.

Cô giáo như mẹ hiền

.

Với những học trò có hoàn cảnh khó khăn, câu chuyện của trò có thể theo người thầy, người cô suốt cuộc đời đứng trên bục giảng. Ngoài thời gian và công sức, tình thương và trách nhiệm, người giáo viên chủ nhiệm đôi khi là cha, là mẹ theo suốt các em trong năm học, với mong muốn lớn nhất là mong các em trưởng thành…

Sự gần gũi giữa cô và trò là một trong những cách để GV nắm bắt được tâm sinh lý lứa tuổi, từ đó có những điều chỉnh thích hợp trong giảng dạy.  Ảnh: S.L
Sự gần gũi giữa cô và trò là một trong những cách để GV nắm bắt được tâm sinh lý lứa tuổi, từ đó có những điều chỉnh thích hợp trong giảng dạy. Ảnh: S.L

Thương trò như thể thương con

Cô Phạm Hoàng Thảo Liên (GV Trường TH Bạch Đằng, quận Hải Châu) có gần 10 năm làm giáo viên chủ nhiệm (GVCN), tâm sự rằng mình rất vui mỗi lần phụ huynh gọi điện thoại cho cô giáo trao đổi về tình hình học tập của con. “Có quan tâm đến chuyện học hành của con cái thì phụ huynh mới hỏi han cô giáo. Nhất là thời điểm vào đầu năm học, khi các em chưa thể viết vào vở những việc cô giáo giao về nhà, GV chỉ có thể nhắc nhở mà học sinh thì lại hay quên hoặc truyền đạt lại cho bố mẹ không rõ ràng. Có nhiều phụ huynh mà GV có muốn trao đổi dù là qua điện thoại hay gặp gỡ cũng không được”.

Như trường hợp em N.V.Đ (năm học 2012-2013), sau rất nhiều lần thấy HS không hoàn thành bài tập ở nhà, hay quên sách, vở, thiếu bút… dù đã có trao đổi với phụ huynh, cô Thảo Liên tìm đến nhà mới thấy “thương không chịu được”. Ông bà ngoại già yếu nên Đ. hầu như không được chăm chút, phải tự lực từ chuyện ăn ngủ, học hành. Lúc đó mình mới hiểu nỗi lòng đằng sau câu nói của mẹ Đ.: “Thôi trăm sự nhờ cô giáo”.

Sau khi ly hôn, mẹ Đ. vất vả kiếm sống, khi về đến nhà thì con đã ngủ, ra khỏi nhà thì con chưa thức dậy. Không được đi học mẫu giáo,  nên để Đ. theo kịp bạn bè trong lớp cô Liên thường tranh thủ giờ ra chơi để kèm cặp thêm cho em và gần chục bạn khác. “Làm chủ nhiệm, mà nhất là lớp Một, thì GV phải như một người mẹ thực sự, phải chăm từ bữa ăn, giấc ngủ, thậm chí cả việc vệ sinh cho các em. Nếu GV không tỉ mỉ, kiên nhẫn thì không đảm đương được” - cô Liên cho biết.

Cô Phương Hoa, GV một trường THCS trên địa bàn quận Sơn Trà kể, mấy năm trước được phân công làm GVCN một lớp 8 của trường, cô đã phải suy nghĩ rất nhiều làm thế nào để dạy một học sinh nam “cá biệt” của lớp. “Mỗi lần đến lớp, N. (tên em học sinh) không chịu ngồi yên, sẵn sàng trêu ghẹo bạn, đến giờ toán của mình thì nằm dài ra bàn hoặc nói chuyện, vẽ bậy trong vở. Một lần có lãnh đạo Phòng Giáo dục về kiểm tra, N. ăn mặc rất lôi thôi. Sau hỏi ra mới biết N. chỉ có một cái áo trắng mặc đi học, chỉ được giặt vào ngày cuối tuần; mẹ N. làm thuê ở cảng cá nên chẳng có mấy thời gian quan tâm đến con. Mấy hôm sau mình mua một bộ vải áo trắng, quần xanh đưa lên tặng N. Phải nói rất khéo là “cô mua cho con, lúc nào may thì con đến chỗ A, rồi cô gửi tiền may cho. Con nhận đi và đừng suy nghĩ gì hết nghe”.

Mấy hôm sau thấy N. mặc bộ đồ mới đến lớp, không nói gì mà chỉ nhìn mình cười cười. Cũng từ bữa đó N. hết nói chuyện, trêu ghẹo bạn. Biết N. không thích học toán do bị mất căn bản, mình đã dành nhiều thời gian trong tiết học, giờ ngoại khóa để kèm cặp N. Năm học lớp 8 đó N. tiến bộ rõ rệt. Chỉ tiếc là năm học sau đó mình không được phân công chủ nhiệm lớp của N. nữa. Đến giữa năm học lớp 9 thì biết tin N. nghỉ học. Mình rất tiếc với trường hợp của N. Với nhiều học sinh, nhất là những em có vẻ “cá biệt”, việc GVCN quan tâm, theo sát các em trong nhiều năm mới mong dạy dỗ các em thật sự, giúp các em nên người”.

Niềm vui của nghề giáo

Đợt cơn bão đổ bộ vào Đà Nẵng tháng 10-2013, tạm gác hết việc nhà ngổn ngang sau bão, một tuần liền, cô giáo Nguyễn Thị Tuyết (Trường THCS Lê Hồng Phong, quận Hải Châu) đều đến tận nhà em T.T.T để đón em… đi chơi. “T. là một học sinh học khá, cũng rất cá tính, em hay xích mích với các bạn trong lớp rồi kéo bạn ở các trường khác về trường đánh nhau. Sau khai giảng khoảng độ một tháng, T. nghỉ học một tuần, cô giáo tìm đến nhà thì T. tỏ ra rất khó chịu, phụ huynh cũng bất lực trước con. Thế là mình đổi phương án tiếp cận” - cô Tuyết kể.

Trong suốt một tuần “cô - trò chỉ đi chơi thôi nhé” như lời cô Tuyết giao ước, cô trò nhỏ đã tâm sự với cô đủ thứ chuyện, những suy nghĩ non dại cũng nhờ vậy mà được cô Tuyết khéo léo điều chỉnh, uốn nắn. Sau đó, T. nhắn tin cho cô: “Em muốn đi học lại, nhưng rất xấu hổ với bạn bè, cô vào lớp cùng em nhé”. Cô giáo lại phải làm “công tác dân vận” với cả lớp để T. không bị “xì xào” khi đi học trở lại. Cũng phải mất gần chục ngày, cứ đến giờ đi học, T. đứng trước cửa chờ cô giáo đến đón. Năm học qua T. đảm nhận “chân” lớp phó phụ trách kỷ luật của lớp.

Sau hơn 25 năm làm công tác chủ nhiệm, cô Tuyết tâm sự thật lòng: “Thôi làm chủ nhiệm thì sẽ nhẹ việc sổ sách, nhẹ cả suy nghĩ nhưng cứ thấy thiếu thiếu, buồn buồn”.

Thầy Trình Quang Long, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Hồng Phong nhận xét: “Làm GVCN như có thêm đàn con mọn, không có thì trống trải vô vị, mà có thì chẳng lúc nào yên. Quản lý và giáo dục gần 50 học sinh đang trong độ tuổi ẩm ương quả là điều không hề đơn giản. Thế nhưng, niềm vui cũng từ đó mà ra khi thấy học sinh ngày một tiến bộ, trưởng thành. Nếu GV nào không làm chủ nhiệm thì không biết chiều sâu, niềm vui của nghề nhà giáo”.

Thầy Trần Tám, Hiệu trưởng Trường TH Bạch Đằng cho biết: “Để tạo điều kiện cho những GV mới về trường làm tốt công tác chủ nhiệm, việc đầu tiên mà ban giám hiệu làm là cung cấp cho GV tình hình kinh tế-xã hội của địa bàn, đặc điểm của phụ huynh; thường xuyên cập nhật các tình huống sư phạm để GV học tập, rút kinh nghiệm. Cách đây mấy năm, trước khi họp phụ huynh, thường thì ban giám hiệu chỉ cần thông báo nội dung cho GVCN, nhưng gần đây, khi trường có nhiều GV trẻ thì chúng tôi phải trao đổi kỹ với GV”. Thương yêu, coi trò như con, GV mới thành công trên con đường dạy dỗ các em nên người.

SONG LINH

;
.
.
.
.
.