.

Phạm Hầu – huyền thoại một tình yêu

.

Tự bao giờ con đường dốc Bến Ngự ở Huế đã neo đậu vào trí tưởng tôi hình bóng một giai nhân thấp thoáng bên trong một khu vườn ngồi ôm cổ cầm thả từng giọt nguyệt. Nàng khóc bằng tay trên phím ngà/ Những ngón tay dài như lệ sa.

Mộ thi sĩ Phạm Hầu tại chùa Vạn Phước.
Mộ thi sĩ Phạm Hầu tại chùa Vạn Phước.

Chẳng phải là tôi thêu dệt hoang đường hay giàu có óc tưởng tượng gì đâu, mà đích thị là thi sĩ Phạm Hầu, người đã tạc tượng giai nhân ấy bằng thơ từ hơn bảy mươi năm trước. Mỗi hình ảnh giai nhân thả từng cung bậc cổ cầm Nam ai, Nam bình trong “Dạ nhạc” của Phạm Hầu không thôi, mà tiếng vang ngân bất tuyệt một tình yêu mãi mãi là huyền thoại: Nàng thả ngày xanh trên phím đàn/ Vớt đôi tay đẹp gọi tình nhân/ Nàng yêu chàng có hồn như biển/ Đôi mắt thơ chàng như ải vân.

Thật khó lòng để tôi đoán định ra khu vườn xưa trên đồi dốc Bến Ngự của quan Thượng thư Phạm Liệu - thân sinh của thi sĩ Phạm Hầu. Cái ấp Bình An, còn gọi là cồn Bông Sứ ấy bây giờ có khi biển đã xanh dâu nói gì đến vườn tược. Chừng như tất cả dấu xưa còn lại thưa thớt trên những mái đồi này là những ngôi chùa Linh Quang, Thiền Lâm, Vạn Phước. Nhưng, có vẻ như là một nhân duyên nào đó mà ngày thi sĩ Phạm Hầu qua đời (3-1-1944), ông đã được đưa về yên nghỉ sau khu vườn chùa Vạn Phước, dấu vết duy nhất để có thể mơ hồ lần ra vườn nhà quan Thượng - Phạm Liệu, nơi một thời hoa niên Phạm Hầu ở với cha mình theo học ở Trường Quốc học Huế.

Đọc từng trang sách sưu tầm thơ Phạm Hầu “Vẫy ngoài vô tận”, theo bà Phạm Thị Lộc (chị ruột của Phạm Hầu) kể lại: “Khi sinh… con trai, cha tôi đặt tên là Hầu, cậu bé khôi ngô tuấn tú, cha tôi rất vui sướng. Nhưng càng lớn, tâm càng sáng rỡ, thông minh thì thân thể cậu lại hay ốm yếu, èo oặt… Chú ấy thường sống gần với cha chúng tôi nhiều hơn ở kinh đô Huế… Chú Hầu được học hành đỗ đạt hanh thông, đậu Thành chung tuổi 18 ở Huế, rồi ra Hà Nội học… (Vẫy ngoài vô tận, NXB Thanh niên, tr.225). Trong “Hồi ký song đôi” (Huy Cận - Xuân Diệu), Huy Cận viết về Phạm Hầu như sau “Phạm Hầu cùng học ở Trường Quốc học, sau tôi hai lớp. Lúc học đệ tứ niên Thành chung, Phạm Hầu đã làm thơ, và đã có đăng một số bài ở tạp chí Tao đàn hồi đó. Phạm Hầu thường hay trao đổi bàn chuyện thơ với tôi ở trong trường… Anh người mảnh dẻ, giọng nói rất nhẹ, gần như nói thầm… Mắt Phạm Hầu như nhìn xa đi đâu… là nét nhìn xa vắng… (Hồi ký Song đôi, tr.104).

Trích lại hơi dông dài những lời kể trên, là ý tôi muốn minh họa một hình hài mà dường như những dự báo của định mệnh về sự mong manh yểu mệnh của một cuộc đời thi sĩ, đồng thời hình dung con đường dốc Bến Ngự dẫn từ vườn nhà cụ Thượng cho đến Trường Quốc học. Chính trên những khu vườn đồi dốc này đây, người con gái đẹp tài hoa từng ngón cổ cầm ấy đã gieo vào tâm hồn thi sĩ Phạm Hầu giấc mơ tình yêu đầu tiên và cũng là cuối cùng: Đêm qua không ở nơi trần gian/ Một chàng hào hoa như Tống Ngọc/ Một nàng yểu điệu như Văn Quân/ Nói chuyện ái ân mượn tiếng đàn.

Nhà thơ Lưu Trọng Lư, trong hồi ký “Nửa đêm sực tỉnh” đã viết về người con gái ấy: “Chợ Bến Ngự, dốc Bến Ngự người ta đều biết tới… gần như cả Huế cũng biết đến người con gái ấy!”. Cả Huế đều biết đến, cố nhiên thi sĩ Phạm Hầu - người ở chung đường không thể không biết đến, chẳng những thế mà trái tim thi sĩ của chàng còn lựa chọn chính nàng “Thật sự là nàng thơ duy nhất của Hầu, và duyên đã gợi hứng cho bao cảm giác mê ly, tình ý sâu lắng, mênh mang của tâm hồn nhà thơ - họa trẻ”. (Trích thư của ông Phạm Hữu Bình - anh ruột Phạm Hầu, trong “Vẫy ngoài vô tận”, tr.190).

Nếu như Hoài Thanh - Hoài Chân viết về Phạm Hầu trong “Thi nhân Việt Nam”, rằng: “Ở giữa đời Phạm Hầu là một cái bóng chân đi không để dấu trên đường đi…”. Vâng, có thể đấy là hình ảnh rất thực chứ không hề siêu thực một chút nào. Dường như bao nhà thơ, nhà văn đồng thời với thi sĩ Phạm Hầu như: Lưu Trọng Lư, Huy Cận, Hoài Thanh, đến cả Chế Lan Viên (viết) về sau nữa, tất cả đều nhìn Phạm Hầu như một nỗi mong manh, dễ vỡ, dễ tan biến đi, một thi tài mà chừng như số phận đã gọi tên ngay từ buổi ấu thơ rồi. Duy chỉ có một điều, chung quy lại, nói như Chế Lan Viên: “Thơ của những con người như thế (Phạm Hầu), cầm lên tay một câu, một chữ nặng cả một cuộc đời”.

Hóa ra cái con người chân đi không để dấu trên đường, mỏng mảnh thế kia, yếu đuối thế kia, vậy mà thơ người là cả dấu son khảm khắc vào núi non: Đưa tay ta vẫy ngoài vô tận/ Chẳng biết xa lòng có những ai? (Vọng Hải đài), là cả những chân trời mới lạ hướng tới siêu việt: Tôi theo tư tưởng vô cùng tận/ Chỉ gặp vô cùng nỗi quạnh hiu/ …Tôi đợi người đây tuyệt đích ơi/ Dẫu xa, xa cách mấy phương trời (Lý tưởng), và một tâm hồn cao cả dâng trọn cho cái đẹp vẹn toàn: Nếu tôi đau. Trời đẹp! Nếu tôi đau/ Mà muôn đời mưa nắng hiểu lòng nhau. Thơ như thế thì không còn là những tình ý lứa đôi, những niềm xao xuyến bâng quơ trái tim phập phồng thương nhớ, mà là hướng tới những chân trời - nơi cái đẹp hoài thai trong mọi nguồn mạch mỹ cảm.

Vào thời đó, trong bầu không khí Thơ mới, không riêng gì Phạm Hầu ta mới gặp: Trong đày ải mình trần tê ngọn lửa/ Tiệc chim bằng rỉa rói một lòng đơn/ Nếu tôi đau mà người hết căm hờn/ Chắc qua núi vui lây ngàn đóa mộng, mà còn Huy Cận với “Nhạc sầu”: Ai chết đó nhạc buồn chi lắm thế/ Chiều mồ côi đời rét mướt ngoài đường, và rồi, thư thái nhẹ nhàng thi sĩ mùa thu như Lưu Trọng Lư cũng nợ nần với “Thú đau thương” mà rên xiết từng niềm hoan lạc: Để chăn gối nằm im chỗ cũ/ Hãy lịm người trong thú đau thương… Chỉ có điều, trường hợp những bài thơ, câu thơ của Phạm Hầu, cũng trong nguồn mạch hoan lạc thú đau thương ấy, nó lại ứng vào cái cung mệnh yểu của thi sĩ (1920-1944), chính vì vậy, người ta liên tưởng đến thơ ông theo cách vin vào cái siêu lý dự báo của một số phận: “Một lời là một vận vào khó nghe” (Nguyễn Du).

Thi sĩ Phạm Hầu sinh ra tại vùng Gò Nổi, Điện Bàn, Quảng Nam, kỳ thực thời gian ông sinh sống ở quê nhà không nhiều. Tuổi lên 10 đã theo cha ra Huế ở ăn học, năm 18 tuổi ông đỗ Thành chung, sau đó thi đỗ vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Suốt những tháng năm theo học ở Hà Nội, Phạm Hầu từng có tranh tham dự triển lãm quốc tế tại Tokyo (1940). Tác phẩm “Cô đơn” (Hòn đá rêu xanh) của ông đã đạt giải nhất tại kỳ triển lãm này. Nhưng tài năng thơ ca và hội họa của ông, tất cả đều bỏ dở, Phạm Hầu mất khi tuổi đời mới vừa 24 tuổi. Về sau này, những người yêu mến tài năng Phạm Hầu đã sưu tầm được hơn hai mươi bài thơ và một số bài tiểu luận phê bình mỹ thuật của ông. Riêng tranh vẽ của Phạm Hầu tất cả đều bị thất lạc, kể cả bức tranh ông đạt giải nhất tại triển lãm quốc tế Tokyo - một ghi dấu tài năng mà không nhiều những họa sĩ tiền bối vào những buổi bình minh của nền mỹ thuật đất nước đạt được.

Nhưng có lẽ vượt lên tất cả là huyền thoại! Huyền thoại thơ ca, huyền thoại hội họa, và nhất là huyền thoại tình yêu Phạm Hầu! Một mối tình đẹp mà chính người con gái Huế - người ôm cổ cầm thả từng giọt nguyệt ấy, gần nửa thế kỷ sau ngồi nhớ lại: “Tôi nghĩ rất kỹ là một mối tình rất đẹp và rất tinh khiết thiêng liêng, không nên kể lại, mà chỉ để riêng cho người đã vì mình mà hy sinh một tài năng” (Vẫy ngoài vô tận, tr.275).

Vâng, không nên kể lại, hãy để hư vô và vĩnh viễn. Trong cái miền thẳm đó chỉ còn thơ Phạm Hầu lặng lẽ cùng thời gian bất tuyệt thanh âm “Dạ nhạc”: Nàng khóc bằng tay trên phím ngà/ Những ngón tay dài như lệ sa, để từ đấy những phóng ảnh tình yêu lấp lánh trong mọi ngưỡng vọng con người. Không rõ có sự nhiệm mầu nào của đất trời hay không mà chuyến tàu hỏa năm xưa đưa thi sĩ về quê đã không đến nơi, để ông nằm lại khu vườn xưa, nơi cái cồn Bông Sứ ấy (nay là vườn chùa Vạn Phước), để cùng với tình yêu vĩnh hằng của mình mà vọng khúc ngàn năm: Tôi đợi người đây, Tuyệt đích ơi!

NGUYỄN NHÃ TIÊN

;
.
.
.
.
.