.
Giới thiệu sách

Trung Đông, có phải như bạn hiểu...

.

Trung Đông và Hồi giáo là những vùng đất và khái niệm không xa lạ gì với người Việt Nam. Tuy nhiên, không ai dám khẳng định mình hiểu biết và thẩm thấu được những diễn biến lịch sử-văn hóa-chính trị phức tạp của nó.

Bìa sách Con đường Hồi giáo. Ảnh: H.N
Bìa sách Con đường Hồi giáo. Ảnh: H.N

Ở cái xứ mà nếu cứ nghe theo đài báo loan tin thì tiếng súng nhiều hơn tiếng cười đùa, cái xứ mà trên ti-vi hễ có tin thì chỉ là tin khủng bố, cái xứ mà đàn bà nghe đâu phải đi năm bước sau đàn ông và trùm khăn kín mặt, cái xứ mà hình như một giọt rượu bia cũng đủ để bỏ tù một con người và cách đây không bao lâu nghe nói đến âm nhạc cũng bị cấm.

Nhưng, Trung Đông không phải là bức tranh một màu xám xịt của “Hồi giáo cực đoan”, “khủng bố”, “bất bình đẳng giới” mà là tấm thảm Tunisia nhiều màu sắc với trầm tích văn hóa hàng ngàn năm, những công trình kiến trúc đẹp đến nghẹt thở, với cuộc sống thấm đẫm tôn giáo, vẻ hiện đại và hào nhoáng tột cùng, nhưng đầy băn khoăn về danh tính dân tộc, rồi những bi kịch, sự khốn cùng, và những giá trị không dễ phán xét đúng sai.

Bạn hãy nghe Nguyễn Phương Mai kể những câu chuyện ngờm ngợp hơi thở cuộc sống, những nhìn nhận sắc bén của một nhà nghiên cứu, nhà báo được chuyển tải trong lối viết trẻ trung, cuốn hút, khiến bạn khó lòng kìm nổi thôi thúc được bước cùng cô trên Con đường Hồi giáo.

Hành trình của Nguyễn Phương Mai xuyên qua lịch sử đạo Hồi. Tôn giáo này xuất phát ở thánh địa Mecca 1400 năm trước, sau đó tỏa ra hai hướng, hướng Tây vượt qua Bắc Phi tràn đến châu Âu, hướng Đông thọc sâu xuyên qua Ấn Độ đến tận Indonesia. Con đường cô đã đi trong Con đường Hồi giáo bắt đầu từ Saudi, nơi Muhammad sáng lập đạo Hồi. Nhưng đó lại là đất nước chỉ cấp visa cho người hành hương, khiến cô chỉ có thể “chạm” vào Saudi bằng một chuyến bay nối chuyến ở sân bay Jeddah. Một Saudi hiện nay kín bưng, quyền phụ nữ bị giới hạn, khác với đất nước này 1400 năm trước khi Muhammad đề ra nhiều quyền lợi cho trẻ em và phụ nữ.

Chạm vào nơi khởi phát đạo Hồi, tác giả đã gặp bao điều trắc trở, nên mỗi chương trong cuốn sách, mỗi đất nước tiếp theo trên Con đường Hồi giáo khác biệt và hấp dẫn khiến tôi không dứt ra được. Mỗi trang sách có hấp lực rất lớn, khi nói về một Dubai vàng son, một thành phố siêu hiện đại mọc lên từ sa mạc cằn cỗi. “Dubai vừa mở toang vừa đóng kín, gần như trong vấn đề gì cũng nhìn thấy hai thái cực rõ ràng, hai hướng đi đối chọi hẳn nhau…”. Và đất nước Yemen với đa số người dân có sở hữu súng ống nhưng trong một cuộc điều tra có đến 48% dân số tự nhận là cuộc sống của mình luôn an toàn, 28% nhận định hầu như là rất an toàn.

Như đã nói ở trên, nhắc đến Trung Đông với cụm từ “nghe nói” thì bạn phải xem lại, khi cùng tác giả tận mắt nhìn thấy những đất nước với nhiều giá trị đối lập, dù có bom đạn hay đổ máu thì cũng chưa phải là điều bi đát nhất. “ Tôi đến Syria tưởng sẽ phải đối mặt với địa ngục của nội chiến, nhưng lại khám phá ra một thiên đường của tình người”.

Và vùng đất Jerusalem “chỉ trong vòng 0,9 km2, Jerusalem nắm gọn trong tay những địa chỉ hành hương quan trọng bậc nhất của ba tôn giáo độc thần lớn nhất thế giới, ba anh em cùng cha mẹ và cũng là ba kẻ thù lớn nhất của nhau. Bản đồ Jerusalem chia gọn gàng thành ba phần, phần của người Do Thái, phần của người Thiên Chúa và phần của người Hồi. Cả thành phố như một phim trường thời Trung Cổ với những lễ nghi tôn giáo thấm đẫm vào từng hơi thở của mỗi người dân. Mỗi lối rẽ ngoặt trái hay ngoặt phải đều có thể làm bước chân một kẻ ngoại đạo run lên trong từng nhịp cầu kinh thống thiết”.

Trở về từ Trung Đông, Nguyễn Phương Mai muốn nói rằng vùng đất khổng lồ trải qua ba châu lục mênh mang, trên diện tích lãnh thổ từ địa đầu châu Phi sang đến trung tâm châu Á, có những quốc gia nghèo thiếu ăn nằm cạnh những đất nước mà bữa ăn tối bình thường mắc tiền hơn cả Amsterdam; những thành phố nơi gần như 100% phụ nữ che khăn kín mặt ở cách nơi váy siêu ngắn và cổ áo siêu trễ chỉ non một giờ bay. Và chủ nghĩa Hồi giáo, nhân danh đạo Hồi có làm nên một Trung Đông huy hoàng, hay đang biến vùng đất này thành một chảo lửa, để những cụm từ như “văn minh, tự do, dân chủ” đang ngày một trở nên xa lạ ở nơi có bề dày trầm tích văn hóa mà cả thế giới phải ngưỡng mộ.

Kết bài viết này, chúng tôi xin  nhắc lại câu nói của tác giả, nhắc nhở bạn đọc khi đọc Con đường Hồi giáo: “Tôi hy vọng thế hệ bạn đọc khá ngoại ngữ liên tục để mở công cụ tìm kiếm google khi đọc sách, bởi sau mỗi thuật ngữ, mỗi lời bình có vẻ bâng quơ, mỗi chi tiết dễ trôi tuột đi là cả một thế giới phức tạp nhưng sống động và biến chuyển hàng giờ, bởi Trung Đông là một thực thể khổng lồ luôn cựa mình quẫy đạp, bởi lịch sử nhiều năm độc tài khiến thông tin không đồng bộ và bị bưng bít, bởi những xung đột và bất đồng chính kiến đã trở thành một phần của các nền văn hóa nơi đây”.

HOÀNG NHUNG


Đọc Con đường Hồi giáo – Nguyễn Phương Mai (phần 2 của bộ sách Lên đường với trái tim trần trụi), NXB Hội Nhà văn và Công ty Nhã Nam ấn hành năm 2014.

;
.
.
.
.
.