.

Hà Nội đêm hừng sáng

.

Thế là tôi đã là người Hà Nội được hơn ba mươi năm rồi. Hơn ba mươi năm! Một khoảng thời gian đủ cho mái tóc xanh của tôi chuyển hẳn sang màu trắng. Tôi tự nhận mình là người Hà Nội. Mỗi người Việt Nam chúng ta đều có một Hà Nội của riêng mình. Hà Nội thuở còn thơ của tôi chỉ là những khát khao vì nơi ấy có Quảng trường Ba Đình, có Bác Hồ, có chùa Một Cột và Hồ Gươm.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Tôi có ông anh làm giáo viên trường làng. Anh tôi là người được đi đây đi đó vào loại nhất nhì, không phải chỉ ở riêng cái làng Sưa heo hút và hẻo lánh ấy, mà có thể vào hạng nhất nhì của xã. Anh từng được tới Quảng trường Ba Đình đón Tết Độc Lập những ba lần. Ba lần về quê anh kể đều giống nhau mà sao lũ nhóc chúng tôi vẫn ham nghe, vẫn thấy mới. Rồi anh dẫn một đoàn có tới mười lăm đứa lóc nhóc đi chơi Hà Nội. Đó là chuyến đi xa đầu tiên của cuộc đời tôi. Chúng tôi phải đi bộ bảy cây số từ nhà lên phố huyện. Từ phố huyện lên thành phố Hải Phòng ba mươi cây số nữa, tất nhiên không thể đi bộ được, nhưng hồi ấy kiếm cho ra chuyến xe có đủ chỗ ngồi một lúc cả 15 đứa nhóc chúng tôi đâu phải chuyện dễ. Anh tôi đã làm giấy giới thiệu của Huyện Đoàn xin liên hệ trước với bến xe, còn lũ nhóc chúng tôi mặc những bộ đồ tươm tất của mình, đầu đội mũ chào mào bằng bìa cứng, vai đeo khăn quàng đỏ, ngực đeo huy hiệu măng non. Anh tôi muốn chúng tôi mặc đồng phục, nhưng gia đình những chú nhóc ở nhà quê những năm 1960 không thể ai cũng có tiền để lo được, đành lấy mũ chào mào bằng bìa cứng làm “đồng mũ” vậy. Thế mà nom “đoàn quân” của anh tôi cũng oách ra trò. Chúng tôi đi, mỗi đứa một nắm cơm to, một lọ muối vừng và 5 đồng với 2 bát gạo. Đấy, toàn bộ “quân trang quân dụng” của những công dân tí hon do anh tôi chỉ huy chỉ có thế. Chỉ có thế cộng với niềm khao khát được thấy Hồ Gươm, ăn kem máy ở Thủy Tạ, rồi đi tàu điện xem các danh thắng của đất Thăng Long ngàn năm văn hiến.

Hà Nội một lần nữa khiến chúng tôi cùng các bạn thanh niên lứa chúng tôi náo nức lên đường vào Nam đánh Mỹ bởi nơi ấy máy bay Mỹ ném bom dữ dội tạo nên những làn sóng căm thù ngùn ngụt trong dân chúng. Thanh niên, học sinh xếp bút nghiên nhập ngũ và rầm rập hành quân suốt đêm ngày. Những chuyến tàu hối hả chở quân vào Nam dừng lại tăng bo tại ga Hàng Cỏ của thủ đô, như một sự tiếp sức, như một khoảnh khắc thiêng liêng nhắn gửi với chúng tôi rằng, thủ đô Hà Nội là của tất cả chúng ta. Hà Nội là điểm tựa là niềm tin yêu hy vọng không kẻ thù nào có thể tàn phá được.

Tôi nhớ khi tàu dừng lại, cả đoàn quân đều như cùng lúc muốn nhào ra khỏi con tàu quá tải. Chúng tôi thi nhau hít thật sâu, tự mình nói với đồng đội thành lời: “Hà Nội của chúng ta đây rồi!”. Vâng, Hà Nội đây! Một màn đêm đen kịt chập chờn bóng đèn gầm tàu, chập chờn những ụ pháo, chập chờn bóng người đạp xe vội vã, những dãy phố ngờm ngợp cây xanh, ngờm ngợp lá ngụy trang, những hàng xe quân sự. Và tiếng còi tàu, tiếng còi tàu mới trọng đại làm sao! Đó là lúc đơn vị chúng tôi đứng trên sân ga chào Hà Nội lần cuối trước khi lên đường vào Nam chiến đấu. Những bó hoa từ những chiếc bóng bé nhỏ tất bật, những gương mặt chợt sáng ngời lên từ các ô cửa sổ ướt đẫm sương đêm, chừng như cùng lúc ào ra ném lên các khuôn cửa sổ con tàu sắp đưa chúng tôi vào tuyến lửa. Người Hà Nội và hoa, và tiếng loa công cộng nhắc con tàu rời ga khiến chúng tôi ai nấy trở nên quyến luyến và xao động. Cái xao động ngọt ngào ấm lòng người ra trận.

Tôi nhớ cái đêm rời Hà Nội ấy, tôi đã ép được bông hoa hồng trong cuốn sổ tay đem vào tận chiến trường để mỗi lần mở sổ ra ghi nhật ký, tôi lại nhớ tới bóng dáng một cô gái Hà Nội ôm cả một ôm hoa tặng các chú bộ đội đang hành quân. Một cô gái Hà Nội thật xinh, thật dịu dàng và thông minh, vừa gần gũi yêu thương lại cũng vừa xa vời tựa như đó chỉ là ước mơ, là khao khát. Mà đúng là ước mơ và khao khát thật. Cái khao khát lạ lùng của tuổi mười tám đôi mươi, cứ ngỡ như lãng mạn mơ hồ và thật cụ thể, thật chói lọi khi ta chợt nhớ về miền ký ức thiêng liêng của mình.

Bây giờ tôi được sống giữa lòng thủ đô với một công việc cụ thể, một mái ấm gia đình và niềm vui, nỗi buồn của riêng mình. Tôi cứ hay chợt nhớ về Hà Nội thuở thiếu thời và Hà Nội thời trai trẻ. Cái bông hoa ép trong sổ tay kia tôi nào có giữ được bởi chiến tranh khốc liệt và bởi ngay cả cuốn sổ nhật ký ấy của tôi cũng bị pháo địch bắn nát. Tôi chợt nhớ những gương mặt bạn bè đồng đội, những thằng Đào, thằng Tự, anh Nhiên, anh Hùng, anh Mười Thử, cô H’Ngươnl, mí Nhen, bá Phới... Họ đã hy sinh! Họ chưa một lần tới Thủ đô. Và ai cũng đã từng khao khát có một ngày ra Hà Nội.

Trong cuốn sổ tay của thằng Chung, bạn đồng hương của tôi, ghi những dòng dành riêng cho người yêu: Bao giờ hòa bình thống nhất anh sẽ đưa em ra Hà Nội chơi, Hà Nội đẹp  vô cùng. Em có biết không? Nếu anh và em được đi với nhau trên hè phố lúc trời mưa phùn thì mới thấy hết được vẻ đẹp lạ lùng của Thủ đô! Rõ là cái thằng ba hoa! Nó mới chỉ được đi qua Hà Nội cái đêm hừng sáng trong ga Hàng Cỏ hôm ấy cùng đơn vị chúng tôi trước lúc lên đường. Vậy mà trong trang thư viết về cho “em”, nó toàn kể Hà Nội đẹp! Hà Nội to! Hồi ấy tôi cứ hay trêu nó ba hoa bốc thơm với em. Nhưng bây giờ thì tôi đã hiểu. Hà Nội của chúng tôi rất cụ thể, không hề xa xôi, tựa hồ như chính là quê hương của chúng tôi vậy. Tựa hồ như đó là của quý, của riêng trong mỗi người. Hà Nội muôn năm khiến tâm hồn người Việt tự hào vì cái của chung của riêng ấy.

Hà Nội thời trai trẻ của chúng tôi là Hà Nội đêm hừng sáng trên ga trước khi vào chiến trận. Hà Nội của các con tôi bây giờ là những đêm hội hoa đăng, pháo hoa và trống hội Thăng Long, Hà Nội ngày mở cửa. Vâng, Hà Nội trong mỗi chúng ta đều có riêng một niềm xúc cảm từ ngàn năm văn hiến tụ về.

Tôi chợt cảm thấy có luồng sương chiều mang mang sà xuống sát mặt đường, muôn vật quanh tôi thấm đẫm mùi hoa sữa nồng nàn cuối thu, cứ ngỡ như mình vừa mới từ một cõi thiêng nào đó trở về. Và tôi nhận ra bóng thằng Chung, thằng bạn thời trai trẻ của tôi đang khoác vai “em” của nó đi trong đêm Hà Nội, dưới vòm cây cao vút ngờm ngợp mùi hương, nét mặt nó vẫn tươi rói chừng như mấy chục năm qua nó vẫn yên lành, trẻ trung như cái đêm hừng sáng trên sân ga Hàng Cỏ năm nào.

TRUNG TRUNG ĐỈNH

;
.
.
.
.
.