.
Giới thiệu sách

Đọc lại Những ngày giữ lửa

.

Năm 1997, Tỉnh ủy Quảng Nam và Thành ủy Đà Nẵng ra mắt tập sách Những ngày giữ lửa, viết về cuộc đụng đầu lịch sử đầu tiên của nhân dân Quảng Nam - Đà Nẵng và đế quốc Mỹ.

 

Tập sách thực sự đem lại bầu không khí nóng của tinh thần cách mạng đối với những người trong cuộc và cả những người thuộc thế hệ sau đang bắt tay xây dựng quê hương trong những ngày đầu khi mới chia tách tỉnh. Tập sách là một sự tri ân và tưởng nhớ những người trực tiếp đấu tranh và ngã xuống, cho hàng chục ngàn người con của xứ Quảng bị thảm sát và thủ tiêu mà rất nhiều người trong số đó cho đến tận ngày hôm nay vẫn không có một địa chỉ rõ ràng để người thân thành kính thắp một nén nhang.

Kỷ niệm 60 năm Ngày ký Hiệp định Genève, đọc lại tập sách Những ngày giữ lửa trong bối cảnh của ngày hôm nay làm chúng ta cảm nhận sâu lắng hơn sự thăng trầm của lịch sử thông qua những sự việc và những con người cụ thể. Đó là câu chuyện của hàng trăm cán bộ được bí mật cử ở lại Quảng Nam - Đà Nẵng làm nòng cốt để xây dựng, tổ chức lực lượng đấu tranh đòi hiệp thương thống nhất đất nước. Các đồng chí đã lên rừng, xây dựng miền núi “trở thành chỗ dựa vững chắc cho phong trào chung toàn tỉnh, có tác dụng hết sức quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ chung của cách mạng” như các đồng chí Bùi Phụng, Dương Đình Tú, Đỗ Ngọc Luyện, Phạm Toàn, Hường Thắng, Phạm Lâm, Võ Bửu, Nguyễn Nhĩ, Phạm Phong, Vũ Quỳnh, Lê Học, Huỳnh Thiện... để sau này, miền núi trở thành một căn cứ địa, vùng tự do của ta tiến tới bao vây đồng bằng và đô thị.

Có những đồng chí lại xuống đồng bằng, hoạt động trong lòng địch và đi ra biển… Trong đó, căn cứ nổi sông Đà với hàng chục ngàn người trên mặt nước từ Cẩm Lệ đến Vũng Thùng trở thành lực lượng làm ngòi pháo trong các đợt đấu tranh chính trị, là nơi đưa đón bảo vệ cán bộ, là đường dây liên lạc, nơi cắm quân và là lực lượng vận chuyển vũ khí. Là câu chuyện đồng chí Trương Chí Cương giao cho đồng chí Nguyễn Trí Quang vạch phương án cụ thể cho việc liên lạc Bắc - Nam bằng đường biển, mở đầu bằng chiếc thuyền đánh cá 10 tấn được mua lại của bà con Quảng Nam. Để từ đó hình thành nên “Tập đoàn đánh cá sông Đà” đưa đón thành công hàng loạt các đồng chí ra Bắc, vào Nam như đồng chí Nguyễn Duy Hưng, Trần Chiến, Trần Nhành, Nguyễn Văn Nhàn... Đây chính là buổi ban đầu của đường mòn Hồ Chí Minh trên biển.

Tại vùng trung du, đồng bằng và trong đô thị là những câu chuyện, đã trở thành huyền thoại của một sự thực trần trụi về tội ác Mỹ - Diệm. Đó là sự tàn sát, thủ tiêu hàng loạt trong chiến dịch “tố cộng”, “diệt cộng” khắp mọi nơi với khúc dạo đầu là cuộc khủng bố đẫm máu Đoàn phụ nữ biểu tình xã Đại Nghĩa do chị Nguyễn Thị Thơ dẫn đầu. Để rồi liên tiếp sau đó là các cuộc thảm sát chợ Được - Hà Lam với hơn 100 người bị giết, bị thương và giam giữ; cuộc thảm sát Chiên Đàn với hơn 100 người hy sinh; cuộc tàn sát ở Cây Cốc - Tiên Phước với hơn 300 người con của quê hương nằm xuống; cuộc tàn sát những người kháng chiến cũ ở đập Vĩnh Trinh - Duy Xuyên với 52 người; vụ thảm sát đồng bào ở 3 xã Sơn - Cẩm - Hà (Tiên Phước) với hàng trăm người; vụ thủ tiêu lén lút hơn 100 người ở Giếng Lạng - Tam Thái cùng với Đình Không Chái còn đó nỗi căm hờn… Tất cả phác họa một bức tranh về sự ác nghiệt của chiến tranh và sức chịu đựng anh dũng vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của các đồng chí cán bộ và nhân dân đất Quảng. Đặc biệt, là những câu chuyện về các bà mẹ đã nuôi giấu, che chở con cháu mình đấu tranh và chính các mẹ cũng là những chiến sĩ kiên cường, là những ngọn đèn không tắt, duy trì “lửa cách mạng” cho các con như mẹ Thuận “Qua đường An Mỹ - Thanh Tây/ Gặp được Mẹ Thuận đường dây an toàn”, hay mẹ Phạm Thị Cộng với câu trả lời hóm hỉnh “Đúng, Cộng là tôi đây. Các ông đánh quá thì tôi “sảng”, rứa là thành ra “Cộng sản” chớ chi!”…

Đọc lại tập sách Những ngày giữ lửa trong thời khắc vùng biển của Việt Nam bị Trung Quốc xâm phạm, lại nghĩ về “ngọn lửa cách mạng”, “ngọn lửa yêu nước” trong tim của mỗi người dân Việt Nam. Chúng ta đã từng có ngọn lửa trong ánh mắt của Trần Quốc Toản khi bóp nát quả cam trong tình thế đất nước bị quân Nguyên - Mông xâm lược bờ cõi, bởi sức chịu đựng của lòng yêu nước đã quá giới hạn. Từng có Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến năm 1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta đã nhân nhượng… Không, chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước...”. Từng có “Những ngày giữ lửa” như trong tập sách này để nhem nhóm thành ngọn lửa “đốt cháy dãy Trường Sơn” giành lấy hòa bình, thống nhất. Để rồi hôm nay, đúng 60 năm, sau những đau thương trong lịch sử chúng ta mong muốn được hòa bình - một mong muốn thiêng liêng nhất, chúng ta tiếp tục giữ lửa đấu tranh hòa bình theo công pháp quốc tế khi Trung Quốc xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán trên vùng biển của Việt Nam. Mỗi người dân Đà Nẵng, Quảng Nam nói chung và Việt Nam nói riêng luôn mang trong mình ngọn lửa yêu nước để đấu tranh bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

HÀ BÌNH

;
.
.
.
.
.