.

Sự bất tử của nghệ thuật

.

Vào cuối năm 2005, khi John Guy và tôi cùng khảo sát di tích Sambor Prei Kuk-một khu đền-tháp Ấn Độ giáo nổi tiếng bằng gạch xây dựng từ thế kỷ 7-11, từng được xem là kinh đô Isanapura của Chân Lạp, nay thuộc tỉnh Kompong Thom, Campuchia; John có nói với tôi về ý định tổ chức một cuộc triển lãm nghệ thuật các vương quốc cổ đã mất ở Đông Nam Á (ĐNA), khi đó ông còn là quản thủ của  Bảo tàng Victoria & Albert tại London.

Từ năm 2008, ông được mời về làm quản thủ của Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan (Met) ở New York, một trong những bảo tàng lớn nhất của nước Mỹ, sưu tập tất cả các nền nghệ thuật nổi tiếng trên thế giới. Tuy nhiên bộ sưu tập về nghệ thuật ĐNA của bảo tàng này không được phong phú lắm. Vì thế, khi John Guy phụ trách mảng nghệ thuật Nam Á và ĐNA của Met thì ông có cơ hội thực hiện ngay cuộc triển lãm lớn này.(1)

Phù điêu Visnu Anatasayin-Giáng sinh Brahma, nghệ thuật Khmer (sa thạch, cao 63 cm, rộng 158 cm, dày 28 cm), xuất xứ miền tây Campuchia,  thế kỷ 7-8.
Phù điêu Visnu Anatasayin-Giáng sinh Brahma, nghệ thuật Khmer (sa thạch, cao 63 cm, rộng 158 cm, dày 28 cm), xuất xứ miền tây Campuchia, thế kỷ 7-8.

ĐNA cổ đại bao gồm nhiều vương quốc như Pyu ở Myanmar (Miến Điện), Dvaravati (Thái Lan), Phù Nam (Nam Việt Nam), Chân Lạp (Kampuchia), Champa (Trung Việt Nam), Sri Vijaya (Malaysia/Indonesia), v.v… Đây là những vùng đất mà các thương nhân Ấn Độ gọi là Đất Vàng (Suvarnabhumi) vì nơi đây có rất nhiều mỏ vàng phong phú cùng với nguồn lâm sản đa dạng.

Vào những năm 1940, thuật ngữ “Ấn Độ hóa” (Indianization) được đề xuất bởi học giả nổi tiếng người Pháp George Coedes, để gọi các vương quốc cùng chịu ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ ở ĐNA ngày nay; còn các học giả Ấn Độ đương thời, như Ramesh C. Majumdar,  thì gọi chung vùng này là Đại Ấn (Greater India). Thật ra, trước đó vào năm 1933, Paul Mus đã nhận thấy những yếu tố bản địa của tục thờ vạn vật hữu linh (anamism) nổi bật trong những tín ngưỡng du nhập từ Ấn Độ, chẳng hạn tục thờ yaksa (thổ thần) hoặc naga (rắn thần) giữ một vai trò quan trọng trong tín ngưỡng bản địa.

Cho nên tôn giáo Phạn hóa của Ấn Độ và hệ thống thần linh của nó đã được cấy ghép một cách hoàn hảo bởi những tín ngưỡng bản địa của ĐNA như đã từng xảy ra ở chính đại lục Ấn Độ. Sức sống bền bỉ của những truyền thống bản địa minh  chứng rằng một sự bản địa hóa mạnh mẽ đã chiếm ưu thế tại vùng này. Khởi từ những năm 1970, cùng với Oliver Wolters, các học giả khác về ĐNA đã đề xuất những mô hình mới để mô tả quá trình chuyển biến văn hóa này - các mô hình này hàm chứa những ý nghĩa giảm bớt tính chất “thực dân hóa văn hóa”; chẳng hạn, “dung hóa văn hóa” (acculturation) hay “tiếp biến văn hóa”  hoặc “bản địa hóa văn hóa” để chỉ quá trình tiếp nhận văn hóa Ấn Độ tại các vương quốc sớm ở ĐNA.

Visnu Anantasayin- Giáng sinh Brahma, nghệ thuật Chàm, xuất xứ tháp Mỹ Sơn E1, Quảng Nam, thế kỷ 7-8 (sa thạch cao 115 cm, rộng 240 cm,  dày 30 cm).Ảnh: Bảo tàng Met
Visnu Anantasayin- Giáng sinh Brahma, nghệ thuật Chàm, xuất xứ tháp Mỹ Sơn E1, Quảng Nam, thế kỷ 7-8 (sa thạch cao 115 cm, rộng 240 cm, dày 30 cm).Ảnh: Bảo tàng Met

Ngày nay, giới học thuật đều đồng thuận rằng những ảnh hưởng của Ấn Độ đã được tiếp biến một cách chọn lọc bởi những hệ thống chính trị đa trung tâm được kết hợp bởi nhiều tiểu vương quốc trong vùng. Sự tiếp biến văn hóa Ấn Độ tại ĐNA đã diễn ra trong suốt cả một quá trình của đối thoại và tái tạo liên tục. Chẳng hạn, khái niệm về vương quyền của Ấn Độ đã được khoát một bộ mặt rất khác biệt tại ĐNA; chỉ riêng các phong cách nghệ thuật mà thôi cũng đã hiển lộ được những thành tố nổi bật của hoàng gia cho thấy rằng họ đã đạt được tư chất thẩm mỹ phi-Ấn một cách rõ rệt.

Sự giao thương giữa đại lục Ấn Độ và ĐNA đã xảy ra vào những thế kỷ trước CN, trong các di chỉ khảo cổ học nổi tiếng của văn hóa Sa Huỳnh tại miền Trung Việt Nam hay tại di chỉ Khao Sam Kaeo hoặc Bản Đôn Tà Phẹt của Thái Lan, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy rất nhiều di vật có nguồn gốc từ đại lục Ấn Độ, nổi bật là đá quý, mã não và hạt cườm… dùng làm trang sức cho tầng lớp thượng lưu quý tộc trong các xã hội thời sơ sử trong vùng. Nhưng, sự tiếp thu văn hóa Ấn Độ chỉ thực thụ xảy ra tại ĐNA vào khoảng nửa thiên niên kỷ đầu của CN, còn những tác phẩm nghệ thuật tôn giáo thì chỉ xuất hiện trong vòng thế kỷ 5.

Bức chạm Mỹ Sơn E1 của nghệ thuật Chàm bộc lộ mỹ cảm riêng của mỗi nền nghệ thuật, có đôi nét khác biệt: Visnu chỉ có hai tay nằm thiền định trên đại dương vũ trụ, ngài cũng được hộ trì bởi rắn chúa Ananta và cũng được sinh ra từ  đóa sen mọc lên từ rốn Visnu, nhưng hình tượng Brahma được nhấn mạnh bằng cách thể hiện cao lớn hơn vượt lên trên vòm cuốn.

Các thủ lĩnh địa phương đã sử dụng những mẫu hình du nhập từ Ấn Độ để củng cố địa vị và gia tăng quyền lực của họ: vào thế kỷ 5 đã xuất hiện lời thỉnh nguyện khắc bằng tiếng Phạn (Sanskrit) dâng lên thần Visnu, là đấng bảo hộ của vương quyền. Đó là những chứng cứ chính thức đầu tiên ghi nhận về việc gắn kết giữa các thủ lĩnh địa phương với những tôn giáo mới. Họ bắt đầu tự xưng vương hiệu bằng tiếng Phạn, bộc lộ sự đồng nhất cá nhân nhà vua với các vị thần Bà-la-môn; và bảo trợ cho các nghi lễ Bà-la-môn để cầu xin thịnh vượng và củng cố quyền lực. Điều này thể hiện rõ trong minh văn của vua Champa Bhadravarman hay Phạm Hồ Đạt dựng tại Mỹ Sơn vào cuối thế kỷ 4-5; trong đó nhà vua đã kết hợp tên riêng của ngài vào thần Siva-đấng bảo hộ vương quyền, để thờ phượng linga-Bhardesvara tại thánh đô hoàng gia này.

Nhìn chung, giai đoạn tiếp nhận giáo lý của đạo Bà-la-môn hay đạo Phật thường có trước khi tiếp nhận hình tượng tôn giáo. Vài pho tượng Visnu tìm thấy tại miền Nam Thái Lan và những pho tượng Phật bằng gỗ, có kích thước lớn, bị chìm dưới nước của văn hóa Phù Nam tìm thấy tại đồng bằng sông Cửu Long vào khoảng cuối thế kỷ 5 - 6, được xem là những hình tượng tôn giáo sớm nhất mang những yếu tố bản địa đã xuất hiện ở ĐNA.

Trong cuộc triển lãm  Cuộc hội ngộ các nền nghệ thuật của những vương quốc đã mất ở ĐNA tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, New York(2) tổ chức từ 14-4 đến 27-7-2014, Bảo tàng Điêu khắc Chăm- Đà Nẵng được tuyển chọn và mời tham dự 5 tác phẩm. Trong số này, có bức phù điêu Visnu Anatasayin- Giáng sinh thần Sáng tạo Vũ trụ Brahma, của ngôi đền Mỹ Sơn E1. Chủ đề thần thoại này rất phổ biến ở Ấn Độ, nhưng khi xuất hiện tại ĐNA, đặc biệt trong nghệ thuật Chàm và Khmer, thì ngôn ngữ diển đạt của mỗi nền nghệ thuật đều khác nhau từ bố cục, hoa văn trang trí cho đến thủ pháp đặc tả nhân dạng và những chi tiết tạo hình. Chủ đề này hầu hết đều xuất hiện trong thế kỷ 7- 8- thời hưng thịnh của các vương quốc Champa và Chân Lạp trong bối cảnh của một nền hải thương quốc tế rất thịnh đạt kết nối giữa Trung Á, Nam Á và Đông Á.

Với 170 tác phẩm có niên đại từ thế kỷ 5 - 8, cuộc triển lãm này trưng bày những phát hiện mới về kiến trúc và điêu khắc tại ĐNA; nó được giới học thuật đánh giá là đã đóng góp những kiến thức cơ bản nhất để tìm hiểu về các vương quốc huyền thoại đã mất trong vùng.

Gặp nhau ở Đà Nẵng hồi đầu năm ngoái khi ông đến mượn hiện vật của Bảo tàng Điêu khắc Chăm, John Guy nói với tôi rằng: “…Cuộc triển lãm này nhằm giới thiệu với công chúng Mỹ về những nền nghệ thuật độc sáng và đa dạng của Đông Nam Á, qua đó nêu lên được một mối quan hệ sâu đậm giữa các vương quốc cổ trong vùng đã hình thành từ rất sớm trong lịch sử; cư dân ở đây thuộc chung một đại gia đình ngôn ngữ  là Nam Á (Austro-Asiatic) và Nam Đảo (Austronesian); họ là những dân tộc đồng văn đồng chủng; ngày nay, những cá tính nghệ thuật đó đã tạo nên những sắc thái văn hóa đa dạng để cùng xây dựng sự hiểu biết và mối quan hệ láng giềng trong một khối ASEAN đang phát triển…”.

Bố cục nổi bật với hình tượng Visnu có bốn tay (hai tay bên phải, một tay gối đầu, một tay duỗi thẳng; hai tay bên trái, một tay xuôi dọc theo thân, một tay nắm cuống sen) nằm trên rắn Ananta (tượng trưng cho sự bất diệt); Brahma được sinh ra từ một tòa sen mọc lên từ rốn của Visnu. Bức chạm có chủ đề này trong nghệ thuật Khmer thường được so sánh với bức chạm Mỹ Sơn E1 của nghệ thuật Chàm có cùng niên đại.

TRẦN KỲ PHƯƠNG


(1) John Guy (chủ biên), Lost Kingdoms: Hindu-Buddhist Sculpture of Early Southeast Asia, The Metropolitan Museum of Art, New York, 2014.

(2) Thông tin về cuộc triễn lãm này có thể xem tại địa chỉ:

;
.
.
.
.
.