.
Phương hay Thuốc quý

Phương pháp cấy chỉ

.

Từ ngày 14-7-2014, thực hiện Đề án 1816, Bệnh viện Tuệ Tĩnh thuộc Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam phối hợp với Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng triển khai đơn vị Nhu châm (hay còn gọi Cấy chỉ) để chữa bệnh tại khoa Châm cứu - Dưỡng sinh.

Hình ảnh thực hiện thủ thuật cấy chỉ trên bệnh nhân giảm thính lực.
Hình ảnh thực hiện thủ thuật cấy chỉ trên bệnh nhân giảm thính lực.

Cấy chỉ là một phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc, bao gồm chôn chỉ, vùi chỉ, xuyên chỉ. Đây là một phương pháp châm cứu mới, hiện đại, áp dụng tiến bộ của khoa học kỹ thuật trên cơ sở kế thừa những lý luận và kinh nghiệm của châm cứu cổ truyền.

Bằng kỹ thuật châm cứu với loại kim châm chuyên dụng và vô trùng, cấy chỉ là phương pháp đưa chỉ catgut (chỉ tự tiêu) vào huyệt đạo châm cứu của hệ kinh lạc để duy trì sự kích thích lâu dài, qua đó tạo tác dụng điều trị như châm cứu. Chỉ catgut đưa vào cơ thể  như  một dị nguyên kích thích cơ thể sản sinh ra kháng thể bao vây không đặc hiệu làm thay đổi cách đáp ứng miễn dịch nên không xuất hiện các triệu chứng dị ứng. Mặt khác, cấy chỉ vào huyệt vị có tác dụng làm tăng protein, hydratcarbon và tăng chuyển hóa dinh dưỡng của cơ, nhờ có kích thích liên tục ở huyệt vị mà cải thiện tuần hoàn máu, tăng trương lực các sợi cơ.

Theo y học hiện đại, cấy chỉ cũng như châm cứu là một kích thích gây ra cung phản xạ mới có tác dụng ức chế và phá vỡ cung phản xạ bệnh lý. Theo y học cổ truyền, khi có bệnh tức là mất cân bằng Âm - Dương, rối loạn hoạt động bình thường của hệ kinh lạc, cấy chỉ có tác dụng điều hòa Âm - Dương và điều hòa cơ năng hoạt động của hệ kinh lạc.

Cấy chỉ có nhiều ưu điểm vượt trội so với châm cứu thông thường như: phát huy tối đa tính năng của châm cứu nhờ tác dụng liên tục và kéo dài; tiết kiệm được thời gian, người bệnh không cần phải đến cơ sở y tế để châm cứu mỗi ngày; tiết kiệm được chi phí điều trị.

Chỉ định chung: Bệnh nhân có bệnh mạn tính sau liệu trình điều trị bằng châm cứu, ra viện chờ liệu trình điều trị tiếp theo; bệnh nhân có bệnh mạn tính không có điều kiện đi châm cứu thường xuyên.

Những bệnh nên áp dụng điều trị bằng cấy chỉ: Hen phế quản, viêm mũi dị ứng, viêm xoang dị ứng, ho kéo dài do dị ứng, kích ứng; liệt dây thần kinh số VII ngoại biên, di chứng tai biến mạch máu não, bại não trẻ em, liệt các dây thần kinh...; đau như đau đầu, đau vai gáy, đau lưng, đau thần kinh tọa, thoái hóa cột sống, viêm quanh khớp vai, đau các khớp,...; suy nhược thần kinh, mất ngủ...

Những mặt bệnh không nên thực hiện thủ thuật cấy chỉ: Người bệnh đang sốt; tăng huyết áp cấp cứu; phụ nữ có thai; bệnh nhân có chống chỉ định về châm cứu; bệnh nhân dị ứng với chỉ catgut.

Cần lưu ý: Thủ thuật cấy chỉ tương tự như tiểu phẫu, chỉ được thực hiện bởi các thầy thuốc chuyên khoa và tại phòng vô trùng mới bảo đảm không gây tai biến cho người bệnh.

BS NGUYỄN KIM DIỆU

;
.
.
.
.
.