.

Những trò chơi chiến tranh

.

“Trò chơi chiến tranh của trẻ em” là những câu chuyện qua hình ảnh của nhiếp ảnh gia báo chí Léon Gimpel được phòng trưng bày Rencontres d’Arles giới thiệu đang gây sự chú ý đến giới thưởng ngoạn cũng như giới nhiếp ảnh chuyên nghiệp.

Trò chơi chiến tranh 1.
Trò chơi chiến tranh 1.

Lấy cảm hứng từ hình minh họa truyện tranh đầy màu sắc trên các tấm áp-phích của nghệ sĩ Francisque Poulbot, nhà báo nhiếp ảnh Léon Gimpel đã đến khu phố Grenéta ở Paris và chọn các trẻ em nơi đây kết hợp các vật dụng quân đội làm tác phẩm nhiếp ảnh.

Năm 1915, chiến tranh đang hoành hành trên khắp châu Âu. Nhiếp ảnh người Pháp Léon Gimpel kết bạn với một nhóm trẻ em chơi “trò chơi chiến tranh” trên đường phố Grenata ở Paris. Dưới sự hướng dẫn Léon Gimpel, lũ trẻ lấy gỗ làm súng, lưỡi lê, đại bác, thậm chí cả xe tăng và máy bay. Chủ nhật hằng tuần, Gimpel đến với lũ trẻ với chiếc máy ảnh màu, loại  rất hiếm vào thời đó. Gimpel bố trí, sắp xếp các trẻ em trong hoạt cảnh quân sự và chụp ảnh chúng. Léon Gimpel giúp bọn trẻ làm đạo cụ với bất cứ vật liệu gì có sẵn, thích hợp, sau đó tạo cảnh trí và sử dụng phương pháp riêng cùng với kỹ thuật  autochrome-kính ảnh màu, để chớp.

Hằng ngày, sau mỗi lần chụp ảnh, Léon Gimpel thưởng kẹo bánh cho bọn trẻ mà ông thường gọi đùa “Nhóm lục quân của đường phố Grenéta”. Bản tính ham vui và tinh nghịch của trẻ em cùng với sự dàn dựng đạo cụ quân sự, ông muốn phản ảnh cuộc chiến tranh đẫm máu nhất trong lịch sử hiện đang xảy ra.

Trò chơi chiến tranh 1và 2.
Trò chơi chiến tranh 2.

“Trẻ em chơi trò chơi chiến tranh”, một hình ảnh kỳ quặc đã bị biên tập viên tạp chí L’Illustration từ chối sử dụng vì cho rằng đây là chủ đề quá tầm thường cho một khoảng thời gian căng thẳng như hiện nay. Tuy nhiên, vào đầu năm 1916, Léon Gimpel và  các bức ảnh trẻ em chơi trò chiến tranh trên đường Grenéta bất ngờ được vinh danh qua một cuộc triển lãm nổi bật tại một phòng trưng bày ảnh ở Paris. Thời gian trưng bày kéo dài đến 2 tuần là một sự thành công không ngờ.

Vào năm 1904, sau thời gian ngắn đến làm việc cho báo minh họa - L’Illustration, Gimpel phát triển một phương pháp để tăng độ nhạy của tấm kính ảnh màu. Sau đó ông đã thử nghiệm với quá trình phát triển phim màu autochrome, nâng cao độ nhạy của các tấm phim màu bằng 500 phần trăm, bằng cách tăng tốc độ của chụp ảnh, làm cho nó khả thi hơn loại ảnh “tin tức”, bấm tại chỗ. Bức ảnh của vua và hoàng hậu Đan Mạch của Gimpel được in trên tạp chí L’Illustration vào ngày 29-6-1907 và bức ảnh đó trở thành bức ảnh màu đầu tiên của thế giới xuất hiện trên trang báo.

Sinh ra tại Strasbourg năm 1873, Léon Gimpel là con trai út trong một gia đình Do Thái Alsacian chạy trốn sang Paris sau khi Đức chiếm Alsace vào năm 1870. Gimpel làm việc cho công ty vải của gia đình do anh trai Eugene quản lý. Năm 1897 ông quan tâm đến nhiếp ảnh đã được nhen nhóm “lòng yêu nghề” khi ông mua một máy ảnh hiệu Kodak. Năm 1904 tác phẩm của ông đã được  công bố thường xuyên trên các tạp chí La Vie Illustrée và  L’Illustration.

Gimpel kết hôn Marguerite Bouillon năm 1939 và định cư ở Béarn. Ông qua đời vào năm 1948 tại Sérignac-Meyracq. Ông là một nhiếp ảnh gia báo chí không ngừng sáng tạo. Vào những năm gần đây, tác phẩm của Gimpel đã tìm được sự hồi sinh với sự quan tâm của đồng nghiệp và công chúng. Loạt ảnh “trẻ em trên đường phố  Grenéta” được trưng bày  đến ngày 31-8.

HOÀNG ĐẶNG

;
.
.
.
.
.