.

Lật từng trang sử

.

Khi chứng kiến mô hình “Căn cứ Môm Nở” của tập thể học sinh lớp 8/7 Trường THCS Chu Văn An (quận Thanh Khê) được trưng bày tại Bảo tàng Đà Nẵng, người xem đều thốt lên ngạc nhiên trước sự sáng tạo và cách thể hiện mô hình rất tỉ mỉ, khéo léo của các em về một di tích lịch sử cách mạng.

Bài học lịch sử ở bảo tàng luôn sống động và hấp dẫn học sinh. Ảnh: H.L
Bài học lịch sử ở bảo tàng luôn sống động và hấp dẫn học sinh. Ảnh: H.L

Bài học lịch sử sống động

Trước khi đưa mô hình này đến trưng bày tại Bảo tàng Đà Nẵng, “Căn cứ Môm Nở” đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi, trầm trồ thán phục của các bạn học sinh (HS) Trường THCS Chu Văn An. Đây chính là lời khích lệ dành cho 4 thành viên của nhóm làm mô hình. Cô Phan Nguyễn Tố Uyên, giáo viên dạy môn Sử-Địa, trực tiếp hướng dẫn cho các em chia sẻ: khu căn cứ Môm Nở nằm trên núi Sơn Trà là nơi Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng hoạt động trong kháng chiến chống Pháp và sau này là nơi tiếp nhận hàng của đoàn tàu không số, đã được các em HS học qua trong phần về lịch sử địa phương.

Nhưng phải đến tháng 4-2014, khi trường tổ chức cho các em đi tham quan Bảo tàng Đà Nẵng, được nhân viên bảo tàng giới thiệu rất kỹ về lịch sử khu căn cứ, các em rất ấn tượng với địa danh này nên xin phép cô giáo cho các em làm mô hình. Thế là bắt đầu những ngày cô trò đi xin xốp, đá, cây lá, rồi tiết kiệm tiền để mua cọ, màu, đèn… đến khi mô hình khu căn cứ hoàn thiện, cô trò mới thở phào nhẹ nhõm. Cô Tố Uyên bảo: “Bài học lịch sử từ bảo tàng đã thẩm thấu vào tâm hồn các em, giúp các em yêu quê hương hơn, và những câu chuyện lịch sử ở bảo tàng chính là “chất men” giúp HS yêu môn lịch sử”. Có thể khẳng định là bài học lịch sử qua bảo tàng luôn sống động, hấp dẫn HS.

Em Phạm Hồ Như Phương, học sinh lớp 10/16, Trường THPT Nguyễn Hiền chia sẻ: “Khi đến bảo tàng, đọc những dòng chú thích dưới các bức ảnh đã đi vào lịch sử, em thấy cổ họng mình như nghẹn lại, sống mũi cay cay, chỉ biết lặng người đi trước những nỗi đau của các nạn nhân chiến tranh. Vậy mà lúc ở nhà em lại không muốn đến bảo tàng vì chị gái em bảo sau chuyến đi sẽ làm một bài thu hoạch nộp lại cho nhà trường. Qua chuyến tham quan, em giật mình vì thấy mình nhỏ nhen và ích kỷ; em chỉ biết cuộc sống hiện tại, chỉ biết hưởng thụ và đã từng thờ ơ với quá khứ bi hùng của dân tộc”. Nhiều em HS tâm sự là “thấy mình lớn hẳn lên với những suy nghĩ và cảm xúc” sau khi hiểu những giá trị to lớn mà hiện vật lịch sử tại bảo tàng mang lại.

Những buổi ngoại khóa bổ ích

Chương trình “Hành trình đến với Bảo tàng Đà Nẵng và di tích Thành Điện Hải” được Bảo tàng Đà Nẵng và Sở Giáo dục - Đào tạo Đà Nẵng triển khai suốt hơn một năm qua đã thu hút hàng nghìn HS đến với bảo tàng. Ngoài ra, bảo tàng còn nhận được hơn 400 bài viết của các em HS phát biểu cảm nghĩ của các em sau chuyến tham quan bảo tàng; các bức tranh và mô hình do các em vẽ và thể hiện.

Tham gia chương trình, các em học sinh đã được nghe thuyết minh viên của Bảo tàng Đà Nẵng giới thiệu một cách cặn kẽ, thấu đáo, cụ thể, sống động và trực quan về nội dung tài liệu, hiện vật được trưng bày tại bảo tàng giúp các em thấy được, cảm nhận được những nét văn hóa truyền thống, lịch sử của mảnh đất Đà Nẵng. Nội dung thuyết minh tại bảo tàng tập trung nhấn mạnh và liên hệ với những kiến thức các em học trên lớp, khuyến khích các em đặt câu hỏi, tìm tòi, nghiên cứu. Một thực tế nhận thấy là các tiết học ở bảo tàng với phương pháp trực quan sinh động, ghi nhớ bài học, sự kiện lịch sử thông qua các tư liệu, hiện vật làm cho học sinh thấy thích thú và dễ tiếp thu. Việc được tham quan tại Bảo tàng Đà Nẵng và di tích Thành Điện Hải thực sự là một chuyến học tập ngoại khóa, không phải lệ thuộc vào sách vở và bài học trong lớp khiến học sinh có tâm lý thoải mái và hứng thú hơn.

Trong thời gian diễn ra chương trình “Hành trình đến với Bảo tàng Đà Nẵng và di tích Thành Điện Hải” giai đoạn 2 (năm 2014), Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức triển lãm chuyên đề “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - những bằng chứng lịch sử” tại Bảo tàng Đà Nẵng. Triển lãm đã tuyên truyền một cách thiết thực và có hiệu quả nhất về Biển đảo cho học sinh với gần 6.000 lượt HS tham gia; giúp các em có cơ hội được tiếp cận những bằng chứng lịch sử có giá trị pháp lý cao trong việc khẳng định chủ quyền lâu đời của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như phản biện lại những đòi hỏi chủ quyền vô lý của Trung Quốc. “Đây là một hoạt động bổ ích và có ý nghĩa to lớn, góp phần giáo dục ý thức của thế hệ trẻ trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”, đại diện bảo tàng nhận xét.

Tổng kết hai đợt diễn ra chương trình “Hành trình đến với Bảo tàng Đà Nẵng và di tích Thành Điện Hải” có hơn 84 đơn vị trường học với hơn 15.245 lượt học sinh các cấp đến tham quan, tìm hiểu về Bảo tàng và Di tích. Ban tổ chức nhận được 428 bài viết cảm tưởng 4 trường THPT, 19 mô hình hiện vật phục chế của 9 trường THCS và 15 bức tranh của 7 trường tiểu học.

HIỀN LƯƠNG
 

;
.
.
.
.
.