫn và năng khiếu thật sự. Tâm lý người học violon xem đây là thú vui lành mạnh, thỏa mãn niềm đam mê âm nhạc chứ không phải học với mục đích phát triển tài năng, gắn bó lâu dài. Điều đó khiến một người thầy nhiều năm dạy violon như anh nhận thấy công tác đào tạo của mình chưa thật sự hiệu quả.

Hiện các “lò” luyện thanh, đào tạo nhạc cụ ở Đà Nẵng hoạt động chủ yếu trên cơ sở tự phát. Tuy nhiên, nhạc sĩ Trần Ái Nghĩa, Chủ tịch Hội Âm nhạc TP. Đà Nẵng khẳng định, có cầu ắt có cung, nhất là khi nhu cầu học các bộ môn năng khiếu liên quan đến lĩnh vực âm nhạc ở Đà Nẵng rất lớn, tập trung từ 6 đến 25 tuổi. Cũng từ những “lò” này, nhiều tài năng được phát hiện, bồi dưỡng đi theo con đường ca hát chuyên nghiệp, hay trở thành những nhạc công, nhạc sĩ mang tâm huyết, tài năng của mình phục vụ sự phát triển của thành phố.

HUỲNH LÊ

;
.
.
.
.
.