.

Nghệ nhân Dân gian Nguyễn Châu

.

Lão nghệ nhân Nguyễn Châu chính thức được vinh danh là “Nghệ nhân Dân gian” khi vừa bước qua tuổi 104. Ông là nghệ nhân đầu tiên ở Đà Nẵng được trao danh hiệu cao quý này và là nghệ nhân hiếm hoi trên trăm tuổi còn sống để trực tiếp dự lễ vinh danh mình.

GS.TSKH Tô Ngọc Thanh trao tặng Bằng công nhận danh hiệu Nghệ nhân Dân gian và Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Văn nghệ dân gian Việt Nam cho lão nghệ nhân Nguyễn Châu. Ảnh: L.G.L
GS.TSKH Tô Ngọc Thanh trao tặng Bằng công nhận danh hiệu Nghệ nhân Dân gian và Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Văn nghệ dân gian Việt Nam cho lão nghệ nhân Nguyễn Châu. Ảnh: L.G.L

Ông tên khai sinh là Nguyễn Châu, nhưng được mọi người biết đến với nghệ danh Tư Châu; gọi thế, bởi ông từng là Tư nhạc, người phụ trách phần nhạc trong làng. Ông sinh năm 1907 tại làng Nghi An, nay thuộc phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng. Lớn lên giữa một vùng đất có nhiều người giỏi nghề nhạc cụ dân tộc, ông dần dần bị cuốn hút bởi cái lả lướt của tiếng kèn, sự giòn giã của tiếng trống, nét luyến láy của đàn cò... 12 tuổi, ông bắt đầu làm quen với cặp roi trống (tiếng trong nghề chỉ cái dùi trống) với người thầy đầu tiên là ông Tư Nhàn.

Chuyện kể rằng, vua Khải Định (1885-1925) một lần ngự du đến đồn Nhất trên đỉnh đèo Hải Vân, vị quan sở tại cử ban nhạc làng Nghi An do các thầy Tư Nhàn, Tư Nhiên, Tám Hùng đứng ra hòa nhạc chào đón. Vua ngợi khen, ban thưởng cho các thầy, người thì bát phẩm, người thì cửu phẩm văn giai. Sự kiện này đã làm vinh danh cho đội bát âm làng Nghi An, ghi tạc vào lòng cậu học trò ngày đó là ông niềm tin dấn thân vào nghiệp duyên đã chọn. Hiếu học, sáng dạ, chẳng mấy chốc ông đã tiếp thụ được hầu hết các ngón điệu nghệ của trống, kèn, nhị, nguyệt do các thầy truyền đạt.

Sớm trở thành một trong những tay chơi nhạc lão luyện bấy giờ, tiếng tăm ông chẳng mấy chốc vượt khỏi làng Nghi An. Sau năm 1945, ông cùng một số vị đứng ra thành lập Hội Cổ nhạc Đà Nẵng, vừa dạy học trò, sửa chữa, chế tác nhạc cụ, vừa phụ trách nhạc lễ cho các hoạt động quan hôn tang tế khắp nơi.
Ông phụ trách dàn nhạc ở Hí trường Hòa Phát gần nhà mình. Nhiều gánh hát bội (hát tuồng) khắp nơi về lưu diễn, từ diễn viên đến nhạc công đều mê điệu trống, ngón đàn của ông, nhiều người theo ông học nghề. Ông biết hát và hát hay, nếu vai nào vì lý do bất khả kháng không hát được là ông sẵn sàng thế vai, không để bể vở.

Nhạc sĩ Trần Hồng và soạn giả dân ca Trần Nhật Bằng kể rằng, gặp hồi bĩ cực, nhiều gánh hát trở nên túng thiếu, bèn kéo nhau về Nghi An bám víu Tư Châu, ông sẵn sàng cứu giúp bạn nghề. Hí trường Hòa Phát của ông lúc nào cũng đỏ đèn, bán hết vé. Nhờ đó, ông bầu hút được thuốc Bát-tô xanh; diễn viên mỗi người nhận lương vài cử, ăn được bún bò, qua đi thời nhai khoai chạc Nghi An, sắn dăm Phước Tường, vạt rau muống vườn nhà trơ gốc... Tư cách, đạo đức của Tư Châu rất đẹp, vì ông nghĩ: Diễn viên đói, nhạc công no sao được. Các nghệ sĩ hết mực quý mến lòng thơm thảo của vợ chồng ông.

Sau năm 1975, nhà ông là “lò” luyện nhạc công phục vụ các tiết mục dân ca cho đội Thông tin lưu động huyện Hòa Vang. Tháng 3-1992, dàn nhạc gia đình do ông dẫn dắt đoạt huy chương Bạc tại Liên hoan Nghệ thuật quần chúng toàn tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Nguyễn Ninh, con trai ông, chiếm giải nhất diễn tấu đàn nhị tại Hội thi “Tài năng diễn tấu nhạc cụ sân khấu dân tộc toàn quốc” tổ chức tại Đà Nẵng. Một lão nghệ nhân ở Cẩm Lệ đã tặng câu đối nói về cha con ông: “Tỉnh tuyển bát âm, phụ chiếm ngân chương độc tấu/ Chế khoa cổ nhạc, tử thừa kim bảng khôi nguyên”.

Ngày 10-6-2010, ông chính thức được trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Dân gian và Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Văn nghệ dân gian Việt Nam trong một buổi lễ trang trọng do Hội Văn nghệ dân gian Đà Nẵng tổ chức tại Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Tại buổi lễ, GS.TSKH Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, phát biểu: “Danh hiệu Nghệ nhân Dân gian của Việt Nam chưa nói hết cống hiến từ tâm và tài của các nghệ nhân với cộng đồng. Như cụ Tư Châu đây, phải gọi theo từ tương đương trong tiếng Anh là Báu vật Nhân văn Sống (Living Human Treasures) - danh hiệu do Tổ chức UNESCO phong tặng cho những con người quy tụ vốn liếng và tài năng sáng tạo của cộng đồng về một hay một vài lĩnh vực nào đó của văn hóa”.

Không chỉ là Nghệ nhân Dân gian đầu tiên ở Đà Nẵng, ông còn là người có truyền nhân nối nghiệp nhiều nhất ở Đà Nẵng với 5 con trai, 2 con gái và chừng đó dâu, rể, nhiều cháu chắt nội, ngoại. Trong đó, có những người thành danh bằng nghiệp nhà như NSƯT Nguyễn Ninh, NSƯT Lê Thị Phương Lan (con dâu ông), một số khác đang công tác ở các nhà hát tuồng, đoàn dân ca kịch, các ban nhạc dân tộc ở Đà Nẵng. Học trò ông cũng thành lập gần 10 ban nhạc rất nổi tiếng ở khắp Quảng Nam và Đà Nẵng với “thương hiệu” học trò Tư Châu.

Vào lúc 13 giờ 40 ngày 19-6-2011 (tức 18-5 Tân Mão), trái tim Nghệ nhân Dân gian Nguyễn Châu đã ngừng nhịp đập ở tuổi 105 (tính theo âm lịch). Song, những phách nhịp từ cây đại thụ của làng cổ nhạc Việt Nam này sẽ vẫn lưu chuyển qua các thế hệ truyền nhân để những làn điệu cổ truyền dân tộc mãi còn ngân vang giữa muôn vàn sắc thái âm thanh thời hội nhập.

LÊ GIA LỘC

;
.
.
.
.
.