.

Chiếc lư hương và tấm ảnh ở chiến trường K

.

Toàn Quân khu 5 có 12.954 liệt sĩ trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế ở Cam-pu-chia. Hiện hàng nghìn liệt sĩ vẫn còn đâu đó trên đất bạn và đang dần mất dấu vết theo thời gian.

Đại tá Lê Lan thắp hương  đồng đội trên chiếc lư đồng.
Đại tá Lê Lan thắp hương đồng đội trên chiếc lư đồng.

Chiếc lư hương trong lễ truy điệu

Có hai “bảo vật” mà Đại tá Lê Lan (tổ trưởng tổ dân phố số 142, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng) nâng niu từ chiến trường K. Đó là chiếc lư hương đã từng dùng làm lễ truy điệu 13 liệt sĩ hy sinh ở Kra-chê và tấm ảnh người bạn Phạm Minh Hòa đã ngã xuống khi làm nghĩa vụ quốc tế.

Theo ông thắp nén hương trên bàn thờ đồng đội, tôi để ý chiếc lư hương thật lạ, không giống bất cứ lư hương nào ở Đà Nẵng này. Lư bằng đồng đã cũ kỹ, khá to và nặng, dáng lượn tròn, có hai tai gấp vuông tì lên bờm với nhiều họa tiết về đất nước chùa Tháp.

Ngày 23-10-1988, ông Lê Lan ở Mặt trận 579, lúc này đóng tại tỉnh Strung-cheng, Cam-pu-chia, đang nghỉ trưa thì nghe tin sét đánh: Đoàn xe chở cán bộ của Trung đoàn 733, Sư đoàn 315, Quân khu 5 (đơn vị trước đó nơi ông làm Chủ nhiệm Trung đoàn) từ Strung-cheng về Kra-chê thì bị bọn Pôn- pốt phục kích. Hầu hết cán bộ, chiến sĩ trên xe đều hy sinh. Toàn Mặt trận 579 nặng trĩu đau thương khi nhìn thấy 13 đồng chí được chở về không còn nguyên vẹn hình hài. Đó là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 9 Nguyễn Đình Hoàng, sau này là Anh hùng LLVTND, viết thư bằng máu để được đi bộ đội. Anh mới từ Việt Nam qua, dù chưa hết phép. Đó là anh Nuôi, nguyên trợ lý tổ chức Sư đoàn, vừa nhận chức Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn; quân hàm thiếu tá mới nhận còn chưa kịp đeo. Là Sum, cán bộ trung đội hiền như con gái; là Sơn tính tình vui vẻ, hát hay đàn giỏi và nhiều đồng chí đã sát cánh cùng Lê Lan qua những trận chiến…

Buổi lễ truy điệu trước sân của doanh trại Mặt trận hôm đó tràn ngập nước mắt. Các đồng chí bên chính sách đem ra chiếc lư và lọ hoa. Mọi người lần lượt đi qua thắp hương, nguyện biến căm thù thành hành động, giúp bạn truy quét hết bọn Pôn-pốt, đem lại cuộc sống yên lành cho nhân dân.

Khi đoàn xe chở các liệt sĩ về Việt Nam, Trợ lý tuyên huấn Mặt trận Lê Lan ở lại, lặng lẽ đem lư hương cất vào ba lô. Ông muốn đồng đội luôn ở bên mình, đi công tác dù gần hay xa đều mang theo. Một năm sau về nước, ông đưa lư hương về cùng, rồi lập bàn thờ ở nhà. Vợ ông, bà Lê Thị Liên Minh, nguyên chiến sĩ Quân đoàn 2, sau này làm ở Quân khu 5 rất ủng hộ việc làm của chồng. 26 năm nay, đến ngày các anh hy sinh 23-10 và các dịp 27-7, 22-12 hay ngày Tết, ngày rằm, hai vợ chồng đều cúng giỗ các liệt sĩ trang trọng. Nhiều đồng đội cũ biết chuyện cũng đã đến thắp hương, dâng hoa.

Tấm ảnh liệt sĩ Phạm Minh Hòa được ông Lan gìn giữ.
Tấm ảnh liệt sĩ Phạm Minh Hòa được ông Lan gìn giữ.

Tấm ảnh định mệnh

Lấy trong hộp sắt ra tấm ảnh đen trắng thấy rõ một chàng trai mặc áo may-ô, làm điệu bộ hết sức hồn nhiên để chụp ảnh, nụ cười thật tươi với hàm răng hơi vô ra phía trước, Đại tá Lê Lan kể về người bạn có tên: “Hòa xi-ca-vâu”, vì hàm răng khá đặc biệt của anh…

Gặp và thân nhau khi cùng chờ nhận công tác ở T20, Đà Nẵng (1983), có 5 năm ở chiến trường K, bộ ba: ông, Hòa và Đại tá Đỗ Như Thuần, nay làm ở Hội Cựu chiến binh Đà Nẵng đã như anh em. Trước khi chia tay đi về các hướng, Hòa bảo bạn chụp cho tấm ảnh đang tưới rau với lời nói như điềm báo: “Mình sẽ nằm lại ở mảnh đất này”. Cuối năm 1988, đang là trợ lý Tuyên huấn Sư đoàn 315, anh Hòa xung phong đi làm Phó Tiểu đoàn trưởng Chính trị, đảm nhận hướng trọng điểm Núi Chi ở Kra-chê. Trong một lần đi truy quét, anh bị phục kích và hy sinh ngày 4-11-1988. Trước đó, Hòa đã kịp tìm ra nguồn nước cho đơn vị và nổ súng tiêu diệt nhiều lính Pôn-pốt. Quá thương tiếc một cán bộ dũng cảm, đầy năng lực, đồng đội quyết đưa thi thể Hòa về cho bằng được.

Ở đây, những người lính truyền nhau câu: “Cam-pu-chia không có ngôi mộ cho những bàn chân”. Bởi trước khi tháo lui, bọn địch cài lại các loại mìn sát thương nhằm cản bước chân của ta. Đồng đội cáng anh phải vượt qua hàng chục km đường rừng sâu với 7 ngày ròng rã trong đội hình đi truy quét vừa đi vừa dò dẫm bom mìn dưới chân. Ai cũng nghĩ, nếu Hòa còn sống, với tính cách mạnh mẽ của mình, có lẽ anh sẽ không bao giờ làm phiền tới đơn vị như vậy. Thời gian di chuyển lâu, thời tiết khắc nghiệt, điều kiện khâm liệm hạn chế nên mùi thi thể bốc lên nồng nặc. Thương bạn, anh em vừa cáng vừa khóc sụt sịt, rồi chặt tàu lá thốt nốt vừa đi vừa quạt mát, xua đuổi đám ruồi nhặng bám theo. Qua những cánh rừng rậm rạp, mọi người lúc đi khom, lúc rướn cao người, khi cúi thấp như đang bò, nghe tiếng lá khô lạo xạo dưới chân mới tin chắc mình không vấp phải mìn. Khó khăn là vậy, nhưng mọi người luôn bước nhẹ nhàng mỗi khi lên xuống dốc, giữ cho chiếc cáng luôn thăng bằng để người trên cáng được bình yên.

Sau đó đơn vị phân công Đại tá Lê Lan tiếp tục cùng tài xế đưa Hòa từ Kra-chê về Mặt trận ở Strung-cheng. Đoạn đường chỉ hơn 100 km, nhưng đi rất thận trọng. Nhớ lại cảnh bị phục kích của Trung đoàn 733 làm hy sinh 13 đồng chí tháng trước, ông nói với đồng chí Nguyễn Long Cáng, bấy giờ là Tiểu đoàn trưởng (nay là Thiếu tướng, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 5) nếu không để anh Hòa “hy sinh lần thứ hai” thì bổ sung một tiểu đội với vũ khí được trang bị đầy đủ đi cùng trên xe .

“ Đi đến những chỗ ngầm, thác, bụi rậm, khúc cua, không cần biết có địch hay không, chúng tôi dùng hỏa lực dọn đường. Nhờ vậy mà đã đưa được Hòa về an toàn ở Sở chỉ huy Mặt trận, sau đó Ban chính sách đưa anh về chôn cất ở nghĩa trang Đức Cơ (Gia Lai). Chàng sĩ quan Hà Tĩnh đầu quân vào Quân khu 5 luôn nói trước rằng mình sẽ nằm xuống trên đất Cam-pu-chia không một chút băn khoăn, nghĩ mà thương quá. Người lính là vậy, coi cái chết nhẹ như lông hồng”. Đại tá Lê Lan nhớ lại. Ngày 27-7 hằng năm, ông Lan và Đỗ Như Thuần tìm mua bằng được kẹo cu-đơ mà trước đây anh rất thích để đặt lên bàn thờ chung, hương khói thường xuyên như thể đồng đội vẫn chưa một ngày xa cách.

Rời quân ngũ, Đại tá Lê Lan lại tận tụy với việc nước, việc dân và dường như sống mãi với tình đồng đội. Ông nghĩ: “Dẫu sao những đồng đội của ông đã may mắn được đưa về nước. Còn hàng nghìn liệt sĩ vẫn đâu đó trên đất bạn và đang dần mất dấu vết theo thời gian”. Mỗi lần thắp hương, ông lại nguyện cầu, mong sao các liệt sĩ sớm được quy tập và về với đất mẹ thân yêu.

HỒNG VÂN

;
.
.
.
.
.