.
Phương hay Thuốc quý

Mát-xa lửa hay Hỏa long cứu?

.

Tuần qua, tv.vtc.vn và một số trang mạng khác có đăng tải thông tin “kiểu chữa bệnh kỳ quặc chưa từng thấy đang gây xôn xao Trung Quốc”. Kèm theo đó là đoạn video gần 2 phút “Massage  (mát-xa) lửa - liệu pháp chữa bệnh kỳ lạ ở Trung Quốc” đã trình chiếu trên kênh VTC14. Thực hư của liệu pháp này như thế nào?

Từ một video xôn xao dư luận…

Theo phóng sự truyền hình này thì gần đây các trang blog lan truyền tin tức, hình ảnh về một phương pháp chữa bệnh mới bằng cách đốt lửa trên người. Theo thuyết minh thì dù chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy phương pháp này hiệu quả, nhưng “nhà trị liệu bằng lửa” Trương Phong Hào trong phóng sự nói rằng mát-xa lửa rất có ích cho sức khỏe, là phương pháp kết hợp Đông y truyền thống Trung Quốc như xoa bóp bấm huyệt với dùng thuốc của người phương Tây, có thể trị bách bệnh, từ giải tỏa stress, trầm cảm đến chữa vô sinh, ung thư, đặc biệt là các bệnh tiêu hóa.

Bí quyết phương pháp này nằm ở “sợi dây thuốc” là “sợi dây thừng” đặc biệt ngâm với các loại thảo mộc. “Dây thuốc” (thực chất là dải vải lụa tẩm dung dịch rượu thuốc hoặc bột thuốc trộn nhão đắp lên) sẽ được đặt lên các vùng cơ thể theo ý muốn bệnh nhân, nhân viên săn sóc sẽ đặt lên đó một lớp bọc nhựa để ngăn chặn sự thoát hơi nóng trong quá trình ngọn lửa bốc lên ngùn ngụt trên bề mặt một tấm khăn có tẩm cồn để đốt. Một lần điều trị có thể kéo dài đến 30 phút.

Cũng theo phóng sự này, kể từ khi xuất hiện, dư luận Trung Quốc đặc biệt là giới trẻ liên tục có những bình luận mang tính diễu cợt cách thức chữa bệnh này. Tuy nhiên với những người không đủ khả năng cho những khoản viện phí đắt đỏ ở bệnh viện hay do hạn chế về nhiều mặt, họ vẫn tìm đến phương pháp trị liệu nói trên theo kiểu “có bệnh thì vái tứ phương”. Ngoài ra số người tìm đến để thỏa mãn tính hiếu kỳ cũng không ít.

Một cách hiểu đúng về Hỏa long cứu…

Tôi đã xem đi xem lại nhiều lần video nói trên, và có thể khẳng định mát-xa lửa là biến tướng của phương pháp Hỏa long cứu (hay tốc cứu) mà tôi đã nghiên cứu ứng dụng và phổ biến lần đầu trên tạp chí Cây Thuốc Quý từ năm 2008, và gần đây đã được triển khai chữa bệnh tại Bệnh viện Y học cổ truyền (YHCT) Đà Nẵng. Điều khác biệt là Hỏa long cứu chính thống ở Trung Quốc chỉ cứu ấm hai mạch Đốc (dọc sống lưng) và Nhâm (dọc trước bụng), khi áp dụng ở Việt Nam tôi có cải tiến ứng dụng trên một số huyệt vị và đường kinh khác nhưng phải tuân thủ theo phép tắc và lý luận truyền thống của Đông y về hệ kinh lạc châm cứu, chứ không đốt một cách đại trà trên diện rộng, không có trọng tâm  trọng điểm, như cách mát-xa lửa đã nói. Đó là chưa nói đến những thuật ngữ và bình luận thiếu chuyên nghiệp và định hướng đúng đắn của tác giả video clip nói trên.

Một nguyên tắc căn bản trong trị liệu Đông y là phải “điều hòa âm dương” cho thăng bằng, nếu “thái quá” hay “bất cập” đều không có lợi. Bởi vậy, trước khi giới thiệu phương pháp tốc cứu lần đầu, tôi đã thận trọng nhờ một đồng nghiệp đàn anh là lương y Võ Hà thẩm định, và đã nhận được một lời nhận xét khá thấu đáo như sau:

“Hỏa long cứu có thể phát động dương khí nhanh và mạnh trên toàn mạch Đốc hay Nhâm, sẽ rất tốt cho các chứng dương hư, hàn thịnh hoặc hàn thấp gây đau nhức trong xương. Có lẽ nên so sánh nó với vị thuốc Phụ tử (rất nóng và có độc) để thấy được công năng và tác dụng phụ. Đánh nhanh và mạnh, có thể dứt điểm nhanh chiến trường nhưng phải có tướng soái áp trận và ra lệnh tiến thoái kịp thời. Hỏa long cứu là một phép cứu rất ấn tượng nhưng nên theo dõi người bệnh để ngưng đúng lúc, dù dài hạn hay ngắn hạn, vì cơ địa mỗi người khác nhau. Nên tránh chỉ định cho những trường hợp đang bị nhiễm trùng, sốt cao, viêm xoang, viêm chân răng hoặc nhức đầu, áp huyết cao do âm hư”.
Nói vậy để thấy phương pháp Hỏa long cứu cần được thực hiện bởi đội ngũ thầy thuốc chuyên nghiệp và tinh thông cả kỹ năng và lý luận y Đông y.

…đến ý tưởng mới cho du lịch Đà Nẵng

Tuy rất thận trọng và cảnh giác với những chống chỉ định của Hỏa long cứu, nhưng nhìn chung phương pháp này có thể chữa được nhiều bệnh chứng và nhất là có hiệu quả tức thời cho các chứng đau lưng, mỏi cổ, mỏi mệt do đi lại nhiều...

Để người bệnh hiểu đúng về phương pháp Hỏa long cứu, cần có sự vào cuộc của các cơ quan truyền thông, nhất là các đài truyền hình để phổ biến kiến thức đúng đắn trong các chương trình khoa giáo, có sự thẩm định của các nhà chuyên môn, chứ không chạy theo dư luận.

Với một phương pháp mới và có nhiều tiềm năng chữa bệnh như Hỏa long cứu, tại một thành phố du lịch nổi tiếng như Đà Nẵng, nên chăng Bệnh viện YHCT có thể xin Sở Y tế, Sở VH-TT-DL cho phép tổ chức những điểm chữa bệnh bằng Hỏa long cứu ngay tại hai đầu cầu Rồng vào những đêm thứ bảy, chủ nhật để phục vụ du khách “giải tỏa  cơn  đau, chỉ sau 10 phút”, giúp họ có hứng thú ở lại lâu hơn với thành phố xinh đẹp của chúng ta.

Từ đây, Hỏa long cứu, nếu được đầu tư khai thác đúng mức, có thể trở thành một sản phẩm dịch vụ du lịch hấp dẫn của Đà Nẵng. Bệnh viện YHCT Đà Nẵng sẽ sẵn sàng phối hợp với các cơ quan chức năng đào tạo cung cấp nguồn nhân lực và quản lý chất lượng cho hoạt động dịch vụ này.

PHAN CÔNG TUẤN

;
.
.
.
.
.