.

Đánh thức tiềm lực y dược cổ truyền

.

Để đánh thức tiềm lực YDCT, ngoài yếu tố con người và cơ chế chính sách, thiết nghĩ cần xây dựng chiến lược phát triển không chỉ đáp ứng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, cung ứng thuốc, mà còn phải hướng tới những chuỗi dịch vụ nâng cao sức khỏe, nâng cao chất lượng sống cho người dân, du khách và người nước ngoài đến làm việc, sinh sống, tham quan, nghỉ dưỡng.

Tại Bệnh viện YHCT Đà Nẵng, việc bào chế các nguồn dược liệu chủ yếu ở địa phương được thực hiện với công nghệ, kỹ thuật hiện đại. TRONG ẢNH: Bộ phận bào chế thuốc hoàn. Ảnh: V.T.L
Tại Bệnh viện YHCT Đà Nẵng, việc bào chế các nguồn dược liệu chủ yếu ở địa phương được thực hiện với công nghệ, kỹ thuật hiện đại. TRONG ẢNH: Bộ phận bào chế thuốc hoàn. Ảnh: V.T.L

1. Báo cáo tại Hội nghị tổng kết Chính sách quốc gia về y dược cổ truyền (YDCT) giai đoạn 2003-2010 cho biết tỷ lệ khám, chữa bệnh bằng YDCT tại tuyến cơ sở chỉ đạt 10%, thấp xa so với mục tiêu 30-40% theo Kế hoạch hành động của Chính phủ về phát triển YDCT Việt Nam đến năm 2020.

Thực trạng khám, chữa bệnh bằng YDCT ở các trạm y tế chủ yếu vẫn là sử dụng một số ít thành phẩm thuốc Đông dược đã được đưa vào danh mục thuốc BHYT, chứ chưa khai thác sử dụng bào chế nguồn dược liệu thuốc Nam tại địa phương; chưa có cán bộ chuyên trách YDCT; các tổ chẩn trị YDCT nếu có chỉ thuê khoán các lương y ở ngoài vào đặt cơ sở hoạt động theo cách thức cho mượn mặt bằng hoạt động tự thu tự chi chứ không phải “do thầy thuốc YDCT của trạm y tế phụ trách”.

Đà Nẵng hiện đã cơ bản hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân (năm 2013 đạt độ bao phủ 93,90%). Vì vậy, việc kiện toàn, nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở trong đó chú trọng phát huy vai trò mạng lưới khám, chữa bệnh bằng YDCT trở thành nhu cầu cấp thiết để bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ khám, chữa bệnh và cung cấp thuốc thiết yếu là những nội dung quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu ở nước ta.

2. Xuất phát từ thực tiễn nêu trên, vừa qua Bệnh viện Y học cổ truyền  Đà Nẵng đề xuất Dự án Xây dựng và nhân rộng mô hình tổ chức khám, chữa bệnh bằng YDCT cho các trạm y tế. Theo đó, các y, bác sĩ đa khoa hiện biên chế tại các trạm y tế sẽ được đào tạo, huấn luyện kỹ năng khám bệnh, châm cứu, kê đơn theo phác đồ điều trị khoảng 10 chứng bệnh thường gặp bằng các chế phẩm thuốc Nam do khoa Dược của bệnh viện bào chế sẵn từ các nguồn dược liệu chủ yếu ở địa phương với công nghệ, kỹ thuật hiện đại.

Nếu được các cơ quan chức năng cho phép triển khai, trong thời gian thực hiện trung hạn 2 năm, dự án sẽ tạo được sự đột phá và chắc chắn sẽ thực hiện đạt chỉ tiêu khám, chữa bệnh bằng YDCT như đã đề ra.

3. Cùng với đó, một mũi nhọn không thể không tiếp tục đầu tư, đó là nâng cấp Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng. Sau khi thành phố trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, bệnh viện tuy đã được xây dựng mới với quy mô 100 giường đưa vào hoạt động từ năm 2006, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành các hạng mục xây dựng khu khám bệnh, khu cận lâm sàng, khoa dược, giảng đường… như dự tính thực hiện.

Trong khi cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện và đang xuống cấp, từ đầu năm 2014, bệnh viện lại được giao thêm chỉ tiêu 20 giường bệnh, nâng tổng số lên 120 giường, nhưng thực tế đã kê gần 150 giường. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã  phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống bệnh viện y học cổ truyền toàn quốc giai đoạn 2014 - 2025”, trong đó Bệnh viện Y học cổ truyền  Đà Nẵng sẽ được nâng cấp từ 150 lên 200 giường trong giai đoạn 2016 - 2020. Vậy là việc xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng của bệnh viện đã trở thành nhu cầu cấp thiết, không thể trì hoãn, nhất là khi mà việc phát triển theo mô hình bệnh viện đa khoa Y học cổ truyền sẽ mở ra hướng giải quyết nhiều bài toán nâng cao chất lượng điều trị, đầu tư trang thiết bị hiện đại, phát triển nguồn nhân lực chuyên sâu YDCT.

PGS, TS Trương Việt Bình, Giám đốc Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam, nêu một thực tế đáng buồn, một thông tin rất đáng để các nhà quản lý ngành suy ngẫm: “Không chỉ thiếu thốn về nhân lực, mà còn có sự bất công trong việc phân bổ kinh phí của ngành Y tế. Trong khi có đến 30% người dân khám, chữa bệnh theo phương pháp YDCT mà chỉ có 3% kinh phí ngành y tế dành cho YDCT, còn với 70% người dân chữa bệnh theo y học hiện đại thì lại hưởng đến 97% kinh phí”.

4. Để đánh thức tiềm lực YDCT, ngoài yếu tố con người và cơ chế chính sách, thiết nghĩ cần xây dựng chiến lược phát triển không chỉ đáp ứng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, cung ứng thuốc, mà còn phải hướng tới những chuỗi dịch vụ nâng cao sức khỏe, nâng cao chất lượng sống cho người dân, du khách và người nước ngoài đến làm việc, sinh sống, tham quan, nghỉ dưỡng.

Đà Nẵng được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh quan đẹp, có đa dạng địa hình, từ rừng núi, trung du, đến đồng bằng, ven biển,… Bệnh viện Y học cổ truyền không chỉ tổ chức các đơn vị chuyên môn sâu hay phòng khám chữa bệnh dành riêng cho nhân viên văn phòng, cho du khách, cho người nước ngoài, mà còn có thể phối kết hợp với các sở, ban, ngành, các doanh nghiệp để thành lập các trung tâm điều dưỡng và chăm sóc sức khỏe, các trang trại nuôi trồng cây con làm thuốc đồng thời là các địa điểm du lịch sinh thái lý tưởng…

5. Thời hội nhập, vấn đề hợp tác quốc tế cũng cần đặc biệt chú trọng. Trong năm 2013, Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng đã đón tiếp và làm việc với chuyên gia vật lý trị liệu thuộc tỉnh Yaroslavl, Nga, đến tìm hiểu cơ hội hợp tác trong lĩnh vực YDCT và phục hồi chức năng, hướng tới hoạt động du lịch phục hồi sức khỏe bằng y học cổ truyền.

Đầu năm 2014, UBND thành phố Đà Nẵng đã phê duyệt tiếp nhận chương trình “Hỗ trợ phục hồi chức năng” tại Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng do tổ chức Steady Footsteps, Hoa Kỳ, tài trợ thực hiện trong ba năm (2014 - 2016).

Ngày 8-7 vừa qua, lãnh đạo bệnh viện được Tổ chức Y tế Tình nguyện Hải ngoại Đông y Hàn Quốc (KOMSTA) mời tham gia buổi tọa đàm nhằm giao lưu hợp tác và tìm hiểu về sự phát triển Đông y của hai nước Hàn - Việt. Tại buổi tọa đàm, bệnh viện đề xuất và kêu gọi đầu tư thành lập Phòng khám Đông y Việt - Hàn, ý tưởng này đã được tổ chức KOMSTA ghi nhận.

Với những chuyển động tích cực này, hy vọng tiềm lực YDCT của Đà Nẵng sẽ được đánh thức trong thời gian tới.

Theo Kế hoạch Phát triển YDCT tại thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, mục tiêu cụ thể về tỷ lệ khám chữa bệnh bằng YDCT đến các năm 2015 - 2020 ở tuyến thành phố phải đạt 15-20%, tuyến quận huyện đạt 20-25%, tuyến xã phường đạt 30-40%. Đến năm 2020, thành phố có 100% phòng khám đa khoa và trạm y tế xã, phường, thị trấn có tổ YDCT do thầy thuốc Đông y của trạm y tế phụ trách. Tuy nhiên, hiện Đà Nẵng cũng như cả nước, việc thực hiện các mục tiêu nói trên vẫn còn là… tiềm năng chưa khai thác hết.

ThS, BS  NGUYỄN VĂN ÁNH

;
.
.
.
.
.