.
Những cái nhất ở Đà Nẵng

Chợ Cồn

.

Tuy không phải là chợ lâu đời nhất (“danh hiệu” này thuộc về chợ Hàn), nhưng chợ Cồn hiện là chợ lớn nhất Đà Nẵng ở ngay trung tâm thành phố với trên 2 nghìn hộ kinh doanh.

Áo quần may sẵn là một trong những mặt hàng bán buôn ở chợ Cồn. Ảnh: L.G.L
Áo quần may sẵn là một trong những mặt hàng bán buôn ở chợ Cồn. Ảnh: L.G.L

Có lẽ đây là một trong những lý do để Công ty Quản lý Hội chợ triển lãm và các chợ Đà Nẵng đưa chợ Cồn lên vị trí đầu tiên trong phần giới thiệu các chợ ở Đà Nẵng tại trang web của mình, hctl-danang.com.vn. Theo đó, chợ Cồn ra đời từ những năm 40 của thế kỷ XX, nằm trên một cồn đất cao giữa lòng thành phố nên người dân địa phương quen miệng gọi thành tên. Ngay từ ngày mới ra đời chợ đã tập trung được số lượng lớn người tham gia buôn bán, ngoài người dân địa phương còn có những người từ các vùng quê của Quảng Nam như: Đại Lộc, Quế Sơn, Thăng Bình... mua nông sản thực phẩm của địa phương tập trung về cung cấp cho người dân thành phố, hàng hóa chủ yếu là rau xanh và các loại gia cầm.

Tháng 12-1984, chợ Cồn được phá dỡ để xây mới hoàn toàn. Sau 100 ngày thi công, vào đúng dịp kỷ niệm 10 năm Ngày giải phóng Đà Nẵng 29-3-1985, công trình hoàn thành và đưa vào khai thác với một dãy nhà 3 tầng có diện tích 3.480m2, hai dãy nhà 2 tầng có diện tích 1.562m2 và dãy nhà cấp 4 có diện tích 8.828m2 cùng hàng loạt các công trình, cơ sở hạ tầng như đường sá, vỉa hè, cống rãnh... Từ đó, chợ Cồn mới thực sự đi vào nền nếp và phát triển mạnh.

Với tầm cỡ quy mô nhất lúc bấy giờ, gồm 1.473 hộ kinh doanh cá thể, nhiều đơn vị HTX, công ty TNHH, doanh nghiệp tư nhân cùng tham gia hoạt động với hàng trăm ngàn mặt hàng khác nhau, chợ Cồn đã đáp ứng được nhu cầu kinh doanh mua sắm ngày càng cao của người dân Đà Nẵng. Với vài chục ngàn lượt khách ra vào mỗi ngày, chợ Cồn không hổ danh với tên gọi mới “Trung tâm Thương nghiệp Đà Nẵng”, xứng đáng là chợ bán sỉ và lẻ lớn nhất Đà Nẵng và cả miền Trung.

Chợ Cồn hiện tọa lạc tại số 318 Ông Ích Khiêm, phường Hải Châu 2, quận Hải Châu, nằm ở ngã tư đường Hùng Vương – Ông Ích Khiêm và tiếp giáp với các tuyến giao thông quan trọng. Chợ Cồn không chỉ đơn thuần là nơi để khách đến mua sắm mà còn là điểm tham quan hấp dẫn đối với những ai một lần đến thăm Đà Nẵng. Nói như dân gian, “từ cây kim đến chiếc phi thuyền”, chợ Cồn đều cung cấp đầy đủ, phong phú và đa dạng theo phương thức bán sỉ và lẻ.

Từ khi ra đời, chợ Cồn đã mang tính chất vừa bán lẻ vừa bán buôn (bán sỉ). Hàng hóa bán buôn đặc trưng của chợ là các loại xà phòng, văn phòng phẩm, mỹ phẩm, kim chỉ, áo quần, giày dép, mũ nón, mùng mền, khăn gối, áo mưa... Nghe có vẻ lộn xộn là thế, nhưng các thương nhân ở chợ đã bày biện rất gọn gàng, ngăn nắp, quầy nào thức ấy.

Một số người nhiều đời truyền nhau buôn bán ở chợ Cồn, từ lúc chợ chỉ là những nhà chòi tre trên cồn cát đầy lau sậy, lạch nước đến khi trở thành cơ ngơi tòa ngang dãy dọc, đã xem chợ như là nhà mình với biết bao kỷ niệm buồn vui. Và cũng có rất nhiều đời người xem chợ Cồn là nơi mình có thể “chọn mặt gửi vàng” trong chuyện mua sắm.

Có lẽ xuất phát từ tình cảm đó mà HĐND thành phố đã quyết định “cải danh” cho Trung tâm Thương nghiệp Đà Nẵng. Đó là ngày 4-7-2012, tại kỳ họp thứ tư, khóa VIII nhiệm kỳ 2011 – 2016, HĐND thành phố Đà Nẵng đã ban hành Nghị quyết số 24/2012/NQ-HĐND về việc đặt tên một số đường và công trình công cộng trên địa bàn thành phố. Theo đó, Trung tâm Thương nghiệp Đà Nẵng được lấy lại tên “cúng cơm” cũ là chợ Cồn để phù hợp với tên gọi quen thuộc hàng bao đời nay của người dân xứ Quảng.

Sau một thời gian ngắn thi công, sửa chữa, lúc 8 giờ ngày 14-11-2012 lãnh đạo Công ty Quản lý hội chợ triển lãm và các chợ Đà Nẵng đã chính thức cắt băng gắn tên chợ Cồn trên nền cũ của chữ Trung tâm Thương nghiệp Đà Nẵng. Sau sự kiện này, Ban Quản lý Chợ Cồn tiếp tục vận động thương nhân tại chợ phát huy truyền thống tốt đẹp trong thời gian qua và phấn đấu xây dựng thương hiệu chợ Cồn ngày càng vững mạnh, trở thành chợ văn minh thương mại và là điểm đến không những của du khách trong nước mà cả khách quốc tế.

Trên tinh thần đó, ngày 5-5 vừa qua, Trung tâm Xúc tiến Du lịch và Công ty Quản lý Hội chợ triển lãm và các chợ Đà Nẵng đã ký kết phối hợp về việc xây dựng mô hình các chợ văn minh phục vụ du khách trong và ngoài nước, hướng đến sự kết nối chặt chẽ hơn giữa các hoạt động xúc tiến du lịch và hoạt động kinh doanh thương mại, đồng thời hỗ trợ quảng bá cho các sản phẩm đặc trưng của chợ truyền thống Đà Nẵng. Hiện chợ Hàn đã được công nhận là chợ văn minh thương mại. Mô hình này tiếp tục được áp dụng tại chợ Cồn.

LÊ GIA LỘC

;
.
.
.
.
.